Bình luận

Hà Nội phải sạch trước khi thông minh

Hà Nội cần phải sạch trước khi thông minh. Đó là quan điểm của TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng về tình trạng phố đi bộ Hồ Gươm ngập rác sau đêm đón năm mới.

TS Đặng Ngọc Dinh: Hà Nội cần phải sạch trước khi thông minh.

Sạch mới lạ!

Sau đêm đón năm mới, hình ảnh ngập rác tại phố đi bộ Hồ Gươm cùng những chậu hoa trang trí đường phố bị “dọn sạch” khiến không ít người trong chúng ta phải ngậm ngùi xót xa. Ông nghĩ vì sao thực trạng này tồn tại kéo dài năm này qua năm khác như vậy?

Tôi cho rằng với những gì mà người ta biểu hiện ở nơi công cộng trong suốt thời gian qua, thì sau những sự kiện đó, đường phố sạch mới lạ. Giống như người ta chen chúc dẫm đạp lên nhau để xin ấn ở đền Trần hay cướp phết, cướp đồ lễ…

Điều này phản ánh trình độ chung của xã hội, trình độ dân trí, văn minh nơi công cộng. Dù chúng ta có nhiều nghị định, quy định, quy chuẩn về những hành vi văn minh nơi công cộng thì vẫn không khắc phục được tình trạng này.

Vậy là do giáo dục, hay do nhận thức của mỗi người mà xã hội đang chưa thể đạt tầm “phải sạch trước khi thông minh” như ông nói?

Giáo dục trong trường học, trong gia đình chưa “thấm”. Người đi chơi, xả rác, đa phần là người trẻ, họ được học hành tử tế, được giáo dục, nhưng dường như nó chưa “thấm” vào người.

Nếu xét trong bối cảnh trình độ chung thì không trách họ được, nhưng lại rất đáng trách ở chỗ họ không đói kém gì, cũng không phải là kém hiểu biết, thậm chí họ còn có trình độ, ăn mặc đẹp, nhưng lại có những hành vi không văn minh nơi công cộng.

Người nước ngoài họ nhìn vào “bãi rác” ấy, hẳn là họ thấy thất vọng, và mình thì thấy xấu hổ?

Qua việc này thì người làm giáo dục, người làm chính sách phải nghĩ. Tại sao lại để xã hội như thế. Người Nhật họ có truyền thống đi chùa vào ngày 2 Tết dương lịch hàng năm. Hàng triệu người thắp hương, nhưng trật tự, im lặng như 1 người. Không có rác, không có tranh giành, dẫm đạp.

Lễ hội hoa anh đào năm nào cũng được tổ chức, nhưng sau lễ hội, tuyệt nhiên không có một mẩu rác nào. Họ cũng được đào tạo trong nhà trường, đoàn thể, quy định như ta thôi. Mà ở ta, đoàn thể còn nhiều hơn họ, sao ta không làm được?

Vì sao ạ?

Có những thứ ta làm rất tốt, ví dụ như quy định đội mũ bảo hiểm, ai cũng phải chấp hành. Thế thì vì sao người ta vẫn cứ vứt rác, không chấp hành giống như đội mũ bảo hiểm.

Tôi nghĩ, có lẽ phải có chế tài xử phạt, giống như đội mũ bảo hiểm. Có như thế thì người ta mới sợ mà không dám vứt rác. Nếu chúng ta coi trọng hành vi vứt rác, giống như hành vi không đội mũ bảo hiểm, thì sẽ làm được.

Phạt nặng, sẽ không ai dám vứt rác

Ý ông là trong khi giáo dục ý thức tự giác không phát huy tác dụng thì phạt là biện pháp cần thiết?

Bài học này từ Singapore. Bất cứ ai nhổ ra đường mà họ bắt được sẽ bị phạt rất nặng. Một người vứt tàn thuốc lá ra đường, ngoài bị phạt tiền, còn phải cầm mẩu thuốc vứt vào đúng thùng rác. Nghĩa là họ đánh cả vào sự tự trọng, biết xấu hổ của con người.

Để hình thành văn minh nơi công cộng ấy, họ phải mất cả chục năm. Còn Hà Nội, trước khi muốn xây dựng đô thị thông minh thì phải sạch đã. Không có ô nhiễm, không có hôi thối, bụi bặm, rác rưởi đã. Còn nếu vẫn để tình trạng này xảy ra thì không thể có thành phố thông minh được.

Ông đang gợi ý cho các nhà quản lý?

Tôi nghĩ chính quyền phải suy nghĩ về điều này, đừng chỉ đưa ra những quy tắc ứng xử văn minh hay vận động người ta đừng vứt rác. Trong khi thùng rác hiếm hoi, nhà vệ sinh càng hiếm, chế tài xử phạt không có, thì đương nhiên người ta còn vứt rác.

