Trong nước

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết có thể tăng nhanh thời gian tới

  • Tác giả : Tuấn Huy (t/h)
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết ở Thủ đô có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.

Theo CDC Hà Nội, trong năm 2023, tính đến ngày 15/5, toàn TP Hà Nội ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã và tại 143/579 xã, phường, thị trấn. Ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết ở Thủ đô có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.

Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa. - Ảnh: internet.

Ảnh minh họa. - Ảnh: internet.

Tuần này, CDC Hà Nội có thông báo chỉ số nguy cơ đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực nguy cơ cao về sốt xuất huyết để có những cảnh báo cho người dân.

CDC Hà Nội cũng cần rà soát lại công tác xét nghiệm mẫu, thống nhất với các đơn vị về việc gửi mẫu xét nghiệm làm sao hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.

Các đơn vị tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh sốt xuất huyết./.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết người dân cần thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

Tuấn Huy (t/h)

BẢN DESKTOP