Dọc đường

Hà Nội – Phố cổ và những nỗi khổ gia truyền, Kỳ 4: “Phố mộc” vắng tiếng cưa bào

Hàng chục phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội giờ đây chỉ còn lại những cái tên gợi nhớ lại thời xa vắng. Như “phố mộc” Tô Tịch hay Hàng Quạt nổi tiếng nghề tiện và làm khuôn bánh với tiếng đục đẽo cưa bào vang lên khắp các ngõ ngách. Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, bây giờ “phố mộc” đã vắng tiếng cưa bào.

Khách sạn “đè bẹp” nghề tiện

Trong ký ức người Hà Nội, phố Tô Tịch còn có tên gọi khác là Tố Tịch. Có ý kiến cho rằng, Tố Tịch có nghĩa là chiếu trắng, nhưng chẳng ai biết được chính xác gốc gác tên phố, vả lại con phố cũng chẳng có chút liên quan gì đến việc làm chiếu hay bán chiếu. Di tích duy nhất còn sót lại của thôn Tố Tịch là ngôi đình cổ ở góc phố mang tên nhà số 1.

Nhiều khách sạn được xây dựng ở phố Tô Tịch

Phố Tô Tịch dài đúng 95m nối từ phố Hàng Quạt sang phố Hàng Gai. Cụ Trần Viễn Tự ở con phố này đã gần tròn 100 năm nhớ lại: “Thời Pháp người ta vẫn gọi phố Tô Tịch là Ruelle de Tố Tịch, sau năm 1920 người ta mới mở rộng con phố như bây giờ, chứ trước kia nó chỉ là con đường vừa hẹp vừa lầy lội”.

Trong trí nhớ của cụ Tự cũng như người dân sống ở con phố này thì niềm tự hào duy nhất là nghề tiện gia truyền. Cả Hà Nội cũng chỉ có Tô Tịch là địa điểm duy nhất cho các nghệ nhân cao tay thể hiện tài năng, vì thế người ta gọi phố Tô Tịch là “phố mộc” cũng rất có lý.

Những năm 1960 là đỉnh cao của nghề tiện, con phố nhỏ sầm uất suốt đêm ngày. Khách khứa đến đặt hàng nhiều như đi hội, chủ yếu là các mặt hàng phục vụ đời sống như cái khay đựng trà, cái hộp gỗ đựng thuốc lào hay đơn giản là đôi dép gỗ. Khách mang gỗ đến, đặt các nghệ nhân tiện sản phẩm theo đúng ý muốn. Theo cụ tự, ngày trước cả trăm nhà phố Tô Tịch đều làm nghề, ai cũng là thợ giỏi hoặc nghệ nhân. Thế rồi, dần dà con phố đổi mới, khách sạn nhà hàng “đè bẹp” xưởng tiện, nghệ nhân người thì qua đời, người khác bỏ nghề về quê, còn rất ít người trụ lại.

Và cho đến bây giờ, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được địa chỉ của một gia đình duy nhất còn làm nghề tiện ở con phố này. Đó là anh Lê Đình Thắng ở nhà số 7, anh Thắng buồn bã: “Mang tiếng là giữ nghề cha ông chứ cũng chẳng ma nào họ thèm ghé qua. Hàng hoá cũng chỉ bán cho khách Tây để họ làm đồ lưu niệm”.

Cuộc chuyện trò vừa bắt đầu thì nhà anh Thắng có khách. Đó là anh Danny ở tỉnh Tipperary thuộc nước Cộng hoà Ailen ghé thăm. Anh Danny cũng là một thợ tiện, đọc cẩm nang du lịch anh biết Việt Nam có phố Tô Tịch tụ hội nghệ nhân giỏi nên đến học hỏi. Nhưng Danny thốt lên: “Rất thất vọng, cả phố chỉ còn một người làm tiện”.

Anh Danny người Ailen thử tay nghề tại xưởng tiện của anh Thắng

Danny cũng tỏ ra bất ngờ khi nghe anh Thắng kể lịch sử nghề ở con phố này. Nhưng Danny cũng như anh Thắng cũng không hiểu lý do tại sao các nghệ nhân ở phố Tô Tịch bỏ nghề. Cuối cùng anh đổ lỗi cho các khách sạn đã “đè bẹp” thứ nghề hiếm hoi này.

 Anh Thắng bảo: “Xưa kia, ở đây có cả nghiệp đoàn thợ tiện nhưng là dĩ vãng rồi. Hàng chục nhà hàng khách sạn mở ra đã biến xưởng tiện thành ăn ăn uống ngủ nghỉ. Nghe nói, làm dịch vụ lãi hơn nhiều so với thợ tiện nên họ bỏ hết. Ai không mở khách sạn thì mở cửa hàng lưu niệm, không ai chịu giữ nghề”.

