Sống xanh

GS Đặng Huy Huỳnh: Nỗ lực xứng đáng trí thức KH&CN tiêu biểu

  • Tác giả : Mai Loan
Đánh giá việc tôn vinh trí thức KH&CN có ý nghĩa vô cùng lớn lao, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, bản thân ông nỗ lực cố gắng cống hiến để xứng đáng với danh hiệu đã được trao.
Ngày 28/8. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã long trọng tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu năm 2024. Đây là lần thứ 5, Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức lễ vinh danh với 135 trí thức tiêu biểu được lựa chọn.
Số trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh qua 5 lần là 452 người, trong đó: Năm 2015: 116 trí thức; Năm 2017: 118 trí thức; Năm 2019: 112 trí thức; Năm 2022: 106 trí thức. Năm 2024 sẽ có 135 trí thức được tôn vinh.
Sự ghi nhận thúc đẩy tinh thần cống hiến
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá, việc tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu có ý nghĩa vô cùng lớn.
“Liên hiệp Hội Việt Nam là ngôi nhà chung của các trí thức khoa học và công nghệ từ Nam tới Bắc, cả các trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Đóng góp của các nhà khoa học trải rộng ở khắp các lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội… Việc lựa chọn các trí thức KH&CN tiêu biểu để vinh danh là sự ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, không chỉ trong nghiên cứu, mà còn ở lối sống, nhân cách”, GS Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
GS Dang Huy Huynh: No luc xung dang tri thuc KH&CN tieu bieu
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ảnh: Mai Loan.
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, việc được vinh danh trí thức KH&CN tiêu biểu sẽ động viên các nhà khoa học phải nỗ lực, cố gắng giữ đạo đức trong sáng của một người làm khoa họ. Đó là nghiêm túc, sáng tạo, kiên trì, chịu khó đóng góp sức mình vào phong trào chung của xã hội, thúc đẩy khoa học và công nghệ đất nước phát triển.
Sự tôn vinh này cũng lan tỏa được ý nghĩa của việc được vinh danh trong xã hội, để xã hội thấy được những đóng góp của những trí thức, nhà khoa học, họ đã vượt qua nhiều khó khăn để đóng góp sức mình cho sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế, xã hội của đất nước.
“Bản thân tôi cũng từng được tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu, tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để giữ gìn danh hiệu, xứng đáng với sự vinh danh của Liên hiệp hội Việt Nam”, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh bày tỏ.
Nhà khoa học giữ cây di sản như giữ tâm hồn mình
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh sinh năm 1933 tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Hưng, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nghèo.
Năm 1947, khi chuẩn bị lên cấp 2, thì ông nghe lời hiệu triệu của Bác Hồ: "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Thế là ông tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ. Lúc đó, ông mới 14 tuổi. Tưởng rằng, đi một thời gian ngắn thì về, nhưng ông không ngờ, cuộc chia tay ấy kéo dài tới tận năm 1975, và có những lúc ông nghĩ mình sẽ không còn có thể trở về được nữa.
Năm 1949, GS Đặng Huy Huỳnh vào học trường Thiếu sinh quân. Một lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, hỏi cả lớp có ai muốn sang Lào đánh giặc. Ông đăng ký xin đi, và rồi là một trong hai người được chọn vào quân tình nguyện viên sang Lào.
Chính những năm tháng sống, gắn bó với rừng như vậy đã khiến GS Đặng Huy Huỳnh có một tình yêu tha thiết, sâu nặng với rừng. “Với tôi, rừng chính là ân nhân. Đơn vị của tôi, đồng đội hy sinh nhiều lắm, tôi không bao giờ còn sống để trở về nước. Khi trở về, cứ nghĩ đó là may mắn, hạnh phúc rất lớn thì phải làm gì đó để cảm ơn rừng, cảm ơn đồng đội, những người đã ngã xuống”, GS Đặng Huy Huỳnh xúc động.
Nung nấu với suy nghĩ phải tri ân rừng, năm 1956, GS Đặng Huy Huỳnh được cử ra Hà Nội học trường Bổ túc văn hóa công nông, sau đó, ông đã quyết định thi vào Khoa Sinh vật, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961, ông ra trường, được giữ lại giảng dạy ở Khoa. Tiếp đó, ông công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước.
GS Đặng Huy Huỳnh cho hay, điều khiến ông hạnh phúc vì đã chọn được đúng nghề mình thích, mình yêu, thực hiện được điều ông trăn trở, đó là bảo vệ rừng, bảo vệ cây, đặc biệt là cây di sản.
Đến nay, ông đã góp phần bảo vệ được hơn 6.000 cây di sản, trong đó, cây cao tuổi nhất là 2.500 năm tuổi ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì, Phú Thọ). Hoặc quần thể cây duối Đường Lâm (Hà Nội), có những cây 1.400 năm tuổi. Hoặc cây đa ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), cây này đã suýt bị phá đi, nhưng khi giữ lại được thì thành điểm du lịch rất tốt.
“Vì sao người xa quê hương, vẫn nhớ cây đa, cây gạo, cây thị… ở làng mình, làm cho mỗi người không quên được quê hương, bà con, chòm xóm?… Đó chính là giá trị tinh thần, kết nối tâm linh của cây di sản. Nó khiến người ta yêu làng, yêu quê hương, và từ tình yêu nhỏ ấy sẽ lớn mạnh thành tình yêu đất nước. Khi đất nước lâm nguy sẽ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước của mình.
Cho nên, phải giữ bằng được cây di sản. Phải xã hội hóa, khuyến khích, làm cho mỗi người dân đều muốn giữ lấy cây như giữ làng của mình, tâm hồn mình”, GS Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh 2 lần được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh – Giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về khoa học công nghệ như: Tập ATLAS quốc gia (năm 2005); Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (năm 2010) và Giải thưởng Môi trường Việt Nam (năm 2009).

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh được giao phó nhiều chức vụ quan trọng như: Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam); Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam; Ủy viên Thường vụ BCH Hội các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; thành viên nhóm cứu vớt các loài sống sót (SSC) quốc tế.

Ngày 8/8/2017, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN.

Mai Loan

BẢN DESKTOP