Khám phá

GS.TS Nguyễn Văn Phước: Vinh dự được tôn vinh trí thức KH&CN

  • Tác giả : Mai Loan
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ông cảm thấy vinh dự, tự hào, hạnh phúc khi được nhận danh hiệu Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022.
Ngày 28/8 tại Hà Nội, 135 trí thức sẽ được vinh danh tại Lễ Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.. từ năm 2015 đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã 04 lần tổ chức thành công Lễ tôn vinh trí thức KH&CN.
Trò chuyện với PV Trí thức và Cuộc sống, những trí thức đã từng được tôn vinh đều bày tỏ niềm vinh dự, tự hào.
Vinh dự, tự hào và hạnh phúc
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ, là thế hệ nhà khoa học được sống trong điều kiện hòa bình, tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh hộ quốc khốc liệt, thời điểm ông đi học, đất nước còn vô vàn khó khăn.
Mặc dù vậy, thế hệ ông đã được Nhà nước tạo điều kiện để được học tập tốt nhất có thể ở trong nước cũng như nước ngoài. Nhận thức được điều đó, ông đã hết sức quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ học tập để về phụng sự Tổ quốc.
GS.TS Nguyen Van Phuoc: Vinh du duoc ton vinh tri thuc KH&CN
GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP Hồ Chí Minh là 1 trong 106 nhà khoa học được trao bằng khen trong buổi Lễ Tôn vinh Trí thức khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Mai Loan.
“Cho đến thời điểm này, tôi tự thấy mình cũng đóng góp được một phần công sức nhỏ bé, ít nhiều có ý nghĩa vào sự phát triển của khoa học nước nhà. Và khi được nhận danh hiệu Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022, tôi thực sự cảm thấy vinh dự, tự hào và hạnh phúc. Tôi tự nhủ, sẽ cùng với các đồng nghiệp, các nhà khoa học sẽ tiếp tục cố gắng, tăng cường đổi mới, phát huy sáng tạo nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng đất nước”, GS.TS Nguyễn Văn Phước bày tỏ.
GS.TS Nguyễn Văn Phước cho hay, không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới, muốn phát triển đều phải dựa vào đội ngũ trí thức. Bởi những công nghệ mới, những máy móc thiết bị, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm… cũng đều xuất phát từ những kết quả nghiên cứu.
Trong thời gian qua, những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam cũng được đưa vào ứng dụng thực tiễn rất nhiều, từ đề tài cấp cơ sở cho đến dự án lớn, mang tính quốc sách với đất nước đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Ngoài ra, đội ngũ trí thức, là các giáo sư, phó giáo sư, các thầy cô giáo còn giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là việc tập hợp đội ngũ trí thức gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Và một trong những cản trở lớn nhất là do cơ chế tài chính.
Ví dụ, một đề tài được giao cho một đơn vị nào đó thì họ phải chịu trách nhiệm về mặt tài chính. Họ muốn chia sẻ, muốn huy động các lực lượng cùng tham gia. Nhưng việc này rất khó, bởi nó liên quan những thủ tục tài chính rắc rối. Điều này dẫn đến việc khó mà tập hợp được lực lượng trí thức.
“Tôi mong thời gian tới, Đàng và Nhà nước sẽ có những quyết sách tốt hơn để tạo điều kiện cho các trí thức, nhà khoa học phát huy sức sáng tạo của mình”, GS.TS Nguyễn Văn Phước nói.
Theo ông Phước, thứ nhất, cần tạo điều kiện về điều kiện để nghiên cứu. Hiện nay, ngành khoa học thế giới phát triển rất nhanh. Những thiết bị phục vụ nghiên cứu đầu tư cho các nhà khoa học của họ rất tốt. Có được những thiết bị hiện đại, thì mới cho ra được kết quả phân tích, dự báo chính xác, nâng tầm được giá trị của các đề tài nghiên cứu.
Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có được điều này. Cho nên, tôi mong điều kiện để nghiên cứu sẽ được quan tâm, đầu tư hơn nữa.
Thứ hai là về tài chính. Dù hiện nay, chúng ta đã có những quyết sách thông thoáng hơn về vấn đề này, tuy nhiên, vẫn còn những rào cản nhất định.
Ông cho rằng, nước ta có thể học các nước phát triển, đó là khoán đến sản phẩm khoa học cuối cùng (tất nhiên các chi tiêu phải hợp lệ, hợp pháp). Theo đó, một đề tài dự án lớn bao gồm nhiều nội dung, mỗi một nội dung sẽ phân phối cho một đơn vị chuyên môn chuyên ngành sâu.
Bởi một đề tài khoa học mang tính chất đa ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, phải có những đơn vị có kiến thức chuyên sâu, cùng nhau thực hiện thì mới có kết quả tốt. Và thực tế, những công trình khoa học không thể ràng buộc vào những chi tiêu chi li, các nhà khoa học sẽ khó làm được việc này. Khi giải quyết được điều này thì cũng sẽ tập hợp được trí thức tốt hơn.
Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực môi trường
Chia sẻ về lý do mới đầu theo Hóa, nhưng sau lại “bẻ lái” sang môi trường, GS.TS Nguyễn Văn Phước cho hay, năm 1983, khi ông bắt đầu học Đại học thì được gửi đi đào tạo ở Liên Xô học chuyên về Hóa công nghệ. Ngành Hóa cũng là ngành sử dụng nhiều hóa chất có thể tác động tới môi trường từ nguyên liệu, sản phẩm đến chất thải. Nó có mặt mạnh là giúp kinh tế phát triển nhưng nếu không cẩn thận thì có thể gây ra những tác động rất xấu tới môi trường.
Nhận thức sâu sắc điều đó, ông đã chuyển từ ngành Hóa công nghệ sang Hóa Môi trường, ứng dụng những kiến thức kỹ thuật của Hóa để giải quyết những vấn đề chất thải độc hại, chủ yếu của các ngành công nghiệp tạo ra.
Sau nhiều năm tiếp cận, giải quyết các vấn đề về môi trường, điều khiến GS Phước trăn trở nhất là môi trường hiện nay vẫn tiếp tục bị suy thoái. Lý do của việc này xuất phát từ một thời gian dài chúng ta tập trung phát triển mạnh kinh tế nên đã gây ra những hậu quả nặng nề. Trong khi đó, việc đầu tư cho việc cải tạo vấn đề môi trường nhưng vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển và tốc độ phát sinh chất thải.
“Tôi cho rằng, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực môi trường, đặc biệt là công tác truyền thông, giáo dục quần chúng nhân dân cũng như doanh nghiệp trong việc có ý thức bảo vệ môi trường”, ông Phước cho hay.
Theo ông Phước, đơn giản nhất là xả rác ra đường, chúng ta có rất nhiều những chương trình, phát động phong trào không xả rác ra đường. Tuy nhiên, ngay ở trung tâm thành phố, bất cứ chỗ nào có đất trống lại thấy rác lộ thiên, Rồi rác xuống cống gây tắc, xuống sông gây ô nhiễm… Việc xử lý rác lúc này cũng phức tạp hơn so với việc được thu gom phân loại ngay từ ban đầu.
“Hiện nay, trên thế giới đã nhìn nhận rác không phải là đồ vứt đi mà là nguồn tài nguyên thứ cấp. Vậy vì sao, với chúng ta rác vẫn là nguồn gây ô nhiễm nặng nề?”, ông Phước đặt câu hỏi.

GS.TS Nguyễn Văn Phước đã được nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng cho những cống hiến, đóng góp của mình. Cụ thể, ông được nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2015; Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2012; Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2009; Bằng khen thủ tướng Chính Phủ năm 2005.

Với vai trò là Hội viên của Hội nước và Môi trường TPHCM trong hơn 20 năm, và Chủ tịch Hội từ năm 2016 đến nay, ông Phước đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và phát triển Hội. Tổ chức tập hợp được 159 hội viên cá nhân, 22 hội viên tập thể, 03 trung tâm KHCN và 01 phòng thuộc Hội.

Mai Loan

BẢN DESKTOP