Bình luận

GS Nguyễn Minh Thuyết: Rất cần một cuộc “đại phẫu”… bệnh gian dối

Chúng ta đã nhiều lần “báo động” về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Nhưng giờ từ “báo động” không còn thích hợp nữa. Bệnh gian dối nghĩ một đằng nói một nẻo, nói một đằng làm một nẻo… đã ăn sâu vào tận gan ruột rồi. Rất cần một cuộc “đại phẫu” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ những suy nghĩ xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
tốt nghiệp THPT

GS Nguyễn Minh Thuyết trò chuyện với PV KH&ĐS. Ảnh Trần Hải.

Học lực kém còn bồi dưỡng cho khá được, chứ gian dối thì…

Vụ gian lận ở Hà Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia có thể coi là cú sốc lớn cho toàn xã hội. Là một nhà giáo dục lâu năm, ông có suy nghĩ gì?

Vụ gian lận thi cử này thêm một bằng chứng nặng cân về lối sống hai mặt đang lan tràn trong xã hội.

Chỉ trong có hai năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra không ít vụ việc rất điển hình: Người được giao nhiệm vụ làm giàu cho đất nước thì moi ruột ngân sách nhà nước, người được giao nhiệm vụ chống tội phạm lại là trùm tội phạm, người được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho dân bán thuốc giả cho dân.

Còn bây giờ, người được giao nhiệm vụ tổ chức thi  thì đánh tráo kết quả thi. Có thể nói là toàn những chuyện chưa từng có. Chúng ta đã nhiều lần “báo động” về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Nhưng bây giờ, từ “báo động” không còn thích hợp nữa. Bệnh gian dối, nghĩ một đằng nói một nẻo, nói một đằng làm một nẻo, làm một đằng tính tiền một néo… đã ăn sâu vào tận gan ruột rồi. Rất cần một cuộc “đại phẫu”, mà phải đại phẫu khẩn trương.

Việc mất phôi bài thi ở Sơn La, ông có đặt câu hỏi nghi ngờ không?

Gọi là mất phôi bài, nhưng theo tôi hiểu, đây là chuyện sửa bài thi gốc ngay trước khi đưa vào máy quét. 5 cán bộ có liên quan đã được nêu đích danh.

Nhưng từ vụ này, quay trở lại vụ Hà Giang, tôi thấy: Với số lượng 114 thí sinh, 300 bài thi được sửa, lớn hơn số lượng ở Sơn La nhiều, không thể chỉ có mình ông phó trưởng phòng khảo thí làm. Và có một điều trùng hợp ở cả hai vụ gian lận là trong các thí sinh được nâng điểm có rất nhiều con cháu lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, lãnh đạo ngành.

Có thể đặt câu hỏi: Những người làm việc gian thực hiện theo chỉ đạo hay họ tự ý “giúp” lãnh đạo để tâng công, “giúp” để làm lá chắn cho hành vi sai phạm của mình?

Những việc như vậy, sẽ để lại hậu quả như thế nào, thưa ông?

Cái hậu quả của gian lận thi cử rất rõ. Một là nó sẽ không đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao. Mà khi những người yếu kém này được giao trọng trách trong bộ máy quản lý nhà nước ở trung ương, hay ở địa phương, thì tác hại càng lớn.

Tác hại thứ hai là kết quả này làm sai lệch thông tin về giáo dục, do đó sẽ dẫn đến những quyết sách không đúng. Ví dụ, nếu dựa vào kết quả thi gian lận ở Hà Giang, chắc cơ quan hoạch định chính sách sẽ rất yên tâm về giáo dục ở tỉnh này.

Thậm chí, không khéo một vài nhà lý luận còn khái quát lên thành bài học: Một tỉnh vùng cao, kinh tế chưa phát triển, điều kiện sống còn khó khăn nhưng nếu có quyết tâm, có biện pháp đúng thì kết quả giáo dục còn cao hơn cả các đô thị lớn nhất nước. Như vậy, thì người dân Hà Giang sẽ là những người gánh chịu hậu quả đầu tiên.

Thứ ba là gian lận thi cử tác động xấu tới nhân cách của học sinh, kể cả các em được nâng điểm hay không được nâng điểm và các em không tham gia kỳ thi này. Làm hỏng nhân cách lớp trẻ là vô cùng tai hại. Học sinh kém còn bồi dưỡng cho khá được. Chứ còn gian dối thì khó uốn nắn lắm.

Nhưng tác hại lớn nhất của các vụ gian dối thi cử là làm mất niềm tin của người dân. Không chỉ mất niềm tin vào thi cử, giáo dục mà còn mất niềm tin vào những điều lớn hơn.

Hiện nay, tình trạng gian dối quá phổ biến, bất chấp tất cả đạo đức, luật pháp. Đây là hệ quả của nền văn hóa, đạo đức xuống cấp nói chung. Người ta không còn có liêm sỉ, không sợ nữa. Trong bối cảnh này thì những vụ việc như Hà Giang là một hệ quả, trước sau gì cũng xảy ra.

Thực ra, trước đây vẫn có, nhưng “nhờ” Hà Giang lần này tham quá nên thấy được hết vấn đề quá to. Đây là dịp để xã hội cần có những điều chỉnh, và trước hết, pháp luật phải thực sự nghiêm minh, làm đến cùng trong vụ việc này và tất cả các vụ việc gian lận, phạm pháp khác.

Cần cụ thể trách nhiệm Bộ, Bộ trưởng 

Có hai luồng ý kiến tranh luận, một, cho rằng, các em học sinh đã đủ tuổi để nhận thức, các em cũng có lỗi khi im lặng trước hành vi gian lận này. Hai, cho rằng, các em không có lỗi, cũng chỉ là nạn nhân. Ý kiến của ông thế nào?

Nếu nói một cách thận trọng, thì có thể có hai trường hợp: một là các em không biết việc làm gian dối của bố mẹ; hai là các em biết và phụ họa. Rõ ràng ở trường hợp đầu thì thông cảm được. Còn ở trường hợp sau thì khó mà thông cảm. Vì chính các em cũng là thiếu trung thực, vi phạm quy chế thi.

Tức là không thể nói các em hoàn toàn không có lỗi?

Đúng thế. Mà nhất là các em học kém, làm bài kém lại đạt điểm cao, các em cũng phải tự đặt câu hỏi xem mình có xứng đáng hay không.

Kết quả chênh lệch 1 – 2 điểm so với dự đoán, thì còn có thể nghĩ là các em tự chấm mình quá nghiêm khắc. Nhưng lệch từ 1 lên tới 9 điểm thì không thể nào không đặt câu hỏi. Nên nói các em hoàn toàn không có lỗi là không phải.

Nhiều bức xúc, câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong việc để xảy ra gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia này, ý kiến của ông thế nào?

Ngay trong buổi họp báo đầu tiên công bố sai phạm ở Hà Giang, ông Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo thi đã nhận trách nhiệm.

Điều đó là đúng. Vì tỉnh là nơi chịu trách nhiệm tổ chức thi. Tỉnh cũng là nơi tuyển dụng, bổ nhiệm, trả lương cho toàn bộ cán bộ của mình, cắt đặt những người như ông trưởng phòng khảo thí, ông phó trưởng phòng khảo thí vào vị trí quan trọng trong kì thi.

Tôi có đọc bài trả lời phỏng vấn báo chí của ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Nói thật là tôi không đồng tình với “văn hóa đùn đẩy trách nhiệm” của ông.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước trung ương về giáo dục, lại là cơ quan đứng ra tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong cả nước thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm.

Nhưng vấn đề là trách nhiệm đến đâu, cụ thể thế nào. Ví dụ, nếu Bộ ra đề thi sai, ra quy chế thi có nhiều kẽ hở cho những người gian lợi dụng, thiếu giám sát, không xử lý kịp thời… thì đó là trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng.

