Chuyển động

Hà Nội loay hoay xử lý nước thải làng nghề

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Theo nhiều chuyên gia, giải quyết vấn đề môi trường làng nghề thì phải bắt đầu từ làng, từ xã và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương cũng như người dân. 

Những dự án “thử nghiệm”

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhiều nhất trên cả nước. Làng nghề giúp giải quyết sinh kế, tạo công ăn việc làm cho người dân, đảm bảo giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa... Nhưng bên cạnh đó, ô nhiễm nước thải làng nghề cũng ngày càng nghiêm trọng.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề hiệu quả, Hà Nội xác định sẽ dùng các khu xử lý nước thải tập trung để xử lý thải tại các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. 

Cụ thể, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 8 dự án xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến là 569 tỷ đồng, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. 

Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà (xã Dương Liễu, Hoài Đức) công suất 20.000m³/ngày đêm có lẽ là dự án hiếm hoi có thể mang lại hiệu quả khi hoạt động, dù dự án này mới xử lý được một phần nước thải cho các hộ sản xuất trong đê của ba xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai, còn nước thải khu vực ngoài đê sông Đáy (khoảng 3.000 hộ dân) chưa được xử lý nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.

Dự án xử lý nước thải cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều (huyện Thanh Trì) hoàn thành năm 2008, với tổng số vốn đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng nhưng đến nay công trình đã xuống cấp, gỉ sét, cỏ hoang mọc um tùm... mà chưa một lần được sử dụng. 

Nguyên nhân do sau khi bàn giao, các doanh nghiệp về cụm khu công nghiệp này rất ít, không đủ công suất để vận hành. Bỏ không nhiều năm nên trạm xử lý nước thải hoàn toàn không còn khả năng đáp ứng về công suất cũng như tính chất cung cấp nước thải của cụm sản xuất tập trung làng nghề. Đến nay, trạm vẫn bỏ không và chưa có phương án tái đầu tư, sử dụng hay dỡ bỏ.

Khác với Cầu Ngà hay Tân Triều, Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, công suất 8.000m³/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng dù đã được khởi công xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân do quá trình thi công xây lắp, nhiều hạng mục đã phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp hiện trạng, bổ sung thiết kế chi tiết, bảo đảm điều kiện thi công và bàn giao công trình như bổ sung hệ thống chống sét, đề án xả thải… khiến dự án chậm trễ, kéo dài thời gian thi công.

Cũng có dự án như Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh tuy được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng không danh nghiệp nào mặn mà do suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Hệ quả, hàng nghìn m2 đất sạch đợi nhà đầu tư đang bị biến thành nơi đổ rác thải của cư dân trong vùng và bị các công trường xây dựng lân cận chiếm dụng để tập kết vật liệu xây dựng.

Cần phân rõ khu công nghiệp và làng nghề

Những năm qua, tổng kinh phí Hà Nội dành cho việc giải quyết vấn đề môi trường tăng đều qua các năm. Cho đến nay, Hà Nội đã dành hơn 3,8% tổng chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp môi trường. Tuy nhiên, đến nay, nước thải, rác thải tại các làng nghề của Hà Nội vẫn chủ yếu được người dân đổ thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ các khâu xử lý nào. Hệ quả, mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề cũng tỷ lệ thuận với mức chi ngân sách xử lý môi trường hằng năm của Hà Nội!

Đó là chưa kể, các dự án, chương trình phát triển nông thôn mới, hay chương trình mỗi xã một sản phẩm đều hướng về làng nghề và các nghệ nhân làng nghề, và đều có một khoản mục về xử lý môi trường. Nhưng đến nay, tất cả các khoản chi trên đều chưa thể hiện được tính hiệu quả.

Thực tế, đa số các làng nghề hiện nay sản xuất kẽ với ở nên khó đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom. Phần lớn các làng nghề quy mô nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp. Hệ thống hạ tầng, đường ống nước tại các làng nghề lại không đáp ứng được mức xả thải ngày càng cao của sản xuất.

Theo kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố được Sở Công Thương Hà Nội đưa ra từ năm 2010, Hà Nội sẽ chi 1.350 tỷ đồng thành 2 giai đoạn để xử lý triệt để ô nhiễm làng nghề. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2020 thành phố cần 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Trong giai đoạn 2020 - 2030 cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác, đồng thời quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề; hoàn thành đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.

Tuy nhiên, đến nay gần như kế hoạch này vẫn chưa thể triển khai. Theo TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tách nghề ra khỏi làng thì không thể gọi là làng nghề. Nhưng ông Hóa cũng cho rằng, cần phân rõ khu công nghiệp và làng nghề. Nghề nào gây ô nhiễm, sản xuất mang tính chất công nghiệp thì phải kiên quyết đưa vào khu công nghiệp. Còn những nghề như đan lát, thêu thùa, làm nón... hoàn toàn có thể sản xuất tại nhà, trong làng, giữ được đúng tính chất của làng nghề truyền thống.

Bên cạnh chuyện giữ nghề, cũng cần đẩy mạnh xu hướng sản xuất xanh kết hợp phát triển du lịch làng nghề như một hướng đi bền vững giúp người dân có thêm thu nhập.

GS.TS Đăng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, cần “Xây dựng cơ chế vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nguyên tắc, ai xả nước thải gây ô nhiễm người đó phải trả tiền. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa ra những phương án, quy trình, biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp không xử lý nước gây ô nhiễm”.

Các chuyên gia môi trường đều cho rằng, giải quyết vấn đề môi trường làng nghề thì phải bắt đầu từ làng, từ xã và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương cũng như người dân. 

Hồng Nhung

BẢN DESKTOP