Thời sự

Giáo sư Nguyễn Ngọc Minh nặng lòng với rơm rạ…

  • Tác giả : Mai Loan
“Vào mùa gặt, ở nhiều vùng ven đô, bà con nông dân đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, làm khói bụi bay vào thành phố, gây ô nhiễm môi trường”, GS Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ. Những nghiên cứu của anh mong giúp cuộc sống người nông dân đỡ vất vả hơn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững và nhiều triển vọng.

“Trả rơm rạ lại cho đồng ruộng”

Là giảng viên chuyên về nghiên cứu cơ bản, GS Nguyễn Ngọc Minh lại hướng nhiều hơn đến các giá trị thực tiễn phục vụ cộng đồng và trực tiếp đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.

Một số nghiên cứu nổi bật có thể kể đến của anh như nghiên cứu sản xuất than sinh học, viên nén nhiên liệu từ sinh khối cây guột (đã đăng ký sở hữu trí tuệ); nghiên cứu chế tạo vật liệu xử lý nước thải từ các nguồn sinh khối phụ phẩm nông nghiệp (công trình được trao giải Green Champions năm 2018).

GS Nguyễn Ngọc Minh.

GS Nguyễn Ngọc Minh.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu về sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ đã được trao giải Tạ Quang Bửu năm 2016.

Vì sao một nhà khoa học lại nặng lòng với rơm rạ, với bà con nông dân như vậy? GS Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ, vào mùa gặt, ở nhiều vùng ven đô, bà con nông dân đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, làm khói bụi bay vào thành phố, gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, rơm rạ lại là một nguồn tài nguyên quý. Rơm rạ tích lũy lượng lớn chất dinh dưỡng, nhất là kali, do đó, việc trả rơm rạ lại cho đồng ruộng có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì năng suất cây lúa. Việc đốt rơm rạ theo cách của bà con vừa làm lãng phí nguồn tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Khi đang làm nghiên cứu sinh tại Đức vào năm 2011, khi trao đổi niềm đau đáu “trả rơm rạ lại cho đồng ruộng” với GS hướng dẫn người Đức, GS Minh đã được người thầy của mình gợi ý theo đuổi đề tài.

Nghiên cứu của GS Nguyễn Ngọc Minh và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng, cây lúa có nhu cầu rất lớn về kali trong quá trình sinh trưởng. Lượng kali này cùng nhiều chất dinh dưỡng quan trọng vẫn còn lại một lượng rất lớn nằm lại ở rơm rạ sau khi cây lúa được thu hoạch.

GS Nguyễn Ngọc Minh (thứ 2 từ trái qua) cùng các nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2022 được nhận hoa chúc mừng từ Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

GS Nguyễn Ngọc Minh (thứ 2 từ trái qua) cùng các nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2022 được nhận hoa chúc mừng từ Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

Nếu rơm rạ được trả lại đồng ruộng, sẽ không khác nào trả lại cho đất được một “kho dự trữ” các chất dinh dưỡng quý cung cấp cho cây trồng, cải thiện độ phì của hàng triệu ha đất nông nghiệp trên cả nước.

Từ việc xác định thành phần và cấu trúc rơm rạ, nghiên cứu của GS Minh cũng đánh giá khả năng tách chiết và tái sử dụng kali từ rơm rạ cho cây trồng, gợi ý cho doanh nghiệp về khả năng tách chiết kali từ rơm rạ để sản xuất loại phân bón mà ta đang phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra lời cảnh báo với người nông dân về việc nếu lấy rơm rạ sử dụng cho mục đích khác. Bởi lợi ích từ việc người dân thu được từ bán rơm rạ có thể nhỏ hơn rất nhiều so với thiệt hại khi mất đi chất dinh dưỡng từ rơm rạ khi trả lại cho đất. Khi đó, người nông dân sẽ phải sử dụng tăng cường phân bón để có thể duy trì năng suất.

Tiếp tục niềm trăn trở với môi trường, đồng ruộng, GS Nguyễn Ngọc Minh cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về độc tố asen trong lúa gạo. Năm 2020, công trình này đã được công bố trên tạp chí Land Degradation & Development - một trong những tạp chí uy tín nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

“Kiệm lời” về bản thân…

Gặt hái nhiều thành công, GS Minh luôn cho rằng, những việc mình làm còn quá nhỏ bé và rất ngại bị “nói quá” về mình.

Mọi chia sẻ của GS Nguyễn Ngọc Minh về công việc của mình hầu như đều hướng về môi trường, đất đai, đặc biệt là bà con nông dân.

Tự nhận là một người làm khoa học tuy còn ít kinh nghiệm, GS Minh cho biết: “Nghiên cứu của tôi sẽ không có gì khác ngoài việc hướng đến những tìm tòi, khám phá giúp ích cho người dân cải thiện cuộc sống, xây dựng một môi trường sống trong lành hơn, một nền nông nghiệp bền vững và nhiều triển vọng hơn”.

Lý do chọn ngành Môi trường đất của GS Minh chính là giúp những người làm nông nghiệp đỡ vất vả hơn.

“Kiệm lời” về những gì mình đã đạt được, nhưng GS Nguyễn Ngọc Minh lại đặc biệt hào hứng chia sẻ niềm vui trước những thành công của học trò, về nhóm nghiên cứu do anh khởi xướng SoilTechLab.

Trong suốt quá trình hoạt động, từ năm 2008, ngay khi GS Minh tu nghiệp trở về nước, nhóm đã có nhiều công bố quốc tế, và mục tiêu, theo GS Minh, sẽ trở thành “trạm trung chuyển” cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Mới đây, khi một học trò đến được nước Đức để học tập, thầy Minh đã có dòng chia sẻ xúc động trên trang cá nhân: “Thật tuyệt vời có ngày cô học trò nhỏ bước đi trên con đường thầy đã từng đi, được làm việc với những người thầy của thầy”...

GS Nguyễn Ngọc Minh cùng học trò, TS Nguyễn Thị Nga trong chuyến thực địa nghiên cứu về cây guột.

GS Nguyễn Ngọc Minh cùng học trò, TS Nguyễn Thị Nga trong chuyến thực địa nghiên cứu về cây guột.

Chia sẻ về người thầy hướng dẫn, đã giúp “Dự án chế tạo Than hoạt tính hiệu năng cao từ cây guột ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm” đoạt giải Nhì chung kết cuộc thi Khởi nghiệp vì môi trường của Đại Sứ quán Mỹ vào tháng 8/2018, TS Mai Thị Nga cho biết, nếu không có sự hỗ trợ, đặc biệt của thầy Minh, chị không thể làm được.

“GS Nguyễn Ngọc Minh là người đã đồng hành cùng tôi từ lúc hình thành ý tưởng nghiên cứu về cây guột cho tới những công việc sau này. Người hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và giúp chị bước ra khỏi "vùng an toàn" của chính mình”, TS Nga xúc động chia sẻ.

TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết, sắp tới sẽ cùng cộng sự sẽ tập trung vào các nghiên cứu hướng đến “kinh tế tuần hoàn” (ví dụ: phân chậm tan thông minh) góp phần giải quyết các vấn đề về rác thải/phụ phẩm nông nghiệp, tận thu năng lượng – dinh dưỡng, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất, nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn.

GS Nguyễn Ngọc Minh hiện là Trưởng bộ môn Môi trường đất, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo quyết định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, GS Nguyễn Ngọc Minh là một trong 3 người trẻ nhất đạt tiêu chuẩn Giáo sư trong đợt xét năm 2022.

Mai Loan

BẢN DESKTOP