Vấn đề - Sự kiện

Giấy chứng nhận gia đình văn hóa

Sự tôn vinh gia đình văn hóa nếu xứng đáng sẽ có giá trị khích lệ. Nhưng nếu chỉ làm vì hình thức thì nó chẳng đem lại lợi ích cho ai.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/gia-dinh-van-hoa-300x229.jpg

Hình minh họa.

Cứ đến cuối năm, hầu như nhà nào cũng được bác tổ trưởng dân phố phát cho cái giấy chứng nhận gia đình văn hóa. Chắc chỉ có nhà nào có người nghiện hút, phải đi tù… thì mới không được nhận.

Có những khu tôi còn thấy trước mỗi ngôi nhà đều được gắn một tấm biển bằng inox ghi là gia đình văn hóa…

Trước đó mỗi nhà đã được phát một tờ tự chấm điểm gia đình văn hóa. Không hiểu là cả nước phải tốn bao nhiêu tiền để in tờ chấm điểm, giấy chứng nhận và làm biển kiểu này, chỉ biết là chẳng ai coi nó ra gì cả. Vì nhận từ bác tổ trưởng rồi bỏ đâu quên mất. Cái gì đã thành đại trà rồi, nhà nào cũng có rồi thì còn gì quý nữa mà treo lên.

Nói chung là chả ai quan tâm. Đơn giản là phong trào thế thôi. Nhưng nguy hiểm ở chỗ nếu cứ làm kiểu đánh đồng như thế vừa tốn kém, không hiệu quả, không những không có tác dụng gì mà thậm chí khiến cho nhiều người nghi ngờ: cả nước có tới hơn 85% gia đình văn hóa như thế thì tại sao lại nói văn hóa xuống cấp?

Tôi cứ vứt rác bừa bãi đấy, nhưng nhà tôi vẫn có chứng nhận gia đình văn hóa, ai làm gì được?

Người ta vẫn có thể tự hão huyền về một sự đánh giá mà mình hoàn toàn không xứng đáng. Nói vậy thôi, chứ ai thế nào thì những người xung quanh đều biết và bản thân họ cũng tự biết mình có sống tốt hay không, gia đình có văn hóa hay không.

Vừa rồi tôi có tới thăm một gia đình rất hay. Trong nhà không thấy treo giấy chứng nhận, ngoài cửa cũng không có biển gia đình văn hóa. Nhưng từ ông cụ  năm nay đã 91 tuổi, bà cụ cũng đã 85 đến các cháu chắt đều rất ý thức về truyền thống gia đình. Đó là sự yêu thương, gắn bó, quan tâm đến nhau. Có những nề nếp vẫn được giữ gìn, đó là bữa cơm ngày chủ nhật quây quần mọi thành viên trong đại gia đình. Không ai được vắng mặt và không ai muốn bị vắng mặt vì đó là lúc mọi người sum vầy trong tình yêu thương.

Và có một cái gì đó lớn lao hơn khiến con người ta thấy mình thuộc về một nơi chốn, một dòng tộc, một cội nguồn thiêng liêng mà mình có trách nhiệm phải giữ gìn, phải nối tiếp. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều những thứ hình thức kia.

Sự tôn vinh nếu xứng đáng sẽ có giá trị khích lệ. Nhưng nếu chỉ làm vì hình thức thì nó chẳng đem lại lợi ích cho ai.

Minh Anh

BẢN DESKTOP