Xe

Gương chiếu hậu khó bị ‘khai tử’ trên ô tô?

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Bất chấp tất cả những ưu điểm mang tính công nghệ ở những mẫu xe sử dụng hoàn toàn camera thay cho gương chiếu hậu như Honda E và Audi E-Tron. Việc loại bỏ gương truyền thống bị hiện chưa phù hợp bởi những lý do dưới đây.

Độ chân thực của camera kém hơn

Dù công nghệ trên camera ngày nay rất tốt nhưng chúng vẫn không sắc nét như hình ảnh thực tế phản chiếu vào mắt người. Quan trọng nhất, hình ảnh qua gương chiếu hậu không gặp phải các vấn đề về điểm ảnh hoặc phơi sáng khi chất lượng ánh sáng kém, vốn là là nhược điểm của ống kính điện tử.

Một số tài xế cho biết, đã lái ô tô trong nhiều dạng thời tiết như trời mưa to, có tuyết và chúng thường xuyên làm cho camera quan sát điểm mù trở thành một mớ hỗn độn mờ mịt và hoàn toàn không thể sử dụng được. Trong bóng tối, đèn pha sáng chiếu vào camera điện tử cũng có thể gây ra lỗi.

Bên cạnh đó, camera điện tử sẽ gặp bất lợi nếu trong môi trường mặn, cặn muối và các chất bẩn khác vẫn có thể tích tụ, che lấp hình ảnh. Trong khi gương kính chỉ gặp vấn đề với nước đóng băng nhưng dễ khắc phục với hệ thống sưởi kính, còn bụi bẩn hay mưa ướt đã có gạt nước.

Với nhiều tài xế, việc quan sát qua gương kính thường còn giúp họ cảm nhận được độ xa, gần của hình ảnh phản chiếu mà đôi khi camera điện tử sẽ không thể đem lại cảm giác này. Đơn giản vì qua hình ảnh hiển thị ở màn hình, chúng ta chỉ quan sát được một hình ảnh hai chiều.

Do vậy, nhiều tài xế cho rằng, phát triển camera quan sát trên ô tô là tốt và cần thiết nhưng chỉ nên coi đó là thứ công nghệ hỗ trợ, tăng thêm mức độ an toàn như camera 360 độ để di chuyển chỗ hẹp, camera góc mù để quan sát chướng ngại vật mà gương kính không thể soi đến. Công nghệ mới là tốt, nhưng nó sẽ tốt hơn khi kết hợp với công nghệ cũ.

Khả năng sửa chữa

Gương chiếu hậu có thể được sản xuất với chi phí rất thấp và dễ dàng được sửa chữa hoặc thay thế khi hỏng. Camera, đặc biệt là các hệ thống phức tạp hơn, có thể gặp khó khăn khi cần sửa chữa hoặc thay thế.

Camera có nhiều ưu điểm và cải tiến cho việc quan sát phía sau xe, nhưng vẫn tồn tại nhược điểm và hạn chế so với gương chiếu hậu truyền thống. Do đó, việc loại bỏ hoàn toàn gương chiếu hậu vẫn còn gặp nhiều thách thức và nguy cơ mất đi một công cụ quan trọng cho tài xế để đảm bảo an toàn giao thông.

Ưu, nhược điểm của camera ô tô

Camera sẽ tạo ra góc nhìn rộng hơn cho tài xế khi quan sát phía sau xe, triệt tiêu điểm mù. Camera thậm chí còn tạo ra được góc nhìn toàn cảnh 360 độ xung quanh xe, thứ mà gương không thể làm được.

Thiết kế đẹp, hỗ trợ tối ưu khí động học cho xe. Đối với xu hướng xe điện bây giờ, khí động học tối ưu để giảm thiểu năng lượng hao phí do thân xe bị lực cản không khí làm chậm lại là thứ rất quan trọng. Hãng xe Honda nói rằng đổi gương lấy camera cho phép hiệu năng hệ thống truyền động tăng 3,8%, hệ quả trực tiếp là tầm vận hành của xe điện sẽ tăng lên.

Trong đêm tối, gương chiếu hậu bị ảnh hưởng mạnh về tầm nhìn và mức độ rõ ràng của hình ảnh. Ngược lại, camera điều chỉnh được cả độ phơi sáng, ISO và cân bằng trắng, tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn nhiều.

Nhưng vẫn có những lý do khiến gương chiếu hậu là lựa chọn vô cùng đáng tin cậy, vì nó làm được những thứ mà camera kỹ thuật số không làm được:

Trong điều kiện ánh sáng rất yếu, camera giá rẻ sẽ không tạo ra được hình ảnh đủ rõ ràng để đảm bảo an toàn giao thông. Những ngày nắng to, ánh sáng mạnh, cảm biến camera nếu không phải loại cao cấp thì sẽ bị lóa kính, những vùng lóe sáng có thể che khuất chướng ngại vật phía sau xe, gây mất an toàn.

Vị trí đặt màn hình của camera chiếu hậu cũng là một vấn đề. Hầu hết chúng được đặt ngay phía bản lề cửa xe để không phá vỡ thói quen đá mắt ra hai bên gương của tài xế. Nếu độ sáng hai màn hình của camera chiếu hậu không thể thay đổi được như màn hình điện thoại, trong điều kiện trời tối, hai màn hình này có nguy cơ trở thành thứ gây mất tập trung khi chạy xe.

Bản chất vận hành của camera cũng tạo ra áp lực đối với đôi mắt của tài xế. Gương chiếu hậu vận hành dựa trên quy luật cơ bản của vật lý quang học, hình ảnh trong gương là ánh sáng từ vật thể khác dội vào. Khi nhìn gương chiếu hậu, mắt người tự động điều tiết để tập trung vào vật thể ở xa hiện ra trên gương. Còn camera thì tự động bắt nét, rồi truyền hình ảnh vào màn hình. Mắt người khi ấy sẽ phải điều tiết theo kiểu khác để nhìn hình ảnh đã nét sẵn, trên màn hình ở rất gần tầm mắt. Tài xế bị cận, viễn hay loạn thị có thể sẽ gặp khó khăn khi điều tiết đôi mắt.

Một yếu tố nữa là gương chiếu hậu có chi phí sản xuất rất rẻ, còn camera thì không. Khi camera hỏng thì tiền sửa chắc chắn cao hơn gương. Đấy là chưa kể, cái gì càng hiện đại thì khả năng hỏng hóc cũng cao hơn nhiều.

Tuấn Huy (T/H)

BẢN DESKTOP