Vấn đề - Sự kiện

Hà Nội dự kiến khởi công Dự án đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến khởi công toàn tuyến đường Vành đai 4 tại 4 điểm trong tháng 6/2023.

Sáng 13/4, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội làm việc với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để đảm bảo khởi công đồng loạt các dự án thành phần thuộc đường Vành đai 4 trong tháng 6/2023 đúng tiến độ, trong đó việc khảo sát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công dự án là công việc hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của dự án.

"Chúng tôi dự kiến khởi công đường Dự án đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm. Ban Chỉ đạo hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đang rất cố gắng để có thể khởi công; hy vọng có thể khởi công trên toàn tuyến vào tháng 6 tới", Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.

Hiện nay, các mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án nằm trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố. Mặc dù, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết triển khai với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu thông thường.

Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả cần có sự vào cuộc trực tiếp của các địa phương trong vùng. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các địa phương với việc triển khai dự án, cơ chế phối hợp, điều phối chung giữa các địa phương.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu bàn kỹ, bàn sâu, trao đổi thẳng thắn để cùng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp tối ưu để thực hiện khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội dài dài hơn 112km, trong đó đoạn qua Hà Nội dài hơn 58km, qua Hưng Yên hơn 19km, qua Bắc Ninh hơn 35km.

Tổng mức đầu tư trên 85.813 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương tham gia hơn 28.193 tỷ đồng (Hà Nội góp 23.524 tỷ đồng; Hưng Yên 1.505 tỷ đồng; Bắc Ninh 3.164 tỷ đồng), vốn BOT hơn 29.447 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trước 30/6 tới, hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.

Thu Giang (T/H)

BẢN DESKTOP