Giáo dục

Giáo viên phát ngôn về sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều: Bộ “không cấm” nhưng... “đố dám”

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định Bộ không có bất cứ chỉ đạo nào về việc cấm giáo viên phát ngôn về sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1, Cánh Diều. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho biết, họ đã không dám lên tiếng do bị ngăn cản từ các lãnh đạo nhà trường.

Bộ rất mong nhận được ý kiến góp ý từ giáo viên

Tại buổi giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương vào chiều 20/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ có báo cáo các nội dung liên quan đến việc biên soạn, thẩm định, phát hành, giảng dạy SGK lớp 1.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trước phản ứng gay gắt của dư luận, ngày 15/10, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhóm chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1, Cánh Diều chỉnh sửa một số nội dung được phản ánh.

Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến việc lấy ý kiến giáo viên về bộ sách Cánh Diều, ông Độ cho biết, khi tiếp cận các nhóm giáo viên trực tiếp dạy bộ Cánh Diều, nhất là giáo viên dạy môn Tiếng Việt 1, hầu hết đều cho rằng đây là một bộ sách hay, bám sát chương trình và không có ý kiến gì như dư luận phản ánh.

Nhiều ý kiến cho biết, nhiều bài Tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều trúc trắc, khó đọc, nội dung ngô nghê. Những bài tập đọc này nằm ở phần đầu sách, và học sinh đã học qua.

Nhiều ý kiến cho biết, nhiều bài Tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều trúc trắc, khó đọc, nội dung ngô nghê. Những bài tập đọc này nằm ở phần đầu sách, và học sinh đã học qua.

 

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn có yêu cầu điều chỉnh trước phản ánh của dư luận, là do những phần mà dư luận có ý kiến thì chưa dạy tới.

Đối với việc phát ngôn của giáo viên, Bộ không có bất cứ chỉ đạo nào về việc cấm giáo viên phát ngôn về SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều. Ngược lại, Bộ GD&ĐT rất mong nhận được ý kiến góp ý của người trực tiếp giảng dạy.

“Bộ GD&ĐT biết thông tin về SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều hơi chậm so với phản ánh của báo chí vì trước đó Bộ có đi kiểm tra, dự giờ một loạt địa phương, và thấy không giáo viên nào có ý kiến gì về bất cập trong chương trình hay SGK”, Thứ trưởng Độ cho biết.

Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Theo đó, giáo viên được quyền chủ động trong xây dựng bài học nên biết SGK là tài liệu quan trọng nhưng không phải dạy theo hoàn toàn SGK.

Những ngữ liệu nào trong SGK mà giáo viên thấy không phù hợp với học sinh thì có thể thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn. Có những bài phải thay đổi nằm ở cuối SGK nên đến thời điểm này giáo viên cũng chưa chạm đến nên không ảnh hưởng quá nhiều.

Giáo viên không dám lên tiếng vì lãnh đạo trường nhắc nhở

Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho biết, dù Bộ GD&ĐT không cấm giáo viên lên tiếng nhận xét về SGK, nhưng mỗi trường lại có những quy định khác nhau. Riêng đối với trường cô, năm nay ngay từ đầu năm, trong cuộc họp, các giáo viên đã được quán triệt: Tất cả mọi phát ngôn chỉ có hiệu trưởng mới được phép. Do đó, giáo viên tuân thủ, không dám phát ngôn trái với quy định.

Một nhóm giáo viên khác cho biết, khi họ chia sẻ những bài viết liên quan đến nhận định của các chuyên gia, các nhà giáo dục… về sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều, dù chỉ vào nhóm kín của trường, lập tức nhận được lời nhắc nhở từ phía lãnh đạo nhà trường.

Theo vị lãnh đạo này, giáo viên không nên chia sẻ những bài viết như vậy, vì hiện tại cần làm yên tâm giáo viên và phụ huynh, bởi vì chính trường đã lựa chọn bộ sách này. Nếu có gì chưa phù hợp thì Bộ sẽ có hướng dẫn điều chỉnh.

Hơn nữa, đó cũng chỉ là quan điểm của một vài người về bộ sách. Giáo viên nên lắng nghe chia sẻ của người biên soạn nói về cuốn sách để có cái nhìn toàn diện hơn.

“Tôi không hiểu sao lãnh đạo nhà trường mà lại có thể ngăn cản giáo viên đưa ra chính kiến của mình về SGK như vậy. Nếu những ý kiến đó trôi nổi trên mạng, không ai kiểm soát thì không nói làm gì. Nhưng đằng này là ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn… Họ chỉ ra rất nhiều lỗi sai, mà có thể giáo viên tiểu học cũng không nhận ra được, thì phải xem xét, thảo luận. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp, trong đó có giáo viên. Vậy mà chúng tôi vẫn bị ngăn cản”, một giáo viên bức xúc.

Cũng theo giáo viên này, vào sáng hôm sau, Hiệu trưởng của Trường tiếp tục có chỉ đạo giáo viên không được đưa ra những phát ngôn gây hoang mang về sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều.

Từ thực tế đó, câu hỏi đặt ra là, vậy những ý kiến của giáo viên về sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều mà theo Bộ GD&ĐT là tích cực liệu đã đầy đủ, khách quan hay chưa? Ngay trong nhóm kín, trong trường, giáo viên đã không dám nêu ý kiến, thì khi tiếp cận với các lãnh đạo Bộ GD&ĐT, họ có dám nói thật suy nghĩ của mình về sách hay không?

Nếu coi ý kiến của giáo viên rất quan trọng trong việc triển khai SGK mới, Bộ GD&ĐT cần phải có những giải pháp để lắng nghe được phản ánh chân thực từ phía giáo viên. Ví dụ, có hình thức xử lý thích đáng đối với những lãnh đạo ngăn cản giáo viên đưa ra quan điểm của mình. Có như vậy, mới có được những góp ý, phản biện, thay vì chỉ nghe những lời khen một chiều.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Chỉ đạo các Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ học sinh căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Bộ cũng đã chỉ đạo nhà xuất bản phát hành SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều in thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung và phát hành miễn phí cho học sinh và các trường đang sử dụng SGK này.
Mai Loan

BẢN DESKTOP