Dữ liệu y khoa

Glôcôm có thể phòng tránh cho người Việt Nam

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - BSCKII Trang Thanh Nghiệp, Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt TPHCM khuyến cáo, theo một điều tra, Việt Nam có 13.160 người mù do bệnh glôcôm và là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ 4 trong nước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai thế giới. Vào năm 2020, số người trong độ tuổi từ 40 - 80 bị glôcôm trên thế giới vào khoảng 79,6 triệu, được dự đoán tăng lên 111,8 triệu vào 2040.

Trong đó bệnh nhân glôcôm người châu Á chiếm 47%. Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh glôcôm không biết có bệnh và không đi khám; còn ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%.

Tầm nhìn bị tổn thương do glôcôm (bên trái) và bình thường (bên phải).

Tầm nhìn bị tổn thương do glôcôm (bên trái) và bình thường (bên phải). 

“Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glôcôm. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh glôcôm thường gia tăng theo tuổi: Nhóm trên 40 tuổi tỷ lệ mắc bệnh là 1/200; nhóm trên 80 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh là 1/8. Nguy cơ mắc tăng gấp 10 lần nếu gia đình có người bị bệnh. Ngoài ra, nhóm yếu tố nguy cơ cao gồm người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid, cận thị nặng, viễn thị, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt…”, BSCKII Trang Thanh Nghiệp, Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt TPHCM khuyến cáo.

Các triệu chứng của glôcôm thường hay bị bỏ qua bao gồm nhức đầu, giảm thị lực từ từ, mờ mắt thoáng qua, cảm giác nặng mắt khi làm việc hoặc nhìn mờ như sương mù, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn đèn…

Theo các bác sĩ, người mắc glôcôm giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, glôcôm có thể khiến người bệnh mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua một ống nhòm và cuối cùng dẫn tới mất toàn bộ thị lực.

Khám và tầm soát glôcôm tại Bệnh viện Mắt TPHCM.

Khám và tầm soát glôcôm tại Bệnh viện Mắt TPHCM.

Phát hiện và điều trị glôcôm sớm nhất để làm chậm sự phát triển của bệnh, hạn chế khả năng mù lòa. Tùy theo chỉ định bác sĩ nhãn khoa, các phương pháp điều trị glôcôm bao gồm: thuốc, laser hay phẫu thuật. Bệnh nhân glôcôm phải tuân thủ tái khám, theo dõi, điều trị suốt đời.

Vì vậy, trước 40 tuổi cần đi khám mắt định kỳ mỗi 2 - 4 năm một lần, từ 40 - 60 tuổi cần đi khám mỗi 2 - 3 năm và 1 - 2 năm đối với người trên 60 tuổi.

An Quý

BẢN DESKTOP