Dọc đường

Hà Nội – Phố cổ và những nỗi khổ gia truyền, kỳ 3: Khổ da thật, đau giả da

Phố Hàng Da xưa tấp nập bao nhiêu thì bây giờ đìu hiu bấy nhiêu. Hiếm lắm mới thấy vài vị khách biết chơi đồ da đến đặt hàng. Cho nên cả phố nghề làm da bây giờ chuyển sang bán hàng da chứ mấy người biết làm nghề.

Thời buổi da giả nhiều hơn da thật, thật giả lẫn lỗn khiến chúng tôi đau khổ vô cùng”, nghệ nhân Thạch Văn Lộc – người làm da cuối cùng của Hà Nội cho biết.

Túi cặp da được làm thủ công

Hàng Da – phố họ Thạch

Một bí mật ở phố Hàng Da mà rất ít người biết được, đó là con phố ngầm mang tên dòng họ Thạch. Con phố Hàng Da nhỏ, hẹp nhưng 90% những người làm da ở đây là anh em họ hàng, họ xuất thân từ một cụ tổ danh bất hư truyền. Cụ tổ của họ là nhân vật nổi tiếng, lịch sử đã không còn nhắc tới nữa nhưng vẫn còn đấy một “tượng đài” về người làm nghề giỏi nhất Đông Nam Á.

“Nghề làm da xưa kia vinh quang bao nhiều thì giờ đây mạt hạng bấy nhiêu. Phố Hàng Da vẫn còn tên nhưng chỉ còn mình tôi theo nghề, nghĩ cũng buồn nhưng phải thông cảm cho họ vì cuộc sống mưu sinh, nếu cứ theo nghề thì họ không chết vì đói cũng chết vì nhục. Tôi chỉ có một mong ước duy nhất trong đời, là làm sao cho đứa con cả của tôi nó giữ được nghề gia truyền, như thế là mãn nguyện lắm rồi”, nghệ nhân Thạch Văn Lộc.

Đó là cụ Thạch Văn Ngũ ở làng Ninh Hiệp (Gia Lâm), cụ Ngũ từng có thời gian du ngoạn khắp thế giới bằng tàu thuỷ. Cuối cùng cụ ở lại Pháp, miệt mài học nghề làm da cho đến khi về Việt Nam truyền lại cho con cháu họ Thạch. “Đóng đô” ở con phố Hàng Da nhưng dăm lần bảy lượt sơ tán đi các vùng miền, cụ Thạch là thợ làm da duy nhất sản xuất bao súng, yên ngựa cho anh hùng Đề Thám ở Bắc Giang.

Năm 1919, trong một cuộc thi làm da ở Đông Nam Á, hàng trăm thợ giỏi từ khắp các nước đổ về thi thố. Chung cuộc, cụ Thạch được giải nhất và đó cũng là một trong những bằng khen duy nhất của Việt Nam còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Khao giải, cụ Thạch đã giết 20 con bò mời bạn bè bách nghệ đến ăn uống tại phố Hàng Da.

Nghệ nhân Thạch Văn Lộc

Cũng nhờ tài năng, lại đào hoa nên cụ Thạch có đến 6 vợ chính và trên 70 vợ lẽ. Vì vậy, cụ lắm con nhiều cháu và con phố Hàng Da đã trở thành nơi quần tụ của dòng họ Thạch. Cho đến bây giờ, đã 4 đời họ Thạch giữ nghề làm da cổ truyền. Tuy nhiên, để xét giữ nghề một cách thực sự thì chỉ còn duy nhất một người, đó là ông Thạch Văn Lộc, hiện ở số 9 phố Hàng Da.

Người cuối cùng… “ăn da”

Giữa cái nóng nực, bức bối của Hà Nội, ông Lộc cởi phăng cái áo ba lỗ, nhoài người trên một tấm da có mùi tanh tưởi vừa đo đạc vừa cắt tỉa. Ông Lộc bảo: “Cả phố này là anh em đấy, nhưng chỉ còn mình tôi là giữ nghề làm da thôi. Nguyên nhân cũng nhiều, nhưng tựu chung lại là buôn da giả lãi hơn da thật. Cũng chỉ còn tôi miệt mài với nghề làm da nữa thôi. Vừa chọn da, vừa cắt ghép khâu vá cho thành sản phẩm. Khổ, mệt nhưng vui”.

Kỹ nghệ làm da xem qua thì đơn giản nhưng có thực sự chứng kiến mới thấy không hề giản đơn. Thành thợ khi mới 10 tuổi, ông Lộc đã học được tất cả những ngón nghề đến độ thành tuyệt kỹ. Từ bao súng, yên ngựa, cặp da, giầy dép đến áo da, thắt lưng… ông Lộc đều làm được, hoàn toàn bằng thủ công mà không cần đến bất cứ loại máy móc nào.

Phố Hàng Da

Ông Lộc bảo: “Khách khứa bây giờ đến đặt hàng rất lạ, người Việt ít hơn khách Tây. Trong khi Tây họ ưa hàng da thủ công thì người Việt lại ưa hàng làm từ máy móc. Người Tây họ chuộng da thật còn người Việt lại thích giả da, càng rẻ càng tốt, không phân biệt thật – giả, tốt – xấu”.

Một chiếc cặp da hoàn toàn thủ công được ông Lộc làm rất nhanh. Trong khi người khác dùng máy để làm phải mất một ngày thì ông Lộc chỉ mất nửa buổi khâu tay. Ấy vậy, mà sản phẩm của ông đi khắp thế giới, nhiều nghệ sỹ tài danh nổi tiếng đều đến cửa hàng đặt ông Lộc sản xuất. Có lẽ vì thế, ngoài biệt danh “Lộc da”, ông còn được biết đến là người “ăn da” cuối cùng của Hà Thành.

Tuy nhiên, ông Lộc giãi bày: “Làm nghề này hại lắm, da thật phải dùng đến hoá chất ngâm ủ bảo dưỡng nên rất hại đến sức khoẻ. Mỗi tháng, tôi làm ra hàng trăm sản phẩm nhưng cũng chỉ đủ ăn, nói là giàu thì không có vì mình không thể dựa vào uy tín để lấy giá đắt, bất lương lắm!”.

Ông Lộc tự hào: “Bố tôi là nghệ nhân Thạch Văn Chung, cụ phục vụ cách mạng nên chuyên làm da bao súng, roi ngựa, túi cặp… cho các tướng như Chu Văn Tấn, Võ Nguyên Giáp. Các cụ làm đồ da bền lắm, lại đẹp nữa nên sản phẩm không bao giờ mối mọt, lỗi thời”.

Khổ vì da thật, đau vì giả da

Là một nghệ nhân tâm huyết, ngồi trầm lặng mà ngẫm về nghề, về chính những nghệ nhân trong dòng tộc mình quay mặt với nghề tổ tiên làm ông Lộc đau nhói trong tim. Ông thở dài: “Nghề thật không giữ đi giữ nghề giả thì còn biết nói sao. Thị trường bây giờ khó hiểu quá, chỉ thích mua hàng giả nên hàng trăm cửa hàng làm da xưa kia chuyển nghề sang buôn bán. Vẫn là bán da đấy, nhưng toàn da giả làm sẵn”.

Ông Lộc nói về một sản phẩm da mà khách Tây đặt làm

Ông Lộc bật mí, người Việt ta làm da giả rất giỏi nên chính ông cũng không thể tin tưởng khi mua nguyên liệu da trong nước. Ông chủ yếu nhập nguyên liệu da như trâu bò, đà điểu, cá sấu từ Ý và Hồng Kông. Tuy nhiên, ông khẳng định không bao giờ nhập hàng Trung Quốc vì nhiều lý do.

 Làm da thật nhưng chính ông Lộc cũng khổ sở vì điều đó. Da thật giá cao, khách tiếc tiền nên không dám đến. Ông Lộc buộc phải giảm giá thì lại đối chọi với miếng ăn hàng ngày. Sản phẩm giả da tràn ngập thị trường đã lấn át, bóp nghẹt da thật khiến những người con trưởng của dòng họ Thạch lừng danh không mặn mà gì với nghề gia truyền nữa. Ông Lộc cũng đau đáu nghề cha ông sẽ mất khi ông từ giã cõi đời, bởi vì con cháu ông bây giờ, chẳng ai mặn mà với thứ nghề khâu vá từ đống da bốc mùi đang xếp đống trong cái kho lẫm tối đen như mực bên góc phố cổ.

Theo nghệ nhân Thạch Văn Lộc, cách phân biệt da giả và da thật khá đơn giản: Dùng lửa đốt, nếu da thật thì không cháy mà có mùi khét. Cách thứ hai là quan sát xem động vật như chó mèo có tha sản phẩm ấy đi hay không? Còn một cách nữa nhưng là bí quyết của người làm nghề, ông Lộc chỉ cần nhìn hoặc nhắm mắt sờ vào sản phẩm là biết thật hay giả.

Trần Hoà

BẢN DESKTOP