Có lần lên bờ Hồ, tôi cũng tìm mãi không có thùng rác, đành để rác trong túi. Thế nhưng không phải ai cũng có thể làm thế, thậm chí có người để rác trong túi còn có thể bị mắng là hâm.

Dường như chúng ta đang thiếu một chính sách để thiết lập văn minh công cộng?

Người dân giống như hạt kim loại, còn chính sách như thỏi nam châm. Nếu thỏi nam châm được đặt đúng chỗ, đi đúng đường, thì các hạt kim loại cứ thế mà bám vào thôi. Còn nếu không có thùng rác, không có nhà vệ sinh, thì đương nhiên người ta vẫn vứt rác.

Giống như ở các nước mà người dân có ý thức văn minh công cộng cao?

Ví dụ ở Nhật Bản, hành vi ăn uống các loại quả có hạt như táo ở trên tàu điện ngầm, có thể bị phạt đến 150 đô la Mỹ. Người dân chỉ được ngồi ăn ở tại các trạm, bến xe chứ không được đem đồ ăn lên tàu. Thay vào đó thì ở các trạm, ga tàu, có rất nhiều ghế ngồi, thùng rác, phục vụ người dân.

Trên đèn hoa, dưới ngập rác

Những ngày đón năm mới này, ngoài hình ảnh phố phường Hà Nội sáng bừng bởi bóng đèn điện giăng khắp phố. Tôi thầm nghĩ, thực ra người ta đang rất quan tâm đến hình ảnh Thủ đô, chỉ có điều cái gì là ý thức cộng đồng thì chưa thể điều chỉnh được?

Đúng là người ta vẫn rất quan tâm, nhưng mới chỉ là vẻ hào nhoáng bên trên như đèn hoa giăng khắp phố mà quên mất ở dưới chân. Nếu rác ngập lối đi thì đèn hoa kia cũng không còn vẻ đẹp nữa. Quản lý Thủ đô, hãy nghĩ về quản trị qua việc xả rác. Cần nghĩ đến việc Hà Nội phải sạch trước khi thông minh.

Văn minh được xây dựng từ những hành vi rất nhỏ. Nó cho thấy hệ thống quản lý của chúng ta về vấn đề này chưa tốt, trong quá trình xây dựng đô thị cần phải quy hoạch địa điểm để sinh hoạt cộng đồng trong các dịp lễ, tết thì hiện nay ở các quận, huyện gần như chưa có.

Ở góc độ nào đó, một phần của xả rác là do có ít thùng rác, lỗi ở nhà quản lý cũng một phần?

Đúng thế, dịch vụ ăn uống, vệ sinh công cộng cho người dân trong những dịp lễ, tết gần như rất ít. Thùng rác rất thưa thớt, nhà vệ sinh cũng rất ít, những quán ăn cũng chưa bố trí được vị trí vứt rác khiến người dân ăn xong chỉ biết vứt ra khắp đường, bồn hoa rồi cả những di tích công cộng.

Nếu như ở nước ngoài luôn có một lực lượng để giám sát, thậm chí là phạt ngay lập tức các hành vi xả rác này thì ở Việt Nam tại những thời điểm này hầu như không giám sát được, để mặc người dân muốn làm gì thì làm khiến cả không gian bị vỡ trận.

Và nghịch lý là đèn hoa rực sáng ấy lại càng làm rõ những đống rác ngổn ngang dưới chân?

Đúng thế. Cần phải sạch trước khi thông minh. Đã đến lúc phải xây dựng văn minh con người, bắt đầu từ xử phạt, dần dần sẽ trở thành thói quen. Trước hết phải giáo dục cho người dân từ nhà trường cho tới khu dân cư hay gia đình. Không thể chỉ thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà quên đi văn hóa cộng đồng.

Xin cảm ơn những chia sẻ về ý tưởng phải sạch trước khi thông minh của ông!

Đêm 31/12/2017, rạng sáng ngày 1/1/2018 sau khi kết thúc lễ hội đếm ngược chào đón năm mới thì cảnh tượng phố đi bộ ngập ngụa trong rác thải khiến nhiều người không khỏi ngao ngán. Những chiếc thùng rác trên vỉa hè của phố Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đầy ắp, ngay bên cạnh là những bọc nilon rác vứt bừa bãi trên vỉa hè và dưới lòng đường. Sau những màn pháo hoa đẹp mắt, những tiết mục âm nhạc sôi động khi mọi người về nhà thì bỏ lại sau lưng là hàng tấn rác thải nhếch nhác trên phố đi bộ. Công nhân vệ sinh môi trường rất vất vả mới có thể dọn dẹp được bãi rác thải khổng lồ trên phố.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP