Dữ liệu y khoa

Giữ ấm tránh bệnh cho trẻ khi trời lạnh

  • Tác giả : BS Trần Thu Nguyệt
(khoahocdoisong.vn) - Miền Bắc đang đón đợt không khí lạnh mạnh trong những ngày nghỉ Tết dương lịch. Đây là nguy cơ khiến trẻ dễ mắc bệnh nên các bậc cha mẹ cần biết cách để giữ ấm cho con.

Về mùa đông trẻ thường bị cảm lạnh hay mắc các bệnh về đường hô hấp (viêm họng, mũi xoang, phế quản, phổi...), tiêu chảy, tay chân miệng... Vì vậy, cần phải rất chú ý, phòng tránh bệnh cho trẻ bằng cách giữ ấm, để trẻ trong môi trường ổn định (phòng ấm, kín gió), vệ sinh sạch sẽ (rửa tay xà phòng, vệ sinh phòng ở, phòng học, đồ dùng, đồ chơi...), tiêm phòng đầy đủ, ăn uống hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, vận động ăn uống đầy đủ và không tự ý dùng thuốc.

Khi nhiệt độ dưới 10 độ C, không nên đưa trẻ ra ngoài, hãy giữ trẻ chơi trong nhà, với chế độ dinh dưỡng giàu năng lượng cho mùa đông.

Nếu bạn định cho trẻ đi chơi xa hoặc về quê, trước tiên hãy lưu ý thực hiện Thông điệp 5K để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện việc giữ ấm cho trẻ như sau:

Hai bàn chân: Hai bàn chân là nơi có rất nhiều mạch máu, do vậy, khi chân bị lạnh thì cơ thể trẻ cũng sẽ bị lạnh rất nhanh chóng. Trong mùa đông, nếu trẻ đi trên nền đất, cần cho trẻ đi tất hoặc đi giày dép để giữ ấm bàn chân. Khi đi ngủ, cũng nên đi tất mỏng để giữ ấm bàn chân, giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Hai bàn tay: Là bộ phận hoạt động nhiều nhất trong cơ thể. Tay bé bị buốt lạnh sẽ ảnh hưởng đến khớp, da tay và ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường. Cần dạy trẻ chà xát tay để thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm khi hoạt động bên ngoài và nhớ đeo bao tay.

Đầu: Phần đầu luôn là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, nhất là với trẻ nhỏ, chỉ cần phần đầu bị lạnh, bé sẽ dễ bị cảm cúm, chảy nước mũi, đau đầu, đau răng... Nên cho bé đội mũ thường xuyên khi khi trời lạnh. Nhưng nếu bé cảm thấy nóng và toát mồ hôi, cũng không nên bỏ ngay mũ ra mà hãy đưa bé tới nơi ấm áp và cởi mũ để tránh cảm lạnh bất ngờ.

Mũi: Khi hít phải khí khô, lạnh, bé sẽ dễ bị sổ mũi, nghẹt mũi, cảm cúm. Mũi quá khô kéo theo dịch trong mũi ít, mao mạch dễ bị vỡ gây nên chảy máu mũi hoặc chức năng của mũi giảm, dẫn đến nhiều vi khuẩn lọt vào trong phổi khiến việc hô hấp trở nên khó khăn. Khi trời lạnh, nên chú ý giữ ấm cho mũi và thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Lưu ý phải đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài, nhất là vào những ngày thời tiết hanh khô để giữ độ ẩm trong mũi.

Cổ và ngực: Phần cổ có dây thanh quản, yết hầu, phần ngực là nơi có phổi – cơ quan hô hấp chính, nên bạn nhất định phải bảo vệ cổ và ngực của trẻ khỏi những cơn gió rét bằng khăn ấm, áo len cao cổ… Cổ và ngực nhiễm lạnh trẻ sẽ bị ho, viêm họng, viêm phế quản thời gian kéo dài mà không chữa trị được sẽ trở nên ho mạn tính, viêm phổi, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Bụng: Khi bụng bé bị nhiễm lạnh, nhu động ruột sẽ tăng lên gây ra đau bụng, đi ngoài. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của bé dẫn đến sức đề kháng giảm và bé sẽ dễ bị mắc nhiều bệnh truyền nhiễm hơn. Để tránh điều này, các cha mẹ nên mua loại quần có phần cạp phía trước cao và dài bản hơn, ở phía sau có thể may chun và có khóa kéo. Nhớ để ý khi bé ngủ tránh trường hợp con có thói quen đạp chăn ra. Trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi (loại chăn riêng có phéc-mơ-tuya để bảo vệ bụng không bị nhiễm lạnh) và đi tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh...

BS Trần Thu Nguyệt (Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế)

BS Trần Thu Nguyệt

BẢN DESKTOP