Khoa học & Công nghệ

GS.TS.NGND Hà Học Trạc: Người thầy mẫu mực, nhà khoa học lỗi lạc

  • Tác giả : Đăng Khoa
(khoahocdoisong.vn) - GS.TS.NGND Hà Học Trạc là vị Chủ tịch lâu năm nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ông là nhà khoa học lỗi lạc, luôn đam mê, khát khao cháy bỏng đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống. Nhiều công trình lớn ghi dấu chân ông, trong đó không thể không kể đến công trình Nhà máy thủy điện Sơn La.
GS.TS.NGND Hà Học Trạc.

GS.TS.NGND Hà Học Trạc.

Người thầy mẫu mực

GS.TS.NGND Hà Học Trạc sinh ngày 12/10/1930 trong một gia đình nhà nho hiếu học và yêu nước tại xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở thiếu thời, ông đã nổi tiếng là một trong những học trò xuất sắc, nhiều năm liền được xếp đầu khóa và được nhận học bổng. Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Khoa Điện, Trường Đại học Triết Giang, Trung Quốc (1953 - 1957), ông về nhận công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ tháng 3/1957. Ông thuộc thế hệ cán bộ giảng dạy đầu tiên của trường và là một trong những người sáng lập Bộ môn Điện, tiền thân của Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày nay.

Năm 1961, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Năng lượng Matxcơva, Liên Xô (cũ) cho đến năm 1965 khi ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trở về nước, ông tiếp tục công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được cử làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Điện và được bầu làm Bí thư Liên Chi bộ Đảng của Khoa từ năm 1965 - 1977.

Tiếp theo đó, ông tham gia công tác lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, lúc đầu là Phó Hiệu trưởng và Thường vụ Đảng ủy (1977 - 1980), rồi về sau là Hiệu trưởng của nhà trường trong thời gian gần 10 năm (1980 - 1989). Năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư và năm 2000 được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Gần nửa thế kỷ làm công tác đào tạo ở bậc đại học, GS.TS.NGND Hà Học Trạc luôn luôn nêu cao tấm gương của một nhà giáo mẫu mực, tận tụy, đầy trách nhiệm và giàu tâm huyết với “sự nghiệp trồng người”. Ở những cương vị khác nhau, ông đã tích cực góp phần đào tạo lớp lớp kỹ sư, giảng viên, tiến sĩ, trong đó nhiều người trở thành những chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý đầu ngành với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện của nước nhà.

Với cương vị và trách nhiệm của người đứng đầu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời kỳ đầy khó khăn, thử thách đó, GS.TS.NGND Hà Học Trạc đã kiên định cùng tập thể Ban lãnh đạo nhà trường vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước để tìm lối ra, hướng đi lên bằng cách đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và lao động sản xuất, mở rộng quan hệ quốc tế. Với những giải pháp có tính đột phá đó, nhà trường đã mở rộng được quy mô đào tạo, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học-công nghệ, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, sinh viên, đồng thời tạo tiền đề cho nhà trường bước vào thời kỳ đổi mới.

Tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật, đẩy mạnh phong trào ứng dụng

Ngày 26/3/1983, tại khách sạn Bờ Hồ, Thủ đô Hà Nội, đã diễn ra Đại hội lần thứ Nhất Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). GS.TS Hà Học Trạc đã được các đại biểu tín nhiệm bầu vào Hội đồng Trung ương VUSTA và được phân công làm Trưởng ban Kiến thức và Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Trong những năm đầu “vạn sự khởi đầu nan”, GS.TS.NGND Hà Học Trạc, cùng với các cán bộ của VUSTA tập trung vào công tác củng cố và phát triển tổ chức; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Tại nhiệm kỳ II (1988 – 1993), dưới sự chỉ đạo của GS.TS.NGND Hà Học Trạc và Đoàn Chủ tịch, hoạt động của VUSTA hướng vào một số nội dung mới. Đó là việc bắt đầu tổ chức hai năm một lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng được khởi động và thực hiện những bước đi đầu tiên. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, GS.TS.NGND Hà Học Trạc đã góp phần cùng với Đoàn Chủ tịch củng cố khối đoàn kết, thống nhất của 34 hội thành viên trong đại gia đình VUSTA.

Nhiệm kỳ III (1993 – 1999) chứng kiến một bước mở rộng mới hoạt động của VUSTA. Sau khi trở thành đầu mối kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1994) và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1997), VUSTA có thêm những điều kiện thuận lợi cho các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án phát triển công nghệ, các hoạt động điều tra cơ bản về môi trường. Nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, Đoàn Chủ tịch VUSTA thành lập các tổ chức theo Nghị định 35-HĐBT ngày 27/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác quản lý khoa học và công nghệ (gọi tắt là các đơn vị 35). Trong các hoạt động này có công sức quan trọng của GS.TS.NGND Hà Học Trạc từ xác định chủ trương, hình thành tổ chức đến chỉ định nhân sự. Những đóng góp ngày càng có hiệu quả đã đặt cơ sở vững chắc cho vị trí, vai trò của VUSTA và thu hút được sự quan tâm, chú ý của các cơ quan Đảng, Chính phủ và toàn xã hội.

Ngày 24/12/1996, lần đầu tiên, VUSTA được ghi nhận trong một nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương. Đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 (khóa VIII) về định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Tiếp theo đó, ngày 11/11/1998, lần đầu tiên, Bộ Chính trị (khóa VIII) ra Chỉ thị số 45-CT/TW riêng về VUSTA, trong đó khẳng định: “Liên hiệp hội là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Là người đứng đầu hệ thống VUSTA, GS.TS.NGND Hà Học Trạc đã dày công kiên trì đóng góp tích cực cho sự ra đời của Chỉ thị quan trọng này, một văn kiện đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hoạt động của VUSTA sau này.

Công trình thủy điện Sơn La là một trong những dự án ghi dấu sự chỉ đạo của GS.TS.NGND Hà Học Trạc về công tác tư vấn và phản biện.

Công trình thủy điện Sơn La là một trong những dự án ghi dấu sự chỉ đạo của GS.TS.NGND Hà Học Trạc về công tác tư vấn và phản biện.

Ghi dấu ấn với Công trình thủy điện Sơn La

Trải qua quá trình hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy về hệ thống điện, GS.TS.NGND Hà Học Trạc đã tích lũy được vốn kiến thức uyên bác và những kinh nghiệm quý báu trên lĩnh vực khoa học – công nghệ quan trọng này, tạo điều kiện cho ông có cái nhìn nhạy bén và sâu sắc trong các vấn đề có liên quan đến các công trình năng lượng trọng yếu của đất nước.

Theo đề nghị của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong thời gian 6 tháng cuối năm 1992, GS.TS.NGND Hà Học Trạc đã chủ trì việc phản biện luận chứng kinh tế - kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Yaly trên sông Sê San (Gia Lai). Ý kiến phản biện của VUSTA đã được Hội đồng thẩm định nhà nước các dự án đầu tư chấp nhận. Đặc biệt quan trọng là những đóng góp về các vấn đề tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc ít người, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa ở các tỉnh Tây Nguyên… cho thấy tiềm năng đa dạng và tính liên ngành của VUSTA. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Sơn La trên sông Đà, GS.TS.NGND Hà Học Trạc đã chủ trì suốt 10 năm (1993 – 2003) công tác tư vấn và phản biện. Dưới sự chỉ đạo của GS.TS.NGND Hà Học Trạc, VUSTA đã tập hợp được ý kiến của hàng chục chuyên gia thuộc 7 hội thành viên đóng góp toàn diện cho các bộ hồ sơ dự án.

Đặc biệt là VUSTA đã cùng với một số cơ quan khác kiên trì phát biểu ý kiến về việc đầu tư xây dựng Công trình thủy điện Sơn La với quy mô thấp có mực nước dâng bình thường là 215m so với mặt nước biển. Với những đóng góp tích cực và có hiệu quả đó, đầu năm 2004, VUSTA được Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án xây dựng Công trình thủy điện Sơn La khen thưởng tại Quyết định số 04/QĐ-HĐTĐSL ngày 5/2/2004. GS.TS.NGND Hà Học Trạc còn chỉ đạo công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của VUSTA đối với hơn chục dự án khác.

Do phải gánh vác những trọng trách mới, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, GS.TS.NGND Hà Học Trạc không còn đảm đương cương vị Chủ tịch. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm lâu năm đã tích lũy và nghĩa tình sâu nặng với công việc và đồng nghiệp, GS.TS.NGND Hà Học Trạc tiếp tục tham gia Đoàn Chủ tịch trong hai khóa nữa. Trong ký ức của cán bộ, hội viên các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành viên của VUSTA, hình ảnh tận tụy, gần gũi, thân thương của GS.TS.NGND Hà Học Trạc sẽ không bao giờ mờ phai.

Đăng Khoa

BẢN DESKTOP