Vấn đề - Sự kiện

GS Nguyễn Lân Dũng: Bố mẹ nói tục, chửi bậy… sao dạy được con?

  • Tác giả : Mai Loan
GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng khẳng định, tình yêu thương, sự gương mẫu của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và ý chí của con cái. Bố mẹ nghiện bia rượu, nói tục, chửi bậy, lười nhác thì làm sao dạy được con?

Chưa bao giờ thấy bố mẹ nặng lời với nhau

GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng sinh năm 1938 tại Huế trong gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ông là giáo sư Sinh học, Nhà giáo Nhân dân Việt Nam. Ông từng giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và là Đại biểu Quốc hội các khóa X,XI,XII.

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng và người bạn đời, PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu.

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng và người bạn đời, PGS. TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu.

Trò chuyện với PV Khoa học & Đời sống, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, sự gương mẫu của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Tấm gương của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành và phát triển của các con sau này.

“Điều quan trọng nhất là sự đoàn kết, ấm cúng trong từng gia đình và sự gương mẫu của ông bà cha mẹ. Tám anh chị em chúng tôi sở dĩ có những thành công nhất định trong học tập và khoa học trước hết là tấm gương của bố mẹ chúng tôi”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, cha của ông, NGND Nguyễn Lân vinh dự được Bác Hồ tặng bằng khen và một bộ quần áo lụa. Nhưng ít ai biết rằng, cha ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng bạc điền của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Cha ông dược học hành là nhờ sự cưu mang của một người anh họ. Vậy mà ngay khi đang học phổ thông ông đã được in cuốn tiểu thuyết “Cậu bé nhà quê”. Theo nhà văn Nguyễn Khải, đó là một trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, in cùng năm với tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách.

Mẹ ông, ngược lại sinh ra trong một gia đình giàu có. Ông ngoại ông đã được Bác Hồ mời tham gia Ban lãnh đạo Tuần Lễ vàng năm 1945. Còn vợ của ông, PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 là con gái của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.

“Trong suốt cuộc đời, dù trải qua những cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, chúng tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ hai bên tỏ ra buồn phiền, có một câu nặng lời với nhau. Bố mẹ luôn tìm mọi cách đảm bảo cho sức khỏe và sự học hành của tám đứa con và các cháu nội ngoại của mình.

Mặt khác, anh em chúng tôi may mắn được học tập từ sau chiến thắng biên giới tại Khu học xá Trung ương với những thầy giáo giỏi giang và đức độ. Đó là các thầy Hoàng Tụy, Hoàng Như Mai, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, Dương Trọng Bái…

Những ảnh hưởng đó giúp chúng tôi cố gắng vươn lên để có được 7 tiến sĩ, 3 giáo sư và 3 phó giáo sư, 2 NGND, 1 ĐBQH, 1 AHLĐ. Đến lượt chúng tôi, noi gương bố mẹ, cũng luôn quan tâm tạo điều kiện cho con cháu về học hành và sức khỏe nên thế hệ thứ hai đã có 3 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 2 GĐBV, 1 đại tá QĐ, ngay thế hệ thứ ba đã có cháu đỗ vào Đại học Harvard”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng.

GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng.

Tình yêu, sự gương mẫu của bố mẹ ảnh hưởng lớn tới con cái

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, điều quan trọng trong giáo dục truyền thống không chỉ là chăm lo sức khỏe và điều kiện học hành mà còn là ý thức tu dưỡng về đạo đức, lòng yêu nước, ý thức đoàn kết, khiêm tốn, vượt khó, giúp đỡ người nghèo… Muốn vậy cần phải làm gương cho con cháu.

“Bố mẹ nghiện bia rượu, thuốc lá, hay nói tục, chửi bậy, lười nhác thì làm sao dạy bảo được con cái?”, GS Nguyễn Lân Dũng nói và khẳng định, tình yêu thương, sự gương mẫu của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và ý chí của con cái.

Dẫn câu nói của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay, muốn con trưởng thành, cha mẹ cần quan tâm đầy đủ đến điều kiện học hành của con cái.

Chẳng hạn, việc có một tủ sách gia đình cũng có tác động đến ý thức ham đọc sách, ham hiểu biết của con cái. Trẻ em phải được đọc sách từ sớm, không phải chỉ để hình thành thói quen, kỹ năng mà còn mở mang kiến thức. Mà để có được điều này, trước hết, người lớn phải chịu đọc. Nếu cha mẹ không chịu mua, đọc sách làm sao con cái ham đọc được?

Nếu có điều kiện cố gắng cho con cháu học thêm một lớp ngoại ngữ. Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cần khuyến khích con cái tiếp cận với ngoại ngữ và công nghệ thông tin, tạo điều kiện để các cháu có máy tính nối mạng và nếu có điều kiện giúp các cháu sử dụng hợp lý ChatGPT- có nghĩa là nâng cao hiểu biết, gợi ý trí tuệ chứ không phải là làm hộ bài vở. Sự đầu tư hiện tại góp phần quan trọng trong việc xác định tương lai của con cháu. Khó khăn về tài chính đến mấy cũng càn đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho con cháu, đảm bảo chỗ học và sách vở cho con cháu.

Luôn theo dõi và động viên kịp thời những thành tích học tập và phấn đấu của con cháu, khuyến khích con cháu tham gia các hoạt động đoàn, đội và các hoạt động xã hội như vệ sinh đường phố, chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ, giúp đỡ người nghèo khó…

Đánh mắng con là hạ sách

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, sự trưởng thành và đức hạnh của con cháu chính là hạnh phúc của gia đình, của dòng họ. Những khuyết điểm, lệch lạc của con cháu phải là nỗi quan tâm sâu sắc của bố mẹ, ông bà.

Trong giáo dục con cái, cùng với sự gương mẫu, yêu thương, cha mẹ cần phải nghiêm khắc. Tuy nhiên, cần văn minh, với tinh thần yêu thương, tuyệt đối không phải là đánh mắng.

“Trong gia đình chúng tôi chưa thấy bố mẹ đánh con lần nào và đến lượt chúng tôi cũng vậy. Cần coi đánh mắng là hạ sách và phản tác dụng. Ngược lại, cần động viên và khen thưởng kịp thời trước những cố gắng, những thành tích dù nhỏ của con, cháu. Động viên bằng lời khen, bằng quà tặng chứ nhất thiết không nên là tiền bạc”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Một phương pháp nữa trong giáo dục con, theo GS Nguyễn Lân Dũng là cần quan tâm, yêu thương bạn bè của con. Điều này, có tác dụng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ.

Theo đó, cha mẹ cần coi những bạn thân của con như những người thân của chính mình. Không được bỏ các cuộc họp theo yêu cầu của nhà trường và có thái độ thân thiện trong hội phụ huynh học sinh. Nên có quan hệ với bố mẹ của những bạn thân nhất của con mình. Có được những bữa ăn chung của vài gia đình phụ huynh càng tốt.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, gia đình là nơi con người Việt Nam tìm thấy sự ấm áp, an toàn và yêu thương. Tình cảm gia đình đậm đà giúp họ có sự tự tin, sự ủng hộ tinh thần để đối mặt với khó khăn trong học tập và vượt qua thử thách trong cuộc sống. Gia đình và dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền dạy bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Sự tự hào về nguồn gốc và danh dự gia đình giúp con người Việt Nam khắc phục khó khăn, tìm kiếm ước mơ và thành công trong học tập.

Mai Loan

BẢN DESKTOP