Ba “hiến kế” cho Bộ GD&ĐT

Kỳ thi “hai trong một”, gộp giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và thi đại học này được cho là có quá nhiều bất cập. Quan điểm của ông thế nào?

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ nhập hai kỳ thi làm một và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT muốn duy trì đến năm 2020 cho đến khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai tới cấp THPT. Thay đổi nhiều thì dân lại kêu.

Nhưng, theo tôi, trước những sự việc vừa xảy ra, dư luận cần ủng hộ những thay đổi nhất định. Có thể có ba phương án thay đổi.

Ba phương án đó là gì, thưa ông?

Khả thi nhất trong hoàn cảnh hiện tại là trở lại phương án giao cho các trường đại học tổ chức thi, các địa phương phối hợp. Nhưng cố gắng bảo đảm có nhiều địa điểm thi hơn để thí sinh đỡ phải di chuyển xa. Cũng nên có những quy định linh hoạt.

Ví dụ thực tế có trường hợp xã của tỉnh A nhưng gần tỉnh B hơn, thì có thể cho phép thí sinh thi ở tỉnh B cũng được. Điều đó vẫn phù hợp với chủ trương nhập hai kỳ thi làm một và giữ ổn định tới năm 2020 của Bộ.

Phương án thứ hai là tách kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh đại học. Thi tốt nghiệp tiếp tục giao cho các địa phương tổ chức, nhưng phải rà soát quy chế để bịt những “lỗ rò”, “lỗ rỉ”. Việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường đại học thì giao cho các trường quyết định.

Còn phương án thực hiện từ năm 2020 là giao cho trường THPTxét, cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh của mình. Các trường cấp bằng tốt nghiệp dựa trên kết quả đánh giá toàn bộ quá trình học tập của học sinh.

Đỗ, trượt, điểm cao,điểm thấp sẽ không phụ thuộc vào một kỳ thi nữa. Việc tuyển sinh của mỗi trường đại học giao cho trường tự quyết định: có thể xét tuyển hoặc thi tuyển; khi thi tuyển thì có thể tổ chức một kỳ thi riêng hoặc liên kết với một số trường khác tổ chức thi, sử dụng kết quả chung.

Giao cho trường xét, cấp bằng tốt nghiệp THPT thì có sợ căn bệnh thành tích không, thưa ông?

Tôi không ngại điều này. Bởi vì kết quả công nhận tốt nghiệp THPT của trường còn được kiểm chứng bằng kỳ tuyển sinh đại học.

Nếu tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh trường “anh” cao ngất ngưởng mà không đỗ được vào các trường đại học danh tiếng thì chứng tỏ điểm không chính xác. Và tỷ lệ cao mấy cũng vô nghĩa.

Tôi tin là ban giám hiệu và thầy cô ở các trường cũng không thể vì thành tích mà nương nhẹ. Vì nếu xuê xoa, nương nhẹ cho một khóa thì học sinh khóa sau sẽ không chịu học, không thể duy trì được kỷ luật nhà trường.

Đồng thời với việc xét tốt nghiệp THPT, Bộ cũng cần cho phép các trung tâm kiểm định tiến hành khảo sát trên diện rộng. Nếu điểm tốt nghiệp THPT của học sinh trường “anh” cao, mà khi khảo sát lại thấp, thì sẽ lòi ra căn bệnh thành tích ngay.

Đối với các trường đại học, dần dần các trường sẽ phải coi chất lượng đầu ra, khả năng tìm việc làm của sinh viên là lẽ sống của trường.

Từ chỗ sẵn sàng vào bất kỳ ngành nào, trường nào, bây giờ thanh niên đã biết chọn lựa, thà trượt một năm ở nhà học lại, thi lại hoặc đi học nghề, chứ không chịu mất tiền, mất thời gian để học những chương trình đại học không có triển vọng.

Các đơn vị sử dụng lao động cũng ngày càng thể hiện rõ sự chọn lựa của mình đối với cử nhân từ các nguồn đào tạo khác nhau.

Nói tóm lại, xã hội sẽ giải bài toán mà khuôn gọn trong giải pháp hành chính không giải được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP