Gia đình mới

Hà Nội: 15% dân số là người cao tuổi

  • Tác giả : Thúy Nga
Hết năm 2023 tỷ lệ người cao tuổi Hà Nội đã chiếm trên 15% dân số. Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2024, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp địa bàn thành phố.

Đó là thông tin BS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết tại Hội nghị gặp mặt biểu dương người cao tuổi tiêu biểu vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số... quận Thanh Xuân, ngày 10/10.

Thế kỷ già hóa dân số: ưu tiên chăm sóc người cao tuổi

Bác sĩ Vũ Duy Hưng cho biết, thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ già hóa dân số. Trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi từ 11% đến 22%. Số lượng người 60 tuổi trở lên (tuổi 60+) được dự báo sẽ tăng lên 1400 triệu vào năm 2030 và 2100 triệu vào năm 2050.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế già hóa dân số đó. Từ năm 2011, tỷ trọng dân số 60+ chiếm 9,9%, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, Việt Nam có khoảng 12,56 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ 12% dân số.

Theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2036 với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Dự báo đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.

BS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

BS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

BS Vũ Duy Hưng cho biết, trong suốt cuộc đời các cụ đã dành trọn tâm huyết và công sức để xây dựng gia đình, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Từ xưa đến nay, người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho con cháu. Kinh nghiệm sống, kiến thức và đạo đức của các cụ là nguồn động lực là niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ noi theo.

Đối với công tác dân số, vai trò của người cao tuổi (NCT) trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và nhân dân ở khu dân cư chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số là vô cùng quan trọng.

Để người già yên tâm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, Đảng và Nhà nước ta cũng như Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.

Những văn bản này sẽ đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung; Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc, tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, với chi phí và hình thức phù hợp.

100 người cao tuổi quận Thanh Xuân được biểu dương tại Hội nghị

100 người cao tuổi quận Thanh Xuân được biểu dương tại Hội nghị

Tại Hà Nội, hết năm 2023 tỷ lệ người cao tuổi thành phố đã chiếm trên 15% dân số; Thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Năm 2023, triển khai thực hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã bao gồm: 42 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng (13 mô hình năm thứ nhất và 29 mô hình năm thứ hai) tại 42 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã; 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe tại 40 xã của 09 huyện. Tỷ lệ khám sức khỏe thông thường định kỳ cho người cao tuổi năm 2023 là 88,79% (vượt chỉ tiêu Thành phố giao năm 2023 là 87%).

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2024, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tổ chức Hội nghị điểm biểu dương 100 người cao tuổi tại huyện Gia Lâm và rất nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động biểu dương người cao tuổi.

Từ hoạt động đầy ý nghĩa này ngoài việc bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta còn cam kết chăm lo hơn nữa cho đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo quận công tác dân số và phát triển quận Thanh Xuân phát biểu

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo quận công tác dân số và phát triển quận Thanh Xuân phát biểu

Huy động mọi tổ chức, cá nhân chăm sóc người cao tuổi

Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo quận công tác dân số và phát triển quận nhấn mạnh, hưởng ứng Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 năm nay Chủ đề: “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”.Thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo các quận, huyện thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi thông qua các chương trình, đề án cụ thể với nhiều hoạt động thiết thực từ Thành phố đến cơ sở.

Quận Thanh Xuân luôn quan tâm, đầu tư và triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác dân số trong đó có hoạt động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, phát huy vai trò của Người cao tuổi tại cộng động.

Hiện nay toàn quận có 45.062 người cao tuổi, chiếm 15,1% dân số; có Ban Đại diện Hội NCT quận; 11 Hội NCT phường, 156 chi hội, 583 tổ hội với 27 379 người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội (đạt tỷ lệ 91%.).

Duy trì 215 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi và 03 Câu lạc bộ liên thế hệ thu hút 5.656 người cao tuổi tham gia với nhiều hoạt động phong phú nhằm nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho người cao tuổi. Hàng năm, quận tổ chức chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà cho người cao tuổi vào các dịp lễ tết và các ngày kỷ niệm người cao tuổi.

Chế độ chính sách cho Người cao tuổi được đảm bảo: 100% Người cao tuổi thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo, người mù có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp theo quy định.

Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng được triển khai hiệu quả như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được duy trì và triển khai tại 11/11 phường, tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi... tổ chức khám sức khỏe cho Người cao tuổi, gia đình chính sách và người có công với cách mạng tại Trung tâm Y tế quận, Trạm Y tế 11 phường, hàng năm đảm bảo trên 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội...” , ông Hải cho biết.

Tại Hội nghị Quận Thanh Xuân cũng đã biểu dương 100 người cao tuổi tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số, con cháu hiếu thuận.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP