Dữ liệu y khoa

Hà Nội: Dịch thủy đậu gia tăng trong trường học

  • Tác giả : Thúy Nga
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Riêng huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã xuất hiện 5 ổ dịch thủy đậu với 237 ca mắc. Vậy phải phòng tránh thế nào?

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng cộng 548 ca thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Đa phần bệnh nhân thủy đậu ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42). Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (4/0).

Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thông tin tính đến ngày 21/3 đã ghi nhận 5 ổ dịch thủy đậu.

Cụ thể, tuần qua trên địa bàn huyện Chương Mỹ ghi nhận thêm 23 ca mắc, đưa số ca mắc thủy đậu từ đầu năm đến nay lên 237 ca.

Khử khuẩn tại trường học có học sinh mắc thủy đậu

Khử khuẩn tại trường học có học sinh mắc thủy đậu

Trong tuần xuất hiện ổ dịch mới phát sinh tại Trường mầm non Phú Nghĩa, với 6 học sinh mắc rải rác ở một số lớp học.

Như vậy, hiện huyện Chương Mỹ ghi nhận 5 ổ dịch thủy đậu tại các trường học trên địa bàn huyện.

Các ổ dịch tại Trường mầm non xã Đồng Lạc (29 ca mắc), Trường mầm non xã Trung Hòa (17 ca mắc), Trường mầm non xã Tốt Động (24 ca mắc). Trường mầm non xã Tốt Động (24 ca mắc) vẫn đang được điều tra, giám sát.

Một ổ dịch thủy đậu ở Trường tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc, không ghi nhận thêm ca mới trong 14 ngày.

Các trẻ bị mắc thủy đậu của trường tập trung ở các trường mầm non, hầu hết trẻ không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Sau khi ghi nhận các ổ dịch thủy đậu, trung tâm y tế huyện phối hợp với y tế các xã và nhà trường tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị bán trú; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho các cháu và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh do vi rút Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho…; có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hằng ngày với người bệnh.

Bệnh thường có triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm vi rút, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn.

Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng.

Người dân cũng cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, trường học. Khi trẻ có những biểu hiện sốt, mẩn nốt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP