Y học và đời sống

Glôcôm có tính di truyền

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Glôcôm là nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng, cuối cùng dẫn đến tình trạng mất thị lực không hồi phục.

Hỏi: Thời trẻ một lần đi làm về, gội đầu, tắm rửa xong mẹ tôi thấy nửa đầu đau nhức, hốc mắt đau, buồn nôn nên tưởng bị cảm và lên giường nằm. Hôm sau đi khám không ngờ thị giác của mẹ tôi suy giảm đột ngột và không nhìn thấy. Mẹ tôi chữa chạy nhiều nơi và không cứu vãn được đôi mắt. Gần đây tôi cũng thấy đau ở hốc mắt, anh họ tôi nói, có thể tôi bị glôcôm do di truyền, xin hỏi đây là bệnh gì? Nếu mắc bệnh này tôi phải làm thế nào?

Trần Thị Lành (Hà Giang)

BS. Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư cho biết, glôcôm là nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng, cuối cùng dẫn đến tình trạng mất thị lực không hồi phục. Glôcôm thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, khi người bệnh đang gội đầu, cúi đọc sách, sau những sang chấn tinh thần. Biểu hiện của bệnh glôcôm là mắt đau đột ngột, nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, người bệnh thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Khi có những triệu chứng như trên, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời. Bệnh glôcôm là một cấp cứu nhãn khoa. Khi phát hiện mắc bệnh glôcôm cần được điều trị ngay bằng thuốc tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp theo chỉ định, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa. Bệnh glôcôm có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh sớm và đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP