Môi trường

Hà Nội bàn giải pháp ngăn chặn lấn chiếm đất rừng

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - “UBND TP. Hà Nội giao Sở TN&MT giao đất gắn với giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để rừng và đất lâm nghiệp thực sự có chủ. Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng và là khâu then chốt để giải quyết dứt điểm các tranh chấp”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Sắp đến hạn, khó đạt mục tiêu

Từ năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt quyết định số 710/QĐ-UBND về nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020. Theo đó, quan điểm của UBND TP. Hà Nội là bảo vệ và phát triển rừng phải gắn với phát triển toàn diện và bền vững của các ngành kinh tế và phát triển tổng thể kinh tế xã hội của Thủ đô.

Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có; làm giàu rừng đối với đối tượng rừng nghèo; khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng đối với đối tượng cây gỗ rải rác còn tính chất đất rừng để bảo tồn các nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy chức năng phòng hộ của rừng.

Cải tạo, nâng cao chất lượng rừng trồng (đặc biệt là rừng phòng hộ), từ rừng thuần loại nghèo, đơn tầng thành rừng hỗn giao nhiều loài cây đa mục đích có giá trị kinh tế, phòng hộ môi trường cảnh quan cao, phát triển bền vững; Phát triển rừng kinh tế sinh thái gắn liền với rừng đa mục đích, để rừng vừa cho nhiều sản phẩm kinh tế, làm đẹp cảnh quan góp phần phát triển du lịch...

Thực hiện xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng; giao đất, giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp lâu dài; khoán và cho thuê rừng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân... để thu hút các nguồn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch; Đẩy nhanh chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến cho các chủ rừng trong chọn, tạo giống cây trồng có chất lượng cao; phát triển trang trại rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái; dịch vụ môi trường rừng.

Nội dung quyết định đề ra mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội đạt 26.621ha đất và rừng được quy hoạch, điều chỉnh cho 3 loại rừng nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 7,5 %. Thu nhập 1ha đất lâm nghiệp đạt 40-60 triệu đồng/ha/năm. Tạo công ăn việc làm hàng năm từ 10.000 - 15.000 lao động. Khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung: 406ha. Nâng cấp rừng trồng trong rừng phòng hộ: 1.561 ha. Làm giầu rừng tự nhiên nghèo kiệt:315 ha. Trồng rừng: 6.453 ha, trong đó: Trồng trên đất trống: 1.57 ha, trên rừng cải tạo: 270 ha; trồng lại rừng sau khai thác: 4.671 ha. Trồng cây phân tán trên 10 triệu cây.

Tuy nhiên, cho đến nay thời gian sắp cán đích mà mục tiêu đề ra lại khó hoàn thành bởi vấn nạn lấn chiếm đất rừng. Đặc biệt, thời gian qua cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vi phạm trên đất rừng tại xã Minh Phú (Sóc Sơn) và xã Yên Bài (Ba Vì) với những công trình xây dựng quy mô lớn.

Hà Nội đề ra mục tiêu năm 2020 đạt 26.621ha đất và rừng được quy hoạch.

Hà Nội đề ra mục tiêu năm 2020 đạt 26.621ha đất và rừng được quy hoạch.

Quản lý chồng chéo

Hiện tượng sử dụng đất đất rừng, đất lâm sai mục đích như làm công trình nhà ở, nghỉ dưỡng diễn ra rất phổ biến và nghiêm trọng. Chưa hết, việc các hộ được giao đất trồng rừng có dấu hiệu sang nhượng, chuyển đổi đất rừng trái thẩm quyền diễn ra tràn lan khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

Theo UBND TP. Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm đất rừng là bởi tồn tại nhiều cấp quản lý rừng nên không đồng bộ. Hiện nay, Hà Nội đang có các đơn vị quản lý rừng như: Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội; Vườn Quốc gia Ba Vì; đơn vị quân đội; UBND xã quản lý đất rừng.

Trong báo cáo số 77/BC-UBND nêu cả nguyên nhân việc cắm mốc giới rừng chưa được thực hiện đầy đủ và rõ ràng; diện tích đất rừng còn chồng lấn với diện tích đất khác như đất nông nghiệp, nhà ở, đất vườn… của một số địa phương cũng gây khó khăn cho công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính mang tính chủ quan là chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp. Cho nên khi có hiện tượng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất rừng thì chính quyền “trở tay không kịp”.

Công trình vi phạm trật tự xây dựng dưới chân núi ven hồ Đồng Đò tại xã Minh Trí (Sóc Sơn).

Công trình vi phạm trật tự xây dựng dưới chân núi ven hồ Đồng Đò tại xã Minh Trí (Sóc Sơn).

Giải pháp cho rừng Hà Nội

Ngày 25/3 vừa qua, tại phiên giải trình HĐND TP. Hà Nội về trật tự xây dựng, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo huyện Sóc Sơn và Ba Vì, các sở ngành liên quan triển khai thực hiện nội dung kết luận thanh tra của cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm đối với các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng.

“Mặt khác, UBND TP. Hà Nội giao Sở TN&MT giao đất gắn với giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để rừng và đất lâm nghiệp thực sự có chủ. Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng và là khâu then chốt để giải quyết dứt điểm các tranh chấp”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đưa ra giải pháp.

Cùng nằm trong giải pháp ngăn chặn nạn lấn chiếm đất rừng, theo ông Nguyễn Đức Chung, TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở NN&PTNT thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại rừng và đất lâm nghiệp đảm bảo phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, tiến hành đo đạc lại toàn bộ đất rừng, đất nông nghiệp, xây dựng bản đồ địa chính để cắm mốc giới rừng ngoài thực địa.

Đồng thời, sẽ thực hiện điều chỉnh phân cấp quản lý đất rừng về cho địa phương, hạn chế chuyển đổi diện tích các loại rừng và diện tích đất lâm nghiệp sang mục đích khác. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, tránh trùng lặp chồng chéo trong việc quản lý của các đơn vị.

Trong mấy năm vừa qua, Sóc Sơn là một trong những địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng một cách rầm rộ và quy mô lớn khiến dư luận vô cùng bức xúc. Thanh tra thành phố đã đề nghị UBND thành phố cho phép cơ quan này chuyển hồ sơ vụ việc tới cơ quan công an đối với những vụ việc có chứng cứ rõ ràng để xử lý răn đe.

Đặc biệt, huyện Sóc Sơn cần tại các xã: Tại các xã Quang Tiến, Tiên Dược, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Hiền Ninh của huyện Sóc Sơn, giải pháp xử lý trước mắt là phải tổ chức tháo dỡ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2017 – 2018 để trả lại nguyên trạng ban đầu cho rừng.

“Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng phải kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót của các bộ phận liên quan. Làm rõ trách nhiệm của Giám đốc BQL rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội và Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Sóc Sơn trong việc để xảy ra những vi phạm, làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định; xét cấp Giấy chứng nhận không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất”, Thanh tra TP. Hà Nội nêu rõ.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP