Trong nước

Hà Nội có cần 2 sân bay quốc tế?

  • Tác giả : Hải Ninh
“Để phát huy vai trò động lực của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội rõ ràng phải có thêm một sân bay nữa”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Trong cuộc trò chuyện với PV Khoa học và Đời sống, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải có ý kiến khác nhau về đề xuất sân bay quốc tế thứ hai tại Thủ đô của UBND TP Hà Nội.

Đề xuất có sân bay quốc tế thứ hai trong quy hoạch chung Thủ đô của UBND TP Hà Nội mới đây nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo các ông, Hà Nội có cần đến 2 sân bay quốc tế?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Phải khẳng định Hà Nội đã nghiên cứu về việc đề xuất sân bay thứ hai, từ hơn 25 năm nay! Việc đặt ra sân bay quốc tế mang tính chất đối ngoại là cần thiết.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Từ thời điểm quy hoạch chung được phê duyệt năm 1998, Hà Nội đang phát triển mở rộng sang hai bên sông Hồng. Dấu ấn đầu tiên năm 2001 khi hình thành quận Long Biên, đô thị trung tâm Hà Nội vượt sông Hồng sang phía Bắc, đã có ý kiến phải có sân bay.

Năm 2008, Hà Nội mở rộng với diện tích lớn nhất trong các tỉnh thành, dân số đông thứ hai sau TP HCM. Đặc biệt, mối quan hệ của Hà Nội với vùng Thủ đô đã được duyệt năm 2009, điều chỉnh năm 2016. Để phát huy vai trò động lực của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội rõ ràng phải có thêm một sân bay nữa.

“Hà Nội không cần có sân bay thứ hai. Trong tương lai, hệ thống đường sắt tốc độ cao được xây dựng, hàng loạt sân bay sẽ ế vì người dân chuyển sang đi tàu”

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy.

Ngay từ năm 2000, chúng ta đã nghiên cứu nâng tầm quy mô sân bay Nội Bài nhưng do điều kiện địa hình, đặc biệt là việc bố trí các khu chức năng xung quanh, chỉ có thể mở rộng sân bay Nội Bài được như hiện nay. Với tốc độ tăng dân số hiện tại, Hà Nội dự kiến tăng lên 12 - 13 triệu người năm 2030, cần phải có thêm một sân bay quốc tế.

Có nghiên cứu và đề cập cho Hải Phòng xây một sân bay nhằm hỗ trợ Hà Nội và sân bay này đã hoạt động. Nhưng về phía Nam của Hà Nội, vẫn cần thiết có thêm một sân bay. Điều này xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, và yêu cầu nội tại được đúc kết trong nghiên cứu nhiều năm nay; theo đó chức năng phải là sân bay quốc tế, chứ không phải quốc nội.

Thực tế, Hà Nội cũng nhiều lần muốn có sân bay quốc nội, nhưng chưa thực hiện được như: sân bay Gia Lâm, sân bay Miếu Môn…

Lý do Hà Nội đề xuất sân bay quốc tế thứ hai?

UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải về việc đề xuất điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ hai Thủ đô là cảng hàng không quốc tế, thay vì sân bay quốc nội.

Dự báo đến năm 2050, dân số Hà Nội khoảng 21-23 triệu, diện tích 24.314 km2, cơ bản tương đồng vùng TP HCM với quy mô dân số 24-25 triệu, diện tích 30.400 km2. Đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đã định hướng quy hoạch hai cảng quốc tế cho vùng TP HCM (gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm).

Theo UBND TP Hà Nội, vùng Thủ đô cần thiết quy hoạch hai cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất, cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai có quy mô phù hợp, nâng tổng công suất đạt 130-150 triệu hành khách mỗi năm đến 2050.

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Tôi lại có suy nghĩ khác. Hà Nội không cần có sân bay thứ hai. Cả nước có gần 30 sân bay. Trong tương lai, hệ thống đường sắt tốc độ cao được xây dựng, hàng loạt sân bay sẽ ế vì người dân chuyển sang đi tàu.

Nhà nước phải tính toán chuyện lâu dài, khi hệ thống giao thông đồng bộ đường sông, đường sắt, đường hàng không, đường bộ, người dân sẽ chọn phương tiện nào? Xây dựng sân bay rất tốn kém. Sân bay Nội Bài đã được mở rộng, nâng cấp, nay tiếp tục thêm sân bay nữa thì không nên, nhất là mức sống của người dân chưa cao.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

Vị trí nghiên cứu đặt sân bay quốc tế thứ hai đã phù hợp?

Vị trí nghiên cứu sân bay quốc tế thứ hai của vùng Thủ đô, theo chuyên gia, đã phù hợp?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Theo văn bản của Hà Nội, các vị trí dự kiến nghiên cứu sân bay quốc tế thứ hai của vùng Thủ đô gồm huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60-65 km; khu vực phía nam Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35-40 km; khu vực huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, cách trung tâm Hà Nội khoảng 45-50 km; khu vực huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.

Đây là những vị trí hợp lý bởi khi nghiên cứu, vị trí sân bay quốc tế thứ hai, phải tính toán đến sự cân đối trong phát triển kinh tế. Trước đây, chúng ta nghiên cứu vị trí tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và định kết hợp nơi này với vai trò vệ tinh, nhưng về địa hình là khu vực trũng thấp. Đặc biệt, đặt sân bay tại đây phải tính đến sự cân đối diện tích đất nông nghiệp, cho nên chọn vị trí mới để đặt sân bay.

“Hà Nội không cần có sân bay thứ hai. Trong tương lai, hệ thống đường sắt tốc độ cao được xây dựng, hàng loạt sân bay sẽ ế vì người dân chuyển sang đi tàu”

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy.

Vị trí mới phải cân đối giữa phát triển các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội và phải có sự thuận lợi trong những mối quan hệ vùng.

Diện mạo sân bay Nội Bài tới năm 2030

Đồ án Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội. Đến nay, có 7/9 bộ và Hà Nội đã phản hồi và thống nhất phương án quy hoạch phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với quy mô công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 3 đường cất hạ cánh, 3 nhà ga hành khách (trong đó mở rộng nhà ga hàng khách T2 hiện hữu để hệ thống nhà ga T1+T2 đạt công suất tổng công suất 30 - 40 triệu hành khách/năm; xây mới nhà ga hành khách T3 phía Nam đạt công suất 30 triệu hành khách/năm).

Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 2 nhà ga hành khách công suất khai thác đạt 25 triệu khách/năm (nhà ga T1 là 15 triệu khách/năm, nhà ga T2 là 10 triệu khách/năm). Nhà ga hàng hóa công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm.

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Việc chọn vị trí phải để cho chuyên môn vào khảo sát. Khu vực nào lưu thông dễ, đất đai còn thừa, chứ không nên lấy đất ruộng để làm sân bay. Theo quan điểm của tôi, vị trí sân bay quốc tế thứ hai phải ở vị trí cân bằng với sân bay Nội Bài. Nguyên tắc cự ly khoảng 50 km, cách xa Hà Nội, bởi đô thị hóa rất nhanh. Vị trí đó phải không chiếm quá nhiều đất ruộng của người dân, giao thông thuận lợi và càng gần các tuyến đường huyết mạch càng tốt.

Chúng ta tập trung cho quá nhiều sân bay, tiền đâu để làm đường sắt cho TPHCM, Cần Thơ; làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc, Nam. Tôi nghĩ nên dành cho ưu tiên đường sắt trong giai đoạn này.

Xin cảm ơn các chuyên gia!

Hải Ninh

BẢN DESKTOP