Bình luận

Giỏi để sống đàng hoàng, tử tế

Chúng ta luôn mong con cái học giỏi để sau này thành đạt, có cuộc sống đầy đủ hạnh phúc, đóng góp nhiều cho xã hội… Nhưng còn có một điều quan trọng hơn rất nhiều, đó là giỏi để có thể sống đàng hoàng, tử tế, để không phải luồn cúi, xin xỏ…

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc, nguyên thầy giáo dạy toán Trường THPT Thăng Long, Hà Nội.

Học cho bản thân mình

người dạy toán lâu năm, ông có nhận xét gì về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhất là khi môn toán lần đầu tiên thi trắc nghiệm?

Tôi rất hoan nghênh cách thi trắc nghiệm. Nó giúp cho học sinh không bị bắt phải làm theo mẫu, được sáng tạo, thoát khỏi cách học như trước đây, là chỉ biết nghe mà không biết phản biện. Tôi biết có trường hợp thầy cô giáo không cho điểm với những bài ra kết quả đúng nhưng cách làm không giống cách làm của mình. Sao lại như thế được?

Nguyên tắc của giáo dục là phải tôn trọng cái riêng và phát huy nó lên chứ không phải đánh đồng ngang bằng tất cả. Cái quan trọng nhất mà ta cần dạy cho học sinh là sự nhạy bén, biết quan sát, biết chọn lọc… Những kỹ năng đó khi ra đời rất cần. Với thi trắc nghiệm, sẽ đảm bảo được phần nào những tiêu chí đó.

Nhưng thi trắc nghiệm liệu có phản ánh đúng lực học của học sinh không hay lại là may hơn khôn?

Thực ra việc này còn phụ thuộc vào cách ra đề nữa. Đề hay sẽ phân loại được học sinh. Hơn nữa phải xác định lại mục đích học, học để làm gì? Để đối phó với kỳ thi hay là để có kiến thức thực sự?

Theo ông thì học để làm gì?

Tôi vẫn dạy học sinh, học là học cho bản thân mình chứ không phải cho thầy cô hay cho bố mẹ. Thế nên phải tự giác mà học. Làm bài kiểm tra có thế nào thì làm thế đấy, không được gian lận hay quay cóp vì trong học tập gian lận là ăn cắp, là nhục nhất.

Thời tôi đang dạy phổ thông cách đây hai chục năm, khi kiểm tra tôi thường cho các em làm rồi tự chấm theo đáp án được hướng dẫn tỉ mỉ, sau đó đọc điểm để tôi vào sổ. Nhưng cuối giờ tôi đọc tên khoảng chục em mang bài lên tôi kiểm tra lại.

Nếu bài chỉ đáng được 5 điểm mà tự chấm thành 7 thì sẽ bị trừ đi số điểm tính sai, tức là chỉ còn 3 điểm, vì như thế là gian dối. Thậm chí chấm thấp hơn cũng bị trừ điểm, vì đó là khiêm tốn rởm, là vô trách nhiệm với chính thành quả của mình. Mà như thế sau này còn làm nên trò trống gì?

Guồng vận động của thế giới hiện nay là gấp gáp. Nhưng đang có một xu hướng muốn quay về với lối sống chậm, tĩnh tâm lại để ngẫm xem cái gì là quan trọng với mình, cái gì nên và không nên làm. Chỉ có lắng nghe bản thân, ta mới biết mình thực sự cần gì, biết khả năng của mình đến đâu.

Giáo dục cứ như là cái bị

Học thực chất thì như thế, nhưng bây giờ nhiều thầy cô thường hay nương nhẹ cho điểm cao. Học sinh giỏi nhiều, nhưng đến lúc thi thật thì mới vỡ mộng. Người ta gọi đó là những sản phẩm rởm của giáo dục?

Tất nhiên, đâu đó vẫn có những chuyện đáng buồn như thế. Khi xã hội không có những chuẩn mực ổn định, sẽ vẫn có những kẻ đục nước béo cò. Vẫn có chuyện ép học sinh đi học thêm, rồi lộ đề thi, bán điểm, bán bằng cấp….

Nhưng nhiều lúc tôi thấy giáo dục cứ như là cái bị để người ta dồn hết cả vào. Đừng đổ hết tội cho giáo dục, cả ông giáo, cả học trò, cả phụ huynh cũng đều là nạn nhân mà thôi.

Tại sao tất cả đều là nạn nhân thế, thưa ông?

Bởi vì giáo dục bây giờ rất khó. Ở nhà bố mẹ nào chả dạy con phải thật thà, dũng cảm… nhưng ra ngoài xã hội có làm được như thế không?

Tôi dạy học trò phải trung thực. Vẫn biết như thế khi ra đời sẽ khó khăn đấy, nhưng vẫn phải dạy, không thể dạy khác được. Chỉ có điều mình phải chỉ cho các em thấy rằng, với những cái mình thấy sai mà không làm gì được, không nói được thì có thể im lặng, chứ tuyệt đối không được nói trái với lương tâm, không a dua với những điều xấu.

Phải làm cho học sinh tin rằng, cái thiện sẽ thắng cái ác. Vì vậy, cứ yên tâm mà học cho giỏi, làm gì cũng cố gắng hết năng lực của mình. Bởi bao giờ cũng thế, để phát triển được, xã hội cần phải có những người giỏi. Đó là quy luật tự nhiên.

Ông nói đó là quy luật tự nhiên, nhưng tôi thấy dường như vẫn có những tiêu chí khác để đánh giá, tuyển chọn?

Đã là quy luật tức là buộc anh phải đi theo nó thì mới phát triển được. Còn nếu do chưa nhìn thấy hay vì lý do nào đó mà anh đi sai, chắc chắn sẽ không phát triển được và cuối cùng vẫn phải quay về con đường đó.

Người giỏi xã hội nào cũng cần, thời nào cũng cần. Một đất nước không coi trọng người giỏi thì khó mà phát triển được.Thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức, phải giỏi mới làm được việc, chứ nếu không chỉ làm nô lệ cho kẻ khác sai khiến…

Mỗi người nên ở đúng vị trí của mình

Người giỏi nhiều khi lại rất khó sống?

Nếu anh giỏi thực sự về chuyên môn thì sẽ được mọi người nể phục. Làm gì anh cũng đàng hoàng, tử tế, không phải luồn cúi, chạy chọt, nơm nớp lo giữ chỗ, dùng chiêu nọ trò kia để lên chức.

Thực tế đã cho tôi thấy điều đó đấy. Học trò của tôi có những người học giỏi, điểm cao đi nước ngoài học, có phải chạy chọt gì đâu. Có em vào học trường Đại học Y khoa, ai cũng bảo là liều vì ra trường lấy tiền đâu mà xin việc. Nhưng em đó học giỏi, tiếng Anh tốt, tin học tốt, học xong được giữ lại trường, rất nhiều cơ hội đi nước ngoài… Không hề phải xin xỏ chạy chọt gì cả.

Cũng có một thực tế nữa là, một số người chuyên môn không giỏi nhưng lại dễ dàng thành công hơn?

Khái niệm giỏi cũng rất rộng. Có người chỉ học giỏi nhưng chưa chắc ra đời đã làm giỏi. Để thành công,ngoài giỏi chuyên môn, còn cần rất nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, diễn thuyết, phản biện, làm việc theo nhóm… chưa kể phải có cả sự may mắn nữa.

Tôi biết một gia đình có hai con trai, anh lớn là kỹ sư. Cậu thứ hai học xong lớp 12 thì không thi vào đại học vì cứ nhìn gương anh, cả hai vợ chồng tốt nghiệp đại học có hai con nhỏ mà sống rất chật vật. Thế là cậu đi học pha chế đồ uống. Giờ rất thành đạt… Vấn đề là phải biết mình thích hợp cái gì, mà phấn đấu và phát triển.

Còn với những người giỏi chạy chọt, giỏi luồn lách, như thế có được coi là giỏi không ạ?

 Đó cũng là giỏi đấy. Nhưng chúng ta đã nói tới sự đàng hoàng và tử tế. Mà sống trên đời quan trọng nhất là đàng hoàng, tử tế. Mỗi người nên ở đúng vị trí của mình, mình xứng đáng ở đâu thì nên ở chỗ ấy sẽ hay hơn nhiều là cố leo lên vị trí quá sức mình. Vì trèo cao thì ngã đau.

Cái gì thực là của mình thì mới bền lâu, chứ kể cả bằng cấp, chức tước không phải của mình, giống như mình mượn cái áo của người khác quá rộng, sẽ rơi lúc nào không biết. Hạnh phúc nhất trong đời là ở đúng chỗ của mình, làm việc gì vừa sức mình, để mỗi ngày mình đều cảm thấy hài lòng, sung sướng chứ không phải nơm nớp lo sợ.

Vấn đề là làm sao biết được sức mình. Nếu tôi cứ nghĩ tôi giỏi, tôi xứng đáng được như thế này thế kia?

Chết là ở chỗ không đánh giá được sức mình. Tôi lấy ví dụ trong giáo dục. Nếu ta cố xin cho đứa con học lực bình thường vào một lớp chọn thì sẽ rất khổ cho nó. Vì ở đó chương trình học nặng hơn, tốc độ học nhanh hơn rất nhiều, nó không thể nào theo được, nó sẽ thấy mình lẻ loi, sẽ tụt hậu.

Đã có trường hợp có cháu bị trầm cảm vì bị đẩy vào môi trường học quá căng thẳng, quá sức của nó. Vì vậy làm việc gì cũng phải lắng nghe xem sức mình đến đâu. Hiểu được mình, biết lắng nghe chính bản thân mình, là cả một nghệ thuật đấy.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh

(thực hiện)

BẢN DESKTOP