Khoa học & Công nghệ

Hà Nội: Nhiều biện pháp kiểm soát ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

  • Tác giả : N.Hà
TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về an toàn thực phẩm (ATTP) nhờ đó hạn chế để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn hoặc tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Từ những tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 nhưng toàn thành phố thành lập 828 đoàn kiểm tra ATTP, trong đó, 719 đoàn liên ngành. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 18.064 lượt cơ sở; trong đó tuyến thành phố kiểm tra 4.197 lượt cơ sở; tuyến quận, huyện kiểm tra 13.867 lượt cơ sở. Số cơ sở vi phạm là 4.568 cơ sở (phạt tiền 3.137 cơ sở, nhắc nhở 1.431 cơ sở). Ngoài việc kiểm tra ATTP, cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

hn-kiem-soat-an-toan-thuc-pham.jpg
Hà Nội tích cực kiểm tra, kiểm soát ATTP.

Đồng thời, ngành y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai 2 hoạt động chương trình ATTP gồm: Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Duy trì mô hình cảnh báo nhanh về ATTP trên toàn thành phố, các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã. Triển khai 17 tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 14 quận, huyện; kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 240 xã của 20 quận, huyện. Xây dựng mới đảm bảo ATTP tuyến phố đi bộ tại 6 phường của quận Hoàn Kiếm. Tiếp tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát nhằm nâng cao ý thức tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường của 10 quận, huyện xây dựng từ năm 2020 và xây dựng mới 6 trường tại 3 quận, huyện năm 2021.

Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, công tác triển khai và phát động kế hoạch Tháng hành động vì ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn được thành phố tổ chức dưới hình thức hội nghị trực tuyến với chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

Cũng trong năm 2021, thành phố đã chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên từ thành phố đến xã, phường nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các cá nhân, tổ chức trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trong Báo cáo số 90-BC/TU của Thành ủy Hà Nội về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TƯ ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị số 08-CT/TƯ) cho thấy, Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh.

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... đạt kết quả khả quan. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.310.503 cơ sở (vụ), phát hiện 222.209 cơ sở (vụ) vi phạm, xử lý 119.228 cơ sở (vụ), phạt 48.252 cơ sở với tổng số tiền trên 218 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 726 cơ sở...

Thông qua các hoạt động trên đã hạn chế tối đa việc để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn hoặc tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ của người dân Thủ đô.

N.Hà

BẢN DESKTOP