Khoa học & Công nghệ

Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng AI trong kiểm tra giao thông

  • Tác giả : Đức Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Việc xác nhận giấy đi đường và kiểm soát người ra vào Hà Nội đang đặt ra những bất cập, nguy cơ gia tăng lây nhiễm dịch bệnh. Theo các chuyên gia, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý dữ liệu (Bigdata) vào hệ thống kiểm soát giấy đi đường khi giãn cách.
Ùn ứ do kiểm tra giấy tờ tại chốt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Ùn ứ do kiểm tra giấy tờ tại chốt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Ứng dụng không khó

Theo anh Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Logistic Hải Khánh, việc kiểm soát giấy đi đường của các doanh nghiệp, người lao động trong thời gian giãn cách xã hội tại Hà Nội đang có rất nhiều bất cập. Việc siết chặt người ra đường đã xảy ra tình trạng ùn tắc, đông đúc, không đảm bảo giãn cách tại nhiều điểm chốt kiểm soát dịch Covid-19. Các cán bộ trực tại các chốt kiểm soát dùng tay cầm giấy đi đường có thể dẫn đến việc lây lan SARS-CoV-2 trong quá trình kiểm tra. Với việc không đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m, nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu chẳng may trong số đó có F0. 

Theo anh Thanh, hiện nay điều kiện công nghệ thông tin của thành phố hoàn toàn có thể cho phép doanh nghiệp đẩy dữ liệu về cổng dữ liệu tập trung. Căn cứ trên dữ liệu các công ty đang hoạt động, TP Hà Nội cấp mã QR code hoặc nhận diện khuôn mặt theo quy định. Khi đi đường, người của doanh nghiệp được cấp mã chỉ cần sử dụng mã này quét, cùng với chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân là có thể qua chốt nhanh chóng không cần nhiều nhân lực kiểm tra, tránh được tình trạng ùn tắc, nguy cơ lây nhiêm do tiếp xúc. Trong một số trường hợp nghi ngờ hoặc trục trặc, cán bộ tại các chốt có thể kiểm tra ngẫu nhiên hoặc liên lạc với UBND các phường để phối hợp kiểm tra thông tin của công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

ThS Trương Quốc Toàn, chuyên gia tư vấn quy hoạch đô thị và thiết kế phát triển các phần mềm ứng dụng lại cho rằng, việc ứng dụng CNTT vào kiểm soát người đi đường không khó, rất nhiều đơn vị có giải pháp, thậm chí có sẵn, quan trọng là Hà Nội có quyết tâm vào cuộc hay không.

ThS Trương Quốc Toàn cho biết, hiện đã có nhiều app kiểu Blue Zone chỉ cần tích hợp thêm thông tin nhận dạng, cảnh báo là có thể ứng dụng. Kiểm soát người qua chốt nếu muốn áp dụng QR hoặc AI, trước tiên TP Hà Nội phải có app riêng cho phép các cơ quan sử dụng để xuất mã QR thống nhất theo 1 đầu mối đồng bộ thì sẽ kiểm soát được cơ quan cấp giấy, người được cấp, điểm đi, điểm đến, tần suất đi lại…

Rất nhiều tỉnh đã triển khai

Theo các chuyên gia giao thông, hiện nay, rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ứng dụng AI và Bigdata trong kiểm soát phòng chống dịch như TPHCM, Cà Mau, Thái Nguyên, Huế... Viettel Cà Mau triển khai hệ thống Khai báo y tế quét mã QR có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chốt, kiểm soát chặt hơn người ra vào tỉnh. Với hệ thống này, người thường xuyên qua chốt chỉ cần khai thông tin ở lần thứ nhất, sau đó sẽ được hệ thống quét mã và quét nhận diện khuôn mặt để lưu thông tin. Những lần sau đó, người đi qua chốt chỉ cần quét mã QR và đứng trước máy để quét nhận diện khuôn mặt là có đủ thông tin để xử lý. Hệ thống có các tiện ích: Số hoá tờ khai giấy tại chốt kiểm dịch thành tờ khai điện tử, có chụp ảnh khuôn mặt để nhận diện nhập cảnh; Truyền dữ liệu nhanh đến các cấp (đến cả ấp, khóm) theo thời gian thực; Phát hiện tự động người về từ vùng dịch; Hỗ trợ theo dõi, báo cáo nhanh, chính xác.

Cà Mau sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt kiểm soát người ra vào tỉnh.

Cà Mau sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt kiểm soát người ra vào tỉnh.

Được biết, hệ thống này của Tập đoàn Viettel cũng đã được một số tỉnh đặt mua và đưa vào sử dụng. Viettel Thái Nguyên cũng đưa hệ thống máy quay video nhận biết chính xác biển kiểm soát của tất cả các phương tiện khi đang di chuyển ở tốc độ cao. Tất cả dữ liệu sau khi được xử lý tự động, phân tích thông minh với tốc độ cao sẽ được lưu trữ tại máy chủ của IOC. Trên cơ sở dữ liệu này, lực lượng chức năng có thể truy cập từ các thiết bị cầm tay thông minh như: Máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính cá nhân… thông qua ứng dụng để khai thác thông tin, đối chiếu với phương tiện cần kiểm soát. Hệ thống có khả năng phát hiện được các phương tiện đi từ vùng dịch hoặc các tỉnh, thành khác đến, báo cáo bằng hình ảnh trên hệ thống để các cơ quan chức năng xử lý.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy chứng nhận đi đường, cũng như kiểm soát người đi đường là việc làm rất cần thiết. Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội cũng vừa ban hành văn bản về việc thực hiện triệt để việc quét mã QR, đáp ứng nhanh công tác truy vết phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND quận, huyện, thị xã được giao đề nghị các tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện việc khai báo y tế bằng mã QR nêu trên đối với tất cả người vào - ra tại đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ chú trọng khai báo y tế bằng mã QR chứ chưa triển khai kiểm soát người ra đường. Dịch bệnh có thể kéo dài, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm được áp lực cho chốt kiểm soát, tạo thuận lợi người dân, doanh nghiệp. Có thể, khi triển khai, bước đầu gây tốn kém kinh phí đầu tư công nghệ, nhưng về lâu dài nâng cao hiệu quả chống dịch và văn minh của một Thủ đô.

Đức Vinh

BẢN DESKTOP