Người cuối cùng làm khuôn bánh

Từ phố Tô Tịch chin chít những khách sạn cao thấp, phình ra hóp vào đủ loại ra đến phố Hàng Quạt, nơi “phố mộc” thứ hai của Hà Nội với nghề làm khuôn bánh cổ truyền. Nhưng đâu rồi những hiệu làm khuôn truyền thống, dù con phố vẫn giữ dáng dấp xưa cùng những hiệu bán đồ gỗ.

Chúng tôi dừng chân ở số nhà 59, người đàn ông trung niên ra đón. Cả con phố này, chẳng ai biết ông tên gì, quê quán gốc gác nơi đâu. Phần vì ông khó tính, lại cái tính thẳng tưng nên không ai buồn hỏi, mà có hỏi thì cũng chỉ được nghe chửi. Ông bảo tôi, cứ gọi ông là Khuôn, vì ông làm khuôn bánh cả đời rồi, cả Hà Nội phải dùng khuôn bánh từ chính cửa hàng nhỏ bé ấy.

Hộp đựng chè – sản phẩm từ nghề tiện

Tôi gặng hỏi, hoá ra ông cũng dễ tính. Ông quê gốc Thường Tín, tổ tiên ông đưa nghề làm khuôn bánh lập nghiệp ở phố Hàng Quạt. Ông bảo: “Người làm khuôn giỏi trước hết phải là thợ mộc, thợ tiện, thợ điêu khắc giỏi, sau đó phải là một hoạ sỹ thiết kế ra các mẫu bánh thì mới có được tác phẩm tốt”.

Ngoài ra, thợ làm khuôn bánh phải biết làm bánh, biết tính trọng lượng bánh khi vào khuôn để bán không bị lỗ. Vì thế, ông cũng phải học làm bánh các loại trước khi thành thợ làm khuôn. Ông cho hay: “Nghiệp đoàn khuôn bánh trước đây ở phố Hàng Quạt lên tới cả trăm hộ dân. Rồi không biết thế nào chỉ còn mình tôi tồn tại”.

Những khuôn bánh mà ông Khuôn làm ra được các cửa hàng bánh trong và ngoài Hà Nội rất ưa chuộng. Những mẫu khuôn với tên mỹ miều như: Cá chép trông trăng, cá cắn tiền… là “đứa con tinh thần” mà thợ khuôn bánh để lại. Tuy nhiên, ông Khuôn thành thật: “Người ta chỉ mua một lần dùng cả đời chứ có mua nhiều đâu mà mình sống được”.

Cố sống, cố chết với nghề

Một thực tế tréo ngoe với nghề làm khuôn bánh là, ngày xưa nhiều người làm nghề thì sống tốt, còn hiện giờ cả phố Hàng Quạt chỉ còn ông Khuôn giữ nghề làm khuôn thì lại sống dở chết dở. Ông Khuôn cho hay: “Các mẫu khuôn mình ế đầy ra đấy có ma nào họ mua đâu. Bây giờ, người ta ưa khuôn công nghiệp làm bằng máy móc nhập bên Trung Quốc về”.

Anh Thắng là người làm tiện duy nhất ở phố Tô Tịch

Ông Khuôn nhẩm tính đến đời mình là đời thứ 4 giữ nghề làm khuôn. Nhưng ông cũng buông ra tiếng thở dài mà rằng: “Đời thứ tư và cũng là đời cuối làm khuôn đấy chú ạ. Tôi đang phải kiêm cả nghề làm lá bùa bằng gỗ bán cho người ta, gọi là lấy ngắn nuôi dài. Bỏ nghề làm khuôn thì không đành, thôi thì cố sống cố chết với nghề”.

Anh Lê Đình Thắng – thợ tiện cuối cùng của phố nghề Tô Tịch cũng chẳng khá hơn. Anh tính toán, nếu dùng ngôi nhà hiện giờ mở cửa hàng buôn bán thì chắc chắn vợ con anh sẽ không phải khổ. Nhưng có điều, trước khi bố anh qua đời, anh đã hứa sẽ giữ nghề thợ tiện ở con phố mà mấy đời tổ tiên đã lập nghiệp.

Thật là, cực chẳng đã!

Theo bà Trần Thuý Lan – Cán bộ Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thì, không ít phố đã mất dần sản phẩm đặc trưng. Hiện nay, Hà Nội hầu như không còn phố nghề với tính chất vừa bán hàng vừa sản xuất. Một số nghề bị mai một rất nghiêm trọng như nghề tiện, nghề làm chiếu hoặc làm da…

Trần Hoà

BẢN DESKTOP