Dữ liệu y khoa

Giun dài 60cm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã gắp được 5 con giun dài từ 30 – 60cm từ các ổ áp xe trên chân, tay của bệnh nhân. Đây là loài giun gây nhiễm trùng khớp cổ chân và khớp gối gây biến dạng khớp, tàn phế... lần đầu phát hiện ở Việt Nam.

Quá nhiều giun gắp được 5 con

Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã tiến hành phẫu thuật gắp giun và điều trị triệt để cho nam thanh niên 23 tuổi đến từ Yên Bái. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị ở Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư từ ngày 12/5 do phát hiện có giun ở chân. Trong khi điều trị, bệnh nhân có ổ áp xe nên được chuyển sang Khoa Ngoại sản để xử lý.

BS Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại sản cho biết, các khối áp xe ban đầu xuất hiện ở chân, dần lan lên cánh tay, khi mở ổ áp xe, soi dưới thiết bị thì thấy có ấu trùng. Vì có quá nhiều giun nên bệnh nhân được cho uống thuốc để giun trưởng thành tự bộc lộ.

Lần đầu tiên phẫu thuật, bác sĩ gắp ra một con giun dài khoảng 60cm. Sau đó, bác sĩ gắp được 2 con giun dài khoảng 30cm ở bắp tay bệnh nhân. Đến nay, đã gắp được 5 con giun trưởng thành. Qua điều tra tiền sử dịch tễ, các bác sĩ phát hiện khi ở nơi sinh sống, bệnh nhân hay ăn cua, cá sống. Ban đầu khi thấy đau nhức ở chân, anh này chỉ nghĩ rằng mình bị sán.

Kết quả phân tích cho thấy, loại giun được gắp ra từ cơ thể người bệnh có tên là Dracunculus medinensis. Đến thời điểm hiện tại, loại giun này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa từng xuất hiện ở Việt Nam mà chỉ gặp ở Châu Phi và một số nước khác.

Căn nguyên gây tàn tật lớn

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, giun Dracunculus medinensis chỉ xuất hiện ở người, thường trú ngụ dưới da, tổ chức mô đệm và là căn nguyên gây tàn tật lớn. Người nhiễm bệnh khi uống nước có các vật chủ trung gian truyền bệnh - các động vật giáp xác cyclops (động vật chân đốt, bọ chét nước). Trong dạ dày, các ấu trùng thoát khỏi động vật giáp xác và trưởng thành trong tổ chức liên kết dưới da. Sau khi giao phối, giun đực chết và giun cái trưởng thành (60 - 80cm x 1,7 - 2,0mm) di chuyển đến bề mặt của cơ thể, đầu của giun vươn tới lớp biểu bì và tạo ra mụn nước; mụn bị vỡ khi tiếp xúc với nước.

Trong 2 - 3 tuần, mỗi khi vết loét này tiếp xúc với nước, ống sinh dục của giun lại thải ra một số lượng lớn ấu trùng; các ấu trùng này lại được động vật chân đốt ăn vào. Phần lớn giun trưởng thành dần dần chui ra ngoài; một số chui sâu vào và một số khác chết trong tổ chức, phân rã và có thể gây ra phản ứng viêm nặng. Nhiễm giun không kích thích sản sinh miễn dịch bảo vệ.

Loài giun này lưu hành và gây bệnh nhiều ở tiểu lục địa Ấn Độ; Tây và Trung Phi. Từ khi Tổ chức y tế thế giới bắt đầu chương trình thanh toán bệnh này, số người mắc bệnh đã giảm 97%, từ trên 3 triệu người xuống còn 100.000. Gần như tất cả các ca bệnh còn lại là từ Châu Phi, trong đó 75% từ Sudan. 

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, thời kỳ ủ bệnh của giun Dracunculus kéo dài 9 - 14 tháng. Giun có thể ở một hay nhiều chỗ. Vài giờ trước khi đầu giun xuất hiện trên bề mặt da, tại điểm giun ra thường có các dấu hiệu như đỏ da tại chỗ, cảm giác rát, ngứa, và nhạy cảm đau. Biểu hiện dị ứng toàn thân có thể xuất hiện trong 24 giờ (ngứa, sốt, buồn nôn và nôn, khó thở, phù quanh hốc mắt, và nổi mẩn ngoài da). Sau khi nốt phỏng vỡ, vùng da xung quanh vết loét thường trở nên rần, đỏ và nề. Do phần lớn các tổn thương xuất hiện ở cẳng chân hoặc bàn chân, bệnh nhân thường không đi lại và làm việc được trong vài ngày đến vài tháng. Các vết loét không nhiễm trùng khỏi trong 4 - 6 tuần.

Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân thường được điều trị bằng thuốc giun Metronidazol và thiabendazol để làm giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian bị bệnh (thúc đẩy quá trình tự chui ra của giun hoặc hỗ trợ việc kéo giun bằng tay hay phẫu thuật lấy giun....). Các thuốc này có tác dụng chống viêm nhưng không tiêu diệt giun trưởng thành hoặc ấu trùng.

GS.TS Nguyễn Văn Đề khuyến cáo, bệnh nhân bị nhiễm giun Dracunculus cần phải được kiểm soát nhiễm trùng tốt, nhất là khi giun chui ra hoặc kéo giun ra gây đứt đoạn... Bởi nhiễm trùng thứ phát, kể cả uốn ván, rất hay gặp. Các áp xe lạnh, sâu có thể xuất hiện tại chỗ giun chết, không ra ngoài. Nhiễm trùng khớp cổ chân và khớp gối là các biến chứng thường gặp, gây biến dạng khớp. Hơn nữa, việc nhiễm trùng thứ phát phát hầu như luôn xảy ra, dẫn đến viêm mô mềm, áp xe hóa, hoặc nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại giường, nâng cao chi bị bệnh, cần rửa vết loét, kiểm soát nhiễm trùng thứ phát bằng kháng sinh tại chỗ và thay băng hai lần một ngày. 

Thay vết mổ cho bệnh nhân bị nhiễm giun Dracunculus tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Thay vết mổ cho bệnh nhân bị nhiễm giun Dracunculus tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Để chủ động phòng bệnh, BS Trần Thượng Việt khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, không nên ăn những thực phẩm sống hay chưa được chế biến kỹ lưỡng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP