Trong nước

Hà Nội cắt nước sạch giữa nắng nóng: Dân bỏ tiền mua, kiện được không?

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Theo luật sư, người dân, cơ quan, doanh nghiệp đều có thể khiếu nại, khởi kiện công ty cung cấp nước nếu để xảy ra tình trạng cắt, mất nước thường xuyên hay kéo dài.
Những ngày nắng nóng tháng 5/2023, hàng trăm hộ dân ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang phải xoay xở mọi cách để có nước sinh hoạt do nước sạch bị mất kéo dài và liên tục.
Theo phản ánh của người dân, việc cắt, mất nước sạch đã làm sinh hoạt bị đảo lộn, nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng lại càng khổ sở. Họ phải tìm đủ mọi cách để có nước như dùng giếng khoan cũ, hay đi xin nước nhà khác, hoặc phải mua nước từ xe téc với giá cao.
Theo đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội, nguyên nhân cắt nước do nguồn nước chính là sông Đà không đủ cung cấp cho công ty để phân phối cho người dân. Những ngày nắng nóng, đơn vị này cần 28.000m3 nước/ngày đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng, nhưng chỉ nhận được có 22.000m3/ngày đêm, thiếu hơn 20%. Khu vực xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức lại nằm ở cuối nguồn nên càng khó khăn hơn vì thiếu áp lực nước để đẩy tới được khu vực này.
Ha Noi cat nuoc sach giua nang nong: Dan bo tien mua, kien duoc khong?
Nhiều nơi ở Hà Nội mất nước sạch trong những ngày nắng nóng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội cho biết: ''Lưu lượng có thể cấp cho người dân khá thấp so với nhu cầu. Công ty cũng đã nỗ lực, nhưng không thể nào đáp ứng được. Toàn bộ cán bộ anh em kỹ thuật cũng đang ở ngoài hiện trường đóng ngắt, bơm hỗ trợ cấp nước cho người dân ở những điểm nóng. Có khoảng 7.000 khách hàng đang bị ảnh hưởng''.
Ông Hà cũng cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm tăng áp Sơn Đồng để nếu thuận lợi thì khoảng 1 tháng nữa sẽ có thể tăng áp lực bơm, đẩy được nhiều nước hơn xuống các khu vực cuối nguồn, nhưng biện pháp lâu dài vẫn là phải tăng cường được nguồn cấp từ Nhà máy nước sạch sông Đà.
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay không chỉ Hoài Đức, các khu vực như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai cũng xảy ra tình trạng thiếu nước vào những ngày cao điểm nắng nóng.
Thiếu nước sạch sinh hoạt đã gây thiệt hại không hề nhỏ đối với các hộ dân, nhất là các cơ quan, doanh nghiệp kinh sản xuất. Vậy khi việc cấp nước sạch không bảo đảm quyền và lợi ích thì người dân có thể khởi kiện, yêu cầu công ty dịch vụ cung cấp nước sạch bồi thường?.
Tham gia tư vấn, phản biện vấn đề trên, luật sư Đặng Xuân Cường, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú khẳng định: “Người dân, cơ quan, doanh nghiệp đều có thể khiếu nại, khởi kiện công ty cung cấp nước nếu để xảy ra tình trạng cắt, mất nước thường xuyên hay kéo dài”.
Theo luật sư Đặng Xuân Cường, trường hợp mất nước do nguyên nhân bất khả kháng như hạn hán, thiên tai... thì công ty nước sạch được loại trừ trách nhiệm. Nhưng trường hợp vì lý do chủ quan như thiết bị ống nước, kỹ thuật vận hành máy móc, nhân sự...thì người dân được quyền khiếu nại, khởi kiện.
“Mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng thực tế, một hộ gia đình hay cá nhân nào đó khiếu nại, khởi kiện công ty nước về việc thường xuyên làm mất nước thì sẽ khó hiệu quả hơn là một cơ quan hay doanh nghiệp kinh doanh sản xuất vì tính thiệt hại thể hiện rõ hơn”, luật sư Đặng Xuân Cường nói và cho biết việc khởi kiện chủ yếu dựa vào nội dung hợp đồng ký kết giữa khách hàng và công ty nước sạch.
Ha Noi cat nuoc sach giua nang nong: Dan bo tien mua, kien duoc khong?-Hinh-2
Luật sư Đặng Xuân Cường.
“Thông thường, các điều khoản sẽ được cả 2 bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ và được điều chỉnh bởi bộ Luật Dân sự, các luật chuyên ngành liên quan đến dịch vụ kinh doanh nước hay hàng hóa dịch vụ. Nhưng thực tế, hợp đồng cung cấp nước sạch do phía công ty nước sạch xây dựng mẫu và “làm chủ” các điều khoản, phần có lợi sẽ nghiêng về phía công ty cung cấp nước sạch, còn những nội dung “bất lợi hơn” thì khách hàng sẽ gánh chịu. Do vậy, hợp đồng ký kết mua bán nước hiện nay khó đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân. Nhất là trong việc cản trở khiếu nại, khiếu kiện, xác định lỗi”, luật sư Đặng Xuân Cường nhận định.
Luật sư Cường cũng cho rằng, trong Luật Dân sự quy định rất rõ là gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường và bồi thường như thế nào. Nhưng trong các hợp đồng này thì hầu như không thể hiện điều đó. Vấn đề hiện nay là phải thể hiện được nghĩa vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ vào trong hợp đồng, phải cụ thể hóa được việc này. Nếu quy định rõ như thế thì người bán hàng sẽ phải trách nhiệm hơn.
Hiện nay điện, nước đang là những mặt hàng độc quyền, người dân bị phụ thuộc. Nếu trong hợp đồng ghi rõ mất nước bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày thì phải bồi thường cho khách hàng bằng nào tiền thì chắc chắn đơn vị cấp nước đó sẽ có trách nhiệm hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khủng hoảng nước sạch tại Ấn Độ:

(Nguồn: VTV24)

Thiên Tuấn

BẢN DESKTOP