Môi trường

Hà Nội khởi động lại ý tưởng biến rác thành tài nguyên

  • Tác giả : Minh Quang - Bùi Phú
(khoahocdoisong.vn) - Hiện tại mỗi ngày lượng rác thải phát sinh ra môi trường trên 6.500 tấn, dự báo đến năm 2030 là 18.900 tấn, đến năm 2050 là 25.380 tấn. Để xử lý tình trạng quá tải tại các khu xử lý chất thải Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà máy điện rác công suất lớn, cùng với đó là thí điểm phân loại rác ngay tại nguồn nhằm giảm thiểu rác phát sinh ra môi trường và tăng cường tái sử dụng rác.

Đã làm nhưng thất bại

Việc phân loại, thu gom và vận chuyển là một khâu rất quan trọng trong quy trình xử lý chất thải rắn được quy định rõ trong quy hoạch. Đối với chất thải rắn sinh hoạt được phân ngay tại nguồn gồm 3 loại: Chất thải hữu cơ (rau, quả, thức ăn thừa...); chất thải rắn vô cơ có thể tái chế (giấy, nhựa, kim loại...); và các chất thải rắn còn lại.

Với chất thải công nghiệp được phân thành 2 loại đó là chất thải rắn công nghiệp nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Chất thải rắn y tế được phân 2 loại gồm: Chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường. Trong đó chất thải rắn y tế thông thường tiếp tục được phân loại như chất thải rắn sinh hoạt.

Với chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn y tế thông thường sẽ được thu gom từ nơi phát tính đến trạm trung chuyển chất thải rắn rồi chuyển về các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch. Còn các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý theo quy chuẩn đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, những giai đoạn trước việc phân loại chất thải ngay tại nguồn dường như chưa được quan tâm, thậm chí bế tắc trong việc thực hiện. Chính Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đơn vị vận hành Khu xử lý chất thải Sóc Sơn đã nhiều lần thí điểm phân loại rác ngay tại nguồn nhưng thất bại.

Như giai đoạn 2006 - 2009, Urenco cũng đã thí điểm phân loại rác nguồn Jica, trong đó hướng dẫn người dân phân loại rác (vô cơ, hữu cơ, rác tái chế), phát thùng rác cho dân để thực hiện. Giai đoạn 2017 - 2020, Urenco tiếp tục triển khai việc phân loại và thu vỏ hộp sữa tại 54 trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Sau khi phân loại được Urenco thu gom, vận chuyển về nơi lưu trữ.

Tuy nhiên, các lần thí điểm đều thất bại nguyên nhân được Urenco xác định là do công nghệ xử lý chưa đồng bộ, chính quyền chưa chủ trì cho hoạt động quản lý chất thải, thói quen của người dân...

Biến rác thành tài nguyên

Đại diện Urenco cho biết, sau những lần thí điểm chưa thành công hiện đơn vị này đang phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm cùng các doanh nghiệp đồng hành triển khai kế hoạch thực hiện chương trình “Quản lý, phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và túi nilong trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Đây là chương trình thiết lập mô hình quản lý triệt để đối với nguồn rác tái chế sau khi được phân loại, thu gom trên các địa bàn do Công ty quản lý. Từ đó thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng hiệu quả, giảm lượng rác thải chôn lấp, bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2020.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chi tiết cách phân loại rác thải thành 2 loại rác tái chế và rác còn lại. Rác tái chế có giá trị được phân loại là rác có thể mua bán, trao đổi để tái chế thành nguyên liệu như giấy, nhựa, kim loại. Rác tái chế mang tính chất giảm thiểu cuối nguồn là loại rác thải nhựa dùng một lần, các loại bao bì có thể thêm phụ gia để xử lý thành viên đốt, bao gồm các loại nhựa là túi nilon, bao bì của các nhãn hàng, đồ nhựa dùng, nhựa hỗn hợp... Loại rác thải còn lại sẽ là rác thải sinh hoạt sau khi đã thực hiện phân loại không lẫn với nhóm rác tái chế ở trên (tro, xỉ, thủy tinh, vật cồng kềnh, rau, củ quả…).

Trong chương trình này, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, trường học... thực hiện phân loại, lưu giữ ngay tại nhà và cơ sở của mình. Urenco và các đơn vị liên quan sẽ áp dụng hình thức thu - mua - tích điểm - đổi quà để áp dụng với loại rác có giá trị. Trên cơ sở đó, Urenco sẽ kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị xử lý rác, tái chế rác.

Theo đó, những loại rác thải nhựa có giá trị cao sẽ được tái chế thành bao bì sản phẩm, quay trở lại nền kinh tế tuần hoàn. Những loại rác thải nhựa có giá trị thấp và không có giá trị sẽ được xử lý, tái chế thành các sản phẩm khác phục vụ cho đời sống dân sinh hoặc nhiên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất tại các nhà máy công nghiệp.

Trong khi đó, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đang xây dựng mô hình quản lý nguồn thải để tái sử dụng hiệu quả. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt đối với các đối tượng học sinh trên địa bàn về việc cần thiết phải phân loại rác thải giúp cho việc thu gom và tái chế rác thải nhựa được thuận lợi hơn tại địa bàn Hà Nội, tạo giá trị cho rác thải nhựa, qua đó giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên.

Có thể thấy việc phân loại rác ngay tại nguồn để biến rác thành nguồn tài nguyên tái tạo kinh tế là rất quan trọng, nhưng để thực hiện được cũng vô cùng khó khăn bằng chứng là những thất bại trước đó. Chính vì vậy, các biện pháp phân loại rác phải tiến hành đồng bộ, phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, xây dựng công nghiệp chế biến rác thải mới mong thành công.

Minh Quang - Bùi Phú

BẢN DESKTOP