Vấn đề - Sự kiện

Hạ chuẩn đăng kiểm xe có tái diễn hệ lụy?!

  • Tác giả : Hải Ninh
“Giảm tỷ lệ kỹ sư, tăng nhân lực có trình độ trung cấp, cao đẳng có chuyên môn kỹ thuật ô tô là chấp nhận được; song trong tổ đăng kiểm, phải có ít nhất một kỹ sư”, TS Nguyễn Xuân Thủy nêu ý kiến.
Trung tâm đăng kiểm

Trung tâm đăng kiểm

Xung quanh việc Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018 cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, được thi sát hạch, cấp chứng chỉ đăng kiểm viên và cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu được phép kiểm định ô tô…, PV Khoa học và Đời sống có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông và ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Hạ chuẩn… vẫn cần có kỹ sư trong tổ đăng kiểm

Việc sửa đổi Nghị định 139 sẽ góp phần xử lý triệt để các tồn tại của đăng kiểm, thưa Ông?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên là họ đã có tính toán cụ thể.

Đăng kiểm viên

Đăng kiểm viên

Trong một trạm đăng kiểm phải có kỹ sư, cũng cần trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí. Trước đây, tỷ lệ kỹ sư chiếm bao nhiêu % thì bây giờ có thể giảm đi do thiếu nhân lực, theo đó tăng tỷ lệ người có trình độ thấp hơn mà nắm bắt được kỹ thuật ô tô. Việc này chấp nhận được!

Hạ chuẩn đăng kiểm dễ kéo theo hàng loạt nguy cơ “diễn biến phức tạp” trong thời gian tới?

Tốt nhất trong đội ngũ đăng kiểm viên phải có nhiều kỹ sư - những người có nghiệp vụ tốt, hiểu được bản chất của kỹ thuật để kiểm tra, kiểm định phương tiện với kỹ thuật cao hơn, chính xác và hiệu quả hơn.

Tôi vẫn nhắc lại, phải có kỹ sư trong tổ đăng kiểm, chứ không phải tất cả chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng.

Việc giảm kỹ sư phải đảm bảo số lượng nhất định các kỹ sư; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, tình trạng kiểm tra sơ sài rồi cấp giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện một cách lộn xộn. Nếu cơ chế giám sát không bảo đảm, hạ chuẩn đăng kiểm sẽ đối diện nguy cơ khủng hoảng không thua kém tình trạng hiện nay.

Tiêu cực hay không là do con người!

Việc cho phép các cơ sở bảo dưỡng xe đáp ứng quy chuẩn, được phép kiểm định ô tô… có vô tình tạo cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Việc này sẽ không dẫn đến các hệ lụy nếu chúng ta làm một cách bài bản, có kiểm tra, có thiết bị, có không gian riêng!

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ

Điều quan trọng là phải kiểm tra kỹ đội ngũ kỹ thuật, phương tiện, thiết bị đầy đủ. Con người ở các cơ sở này phải được đào tạo, chấn chỉnh. Họ phải nắm được nguyên tắc, trách nhiệm trong đăng kiểm. Không thể nhầm lẫn giữa đăng kiểm với sửa chữa ô tô, tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm như trước đây như thay đổi phụ tùng xe, kiểm tra qua loa, làm việc thiếu trách nhiệm.

Nếu có sự giám sát kỹ, với tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ không xảy ra vấn đề tiêu cực như trước. Tiêu cực hay không là do con người hết chứ không phải trạm này, chuyển sang trạm kia là gây ra tiêu cực được.

Chuyên gia Bùi Danh Liên: Tôi không tán thành việc đưa các trung tâm bảo dưỡng xe thành nơi đăng kiểm.

Chuyên gia Bùi Danh Liêm

Chuyên gia Bùi Danh Liêm

Vừa qua, các trung tâm đăng kiểm có tình trạng cấu kết với nhau để làm luật, gây ra mặt trái đáng xấu hổ. Bây giờ mà nới lỏng, thả ra cho tư nhân thì rất nguy hiểm.

Cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt việc đăng kiểm phương tiện xe cơ giới. Có thể xã hội hóa nhưng phải quản lý, đào tạo từ con người đăng kiểm; phải có kế hoạch đào tạo dài hơi, cung cấp cho các trung tâm đăng kiểm. Bây giờ chưa thả ra mà đã có những hệ lụy như vậy, thì sau này khó có thể đảm bảo tiêu cực sẽ không xảy ra.

Sửa đổi Nghị định 139: Cần gì để thấy… đủ?

Điều kiện cần và đủ đối với việc sửa đổi Nghị định 139 là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Nghị định 139 chỉ là quy định trước đây. Bây giờ, tình hình đã thay đổi, việc sửa đổi một cách linh hoạt để phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, cần đảm bảo những điều kiện tối thiểu, những quy định chung về mặt nguyên tắc, trách nhiệm, đảm bảo kỹ thuật, an toàn cho các phương tiện sau kiểm định.

Cũng phải quán triệt con người phải nghiêm túc tuân thủ và hơn nữa phải có cơ chế giám sát, kiểm tra chéo để đạt hiệu quả cao nhất.

Chuyên gia Bùi Danh Liên: Đây là việc của xã hội rất lớn liên quan đến hàng triệu phương tiện trong cả nước, phương tiện ngày càng phát triển và ngày càng phát sinh nhiều vấn đề; do vậy, cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của các doanh nghiệp để làm thế nào cho các quy định, các đề xuất phù hợp nhất.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cần lấy các ý kiến để xây dựng văn bản cho chuẩn hóa các quy định, sử dụng lâu dài trong điều kiện kinh tế phát triển, phương tiện vận tải đa loại hình, như việc ô tô chạy xăng chuyển dần sang chạy điện…

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải thế nào?

Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, bản chất nghề đăng kiểm là cung cấp dịch vụ kỹ thuật; nếu đăng kiểm viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng mà có chuyên môn tốt, kinh nghiệm, thì hoàn toàn có thể thực hiện được mà không nhất thiết phải là người tốt nghiệp đại học.

Những kỹ sư có thâm niên, kinh nghiệm làm việc ở các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sẽ được rút ngắn thời gian thực tập khi thi sát hạch đăng kiểm viên. Mỗi dây chuyền kiểm định chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm viên bậc cao để đảm nhận tất cả các công đoạn trên một dây chuyền. Thay vì cần tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có 1 đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay.

Sửa nghị định về đăng kiểm phải có siết và có mở

“Nghị định 139 được sửa đổi sẽ góp phần xử lý triệt để các tồn tại của đăng kiểm. Việc nghiên cứu sửa đổi tập trung theo hướng mở rộng hoạt động đăng kiểm; cơ chế quản lý có cái siết để việc phát triển trung tâm đăng kiểm không rơi vào tình trạng "thả nổi" nhưng phải có cái "mở" phù hợp để đảm bảo sự cân bằng cung - cầu. Mạng lưới trung tâm đăng kiểm cũng cần tập trung vào các thành phố lớn, có nhu cầu cao như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng. Quá trình thực hiện, trung tâm đăng kiểm nào vi phạm sẽ yêu cầu đóng cửa ngay", Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết.

48 trung tâm đăng kiểm vẫn bị đóng cửa

Tính đến ngày 1/4, cả nước có 233/281 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, 48 trung tâm còn lại bị đóng cửa để phục vụ công tác điều tra, hoặc không đủ điều kiện kinh doanh.

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa tổ chức ba kỳ thi sát hạch đăng kiểm viên dành cho hơn 150 học viên tham dự; gấp rút tập huấn cho những đăng kiểm viên đạt, trước khi phân bổ về các trung tâm đăng kiểm để khôi phục hoạt động và tăng năng suất các dây chuyền kiểm định.

Hải Ninh

BẢN DESKTOP