Thời sự

GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc và nhân duyên được tiếp cận Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • Tác giả : GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc

Kỳ 2: Ngọn lửa vì dân

“Khoa học phải tạo ra những bước nhảy thông minh. Cán bộ khoa học phải là chiến sĩ xung kích, thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động và phải đoàn kết thành một đội quân cách mạng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói.

Thời điểm đó, tâm trạng Đại tướng chắc không thể quá bình yên được, nhưng bên ngoài vẫn giữ vẻ thong dong, bình thản đáng kính. Ngọn lửa vì dân bao trùm tất cả.

Đại tướng giản dị, dí dỏm nhưng rất nghiêm khắc

Tôi được chọn vào nhóm tham gia soạn thảo chiến lược phát triển khoa học do chính Đại tướng chủ trì. Chuyến đi đầu tiên của nhóm là Sầm Sơn (Thanh Hóa), ngay sau khi kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thời ấy, vùng biển này dường như mới chỉ có một khách sạn là khách sạn Sầm Sơn. Chúng tôi được bố trí ở đó, còn Đại tướng ở nhà khách đặc biệt, dành cho lãnh đạo cao cấp của Lào. Nhưng cũng khá gần nhau nên nhiều buổi tối, Đại tướng đi bộ sang chỉ đạo việc thảo luận nhóm.

Chúng tôi vô cùng xúc động vì Đại tướng hết sức giản dị, thân tình với anh em, nhưng rất nghiêm khắc. Song, cả đoàn lại vui nói nhỏ với nhau, mấy khi lại được quản theo “kiểu nhà binh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Một lần ai đó cao trào cho rằng Sầm Sơn thuộc về Quảng Xương, sắp sửa sáp nhập với Tĩnh Gia, gọi tên là Xương Da. “Thế còn Tứ Kỳ với Khoái Châu?” - câu đùa dí dỏm của Người khiến tất cả phá lên cười.

Cũng có hôm, Đại tướng cùng chúng tôi đến tận chỗ dân chài và tham gia kéo lưới. Chỉ mấy phút sau thì Người “bị phát hiện”, người dân reo ầm và vây quanh. Đại tướng niềm nở chào hỏi bà con và đề nghị cứ tiếp tục công việc.

Lúc Đại tướng vẫy tay chào ra về, chàng trai nào đó trong tốp dân chài sung sướng hô to: “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên”, kéo theo tiếng hoan hô vang cao làm ngắt câu thơ... Đại tướng quay lại, vui vẻ hỏi chúng tôi: “Câu tiếp theo là gì nhỉ?”.

“Họp hành với Đại tướng mệt lắm!”

Chuyến đi kéo dài hơn 20 ngày, là cơ hội mà chúng tôi cảm nhận được nhiều góc rất khác về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và càng khâm phục, kính trọng và học hỏi từ Người nhiều điều hơn.

Đại tướng trực tiếp chủ trì hội nghị, trân trọng lắng nghe ý kiến của mọi thành viên, nắm bắt nhanh ý tưởng của người phát biểu, đặt những câu hỏi sắc bén, không áp đặt, mà khéo định hướng, khái quát, tổng hợp thần tốc. Vì thế, các thành viên trong đoàn phải chuẩn bị kỹ ý kiến phát biểu và tập trung cao độ, thường xuyên động não trong các buổi thảo luận.

Có một vài đồng chí được anh em gọi vui là “chuyên gia” dự các cuộc họp thường bàn chung chung, đến đây có vẻ mệt mỏi, đôi khi thổ lộ: “Họp hành với Đại tướng mệt lắm!”.

Một lần, khi đang bàn đường lối để khoa học làm sao có thể tác động tốt đến nông thôn, gồm chuyện lớn, chuyện nhỏ ở các bản làng, bỗng nhiên ai đó ở cuối phòng họp thì thào, nhưng vẫn đủ nghe thấy: “Súng đại bác bắn chim!”.

Chẳng hiểu câu nói ngụ ý gì và Đại tướng nghe thấy không. Nhưng cuối buổi thảo luận, Người tổng kết phiên họp bằng những lời lẽ rất tâm huyết: “Chiều nay chúng ta thảo luận đến một đối tượng chiếm số đông trong nhân dân, nhưng là những người chịu đựng gian khổ hy sinh nhiều nhất và vẫn còn nghèo đói nhất.

Một dân tộc từng chiến thắng những kẻ thù giàu có nhất thế giới, đã có những thế hệ thanh niên học sinh đầy chí khí vươn lên, đã đạt những giải cao trong các cuộc thi quốc tế và có những nhà khoa học hiểu sâu, biết rộng như các đồng chí ngồi đây, thế mà lại cam chịu để dân trong cảnh nghèo đói mãi sao? Khoa học phải tạo ra những bước nhảy, những bước nhảy thông minh. Cán bộ khoa học phải là chiến sĩ xung kích, có trái tim nhiệt huyết, thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động và phải đoàn kết thành một đội quân cách mạng”.

Chúng tôi lắng nghe từng lời của vị Tư lệnh đáng kính - một dáng vẻ thong dong, bình thản bên ngoài, với trái tim rực lửa nội tâm - đúng như hình ảnh “Ngọn núi lửa phủ tuyết” mà một nhà báo Pháp đã viết về Đại tướng.

Hoạt động khoa học… không “cưỡi ngựa xem hoa”

Trong những ngày thảo luận về chiến lược phát triển khoa học, có khá nhiều ý kiến sắc sảo, thể hiện cái nhìn tổng thể rất bao quát, am hiểu chuyên ngành và nhiều kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, có vài ba tham luận kinh điển và khuôn phép, cái gì cũng quan trọng, luôn luôn muốn giữ công bằng và cho như thế mới là ổn định. Không ít diễn giả biết cách thuyết phục khiến người nghe có thể nhầm tưởng, nếu đầu tư chỉ vào một ngành nào đó, là có thể tạo ra chuyển biến nhảy vọt của cả nền kinh tế nước nhà.

Tôi cũng có bài tham luận lý giải về 4 hướng ưu tiên của Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là SEV và được cử tham gia vào Hội đồng khoa học, đại diện cho phía Việt Nam trong Hướng ưu tiên “Cơ khí - Tự động hóa”.

Khi diễn thuyết xong, tôi nhận được câu chất vấn ý nhị và sâu sắc từ chủ tọa, rằng đây có phải một cách lắp ghép kiểu như ghép các địa danh ở ta không? “Dạ không, đây là một tiến bộ mới, đẻ ra nhu cầu cần giao tiếp tức thời giữa khả năng điều khiển đồng bộ cả hệ thống tự động và khả năng chấp hành cơ khí của từng thiết bị”.

Thú thật, ngồi trong phòng họp, chúng tôi chăm chú quan sát Đại tướng nhiều hơn là nghe cử tọa phát biểu. Người không thích các bài phát biểu dài dòng và những ý kiến phiến diện, nhưng không gay gắt mà chỉ nói vui, dùng một thành ngữ hay câu chuyện tế nhị để uốn nắn. Có lúc tán thưởng thì Người ngồi hơi ngả người ra phía sau, ngửa mặt nhìn lên, cười nụ cười chiến thắng, bao dung. Có lúc lắng xuống, mắt nhìn xa xăm, nói những lời tâm tư sâu thẳm.

Đại tướng thường nhắc các nhà khoa học phải có cái nhìn toàn cục, biết bám sát mục tiêu chung, mục tiêu lớn, để tác nghiệp phần chuyên môn hẹp của mình. Trong hoạt động khoa học, phải thấu hiểu bản chất của vấn đề, không “cưỡi ngựa xem hoa”, không chỉ hoạt động bề nổi. Để xác định các hướng đi phù hợp, trước hết cần tiến hành một Chương trình nghiên cứu khoa học điều tra cơ bản, nhằm có những tư liệu chính thống làm cơ sở để nghiên cứu phát triển các ngành nghề trong hệ thống kinh tế - xã hội của nước nhà.

Không chỉ nhà khoa học, quần chúng cũng triển khai công trình sáng tạo khoa học

Tấm bản đồ Đất nước, biết bao nhiêu năm tháng không rời khỏi phòng chỉ huy tác chiến, dường như đã thuộc lòng, khắc quá sâu trong tâm trí một con người suốt cuộc đời chiến đấu vì sự toàn vẹn của nó. Tầm nhìn của một nhà sử học, từng thấu hiểu cội nguồn của các sự kiện quá khứ, sẽ biết đâu là các dấu hiệu dự báo những sự kiện trong tương lai. Bữa ấy, trong phòng họp về chiến lược khoa học, trên tấm bản đồ ấy, 5 ngón tay lại úp xuống trấn giữ “trận địa” mới, 2 cánh tay vung mạnh ra rồi lập tức ập lại, một đợt tấn công công bắt đầu! Hình ảnh lịch sử ấy đã in đậm trong lòng dân, nay lại diễn ra trước mắt những chiến sỹ của mặt trận tiến công vào khoa học.

Đại tướng là tổng chỉ huy các chiến dịch “phủ xanh đồi núi trọc”, triển khai trên cả nước thành công; người đầu tiên mở hướng “tiến công ra biển khơi”, ngày nay trở thành mặt trận kinh tế mới và là người phê chuẩn các hướng ưu tiên: Công nghệ thông tin; Vật liệu mới; Công nghệ sinh học; Cơ khí - Tự động hóa; Năng lượng mới. Trong số các chương trình nghiên cứu khoa học, tôi được giao làm chủ nhiệm Chương trình cấp nhà nước đầu tiên về tự động hóa, Chương trình 52B.

Song song việc nhà khoa học như đội quân chủ lực thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước, Tư lệnh Võ Nguyên Giáp còn phát động phong trào quần chúng triển khai các công trình sáng tạo khoa học, có tổng kết hàng năm ở những Hội thi và Giải thưởng “Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam” của Quỹ Vifotec, do Đại tướng làm Chủ tịch danh dự và tôi thường tham gia làm Trưởng ban Cơ khí - Tự động hóa trong Hội đồng giám khảo.

Còn tiếp

GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc

BẢN DESKTOP