Dữ liệu y khoa

Giun móc ký sinh trong đường ruột nguy hiểm như thế nào?

  • Tác giả : Thanh Phúc
Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa điều trị cho một bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng do giun móc ký sinh trong đường ruột kèm theo nhiều bệnh lý xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, xơ gan, suy tim.

Bệnh nhân Đ.V.C (60 tuổi, trú tại thị xã Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện tình trạng ăn kém, mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, bụng chướng trong nhiều tháng, đi ngoài phân đen khoảng 1 tuần nay.

Các chỉ số xét nghiệm cho thấy tình trạng thiếu máu rất nặng như Hồng cầu 0,67 T/L, Hb 17 g/L, siêu âm có hình ảnh xơ gan, dịch tự do ổ bụng, dịch khoang màng phổi hai bên, Xquang có hình ảnh tim to, dày tổ chức kẽ phổi hai bên. Kết quả nội soi dạ dày kiểm tra phát hiện có ổ loét khoảng 10mm ở hang vị dạ dày và nhiều giun móc ký sinh trong hành tá tràng, tá tràng.

Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ hội chẩn kết luận tình trạng thiếu máu rất nặng do xuất huyết dạ dày và nhiễm giun móc trên nền bệnh nhân xơ gan cổ trướng, suy tim, viêm phổi.

Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa điều trị cho một bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng do giun móc ký sinh trong đường ruột.

Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa điều trị cho một bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng do giun móc ký sinh trong đường ruột.

Bệnh nhân được điều trị bù dịch, điện giải, truyền khối hồng cầu, cầm máu, tẩy giun và điều trị bệnh lý nền tích cực tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy. Hiện tại sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngoan, Phó Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Ấu trùng giun móc có thể trực tiếp xâm nhập, ký sinh trong cơ thể người qua da, niêm mạc khi tiếp xúc với đất bẩn bị nhiễm ấu trùng giun hoặc qua đường ăn uống khi ăn thức ăn, nước uống có nhiễm ấu trùng giun. Giun móc thường ký sinh tại tá tràng và bám vào niêm mạc ruột để hút máu, giun móc hút khoảng 0,2 - 0,34 ml máu mỗi ngày, đồng thời tiết ra chất chống đông máu làm vết thương tại chỗ giun hút máu chảy máu rỉ rả, ức chế cơ quan tạo máu sinh hồng cầu nên số lượng hồng cầu giảm dần và kích thước nhỏ hơn bình thường, tình trạng thiếu máu thường xảy ra từ từ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, người bệnh nhiễm giun móc còn có thể bị viêm loét dạ dày, tá tràng”.

Theo bác sỹ, đối với trường hợp bệnh nhân Đ.V.C bị nhiễm giun móc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu máu kéo dài khiến sức khỏe bệnh nhân suy giảm, tăng mức độ nặng của những bệnh nền sẵn có như suy tim, xơ gan cổ trướng nên việc điều trị rất phức tạp do phải điều trị phối hợp nhiều bệnh lý. Nếu không được điều trị kịp thời, hiệu quả, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng nặng đe dọa sức khỏe.

Nhiễm giun móc là căn bệnh phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là các nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Người nhiễm giun móc thường có dấu hiệu lâm sàng như da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng thượng vị, chán ăn, khó tiêu. Khi ấu trùng giun móc xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1-2 ngày.

Để phòng tránh nhiễm giun móc, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân phải giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống, thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh nhà ở và không gian sinh hoạt sạch sẽ.

Ngoài ra, mang đồ bảo hộ lao động khi lao động sản xuất có tiếp xúc với đất, không dùng phân tươi để bón ruộng vườn.

Đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lý giun sán, tẩy giun định kỳ 2 lần/năm với các thuốc tẩy giun phổ biến như Albendazole hay Mebendazole, thời gian giữa 2 lần cách nhau 4-6 tháng.

Thanh Phúc

BẢN DESKTOP