Trong nước

Giáo dục và đào tạo là động lực phát triển đất nước

  • Tác giả : Mai Loan
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết, giáo dục và đào tạo cùng khoa học, công nghệ được xác định là động lực then chốt phát triển đất nước.

Sáng 12/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Hội thảo nhằm triển khai Kế hoạch số 244-KH/BTGTW ngày 17/1/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết. Đây là sự kiện thứ hai do VUSTA tổ chức phục vụ nội dung rất quan trọng này, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, thông tin.

Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo đất nước có nhiều bước phát triển nhưng vẫn còn những việc phải tiếp tục bàn, thảo luận, đưa ra giải pháp hữu hiệu để giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đủ đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ, giai đoạn mới.

Đề nghị xây dựng 2 trường Đại học Sư phạm trọng điểm

TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cho rằng, một vấn đề rất quan trọng là Nhà nước chưa ưu tiên đầu tư cho trường Đại học Sư phạm và trường Sư phạm Kỹ thuật trọng điểm.

Hiện nay, cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, có 15 trường Đại học sư phạm; 48 trường Đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường Cao đẳng sư phạm; 19 Cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm.

Các cơ sở đào tạo phân bố dài trải ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước. Như vậy, các trường sư phạm đã, đang thay đổi về mô hình: Thuần túy đào tạo sư phạm và chuyển đổi theo xu hướng đa ngành.

Vấn đề là Bộ GD&ĐT cần đánh giá những mô hình trên như thế nào? Các trường chủ yếu đào tạo giáo viên, đã có đổi mới như thế nào? Các trường đào tạo giáo viên theo mô hình đa ngành thì nghiệp vụ sư phạm được thực hiện tốt chưa?

"Sự phát triển này chưa được định hướng rõ ràng và theo quy hoạch có tính tổng thể. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục thấp", ông Vỳ nêu quan điểm.

TS Nghiêm Đình Vỳ đề nghị tiếp tục cải cách lại hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới trường và các khoa sư phạm.

Xây dựng Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP HCM thực sự là trường trọng điểm theo chủ trương đã định từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI.

Hai trường này phải xứng đáng với vị trí hàng đầu của toàn hệ thống sư phạm, giữ vai trò định hướng và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho những cơ sở đào tạo giáo viên trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức nghiên cứu khoa học.

Các trường Đại học sư phạm trọng điểm hướng tới chủ yếu là đào tạo sau đại học và trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, nhất là khoa học giáo dục.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Viết Vượng, Đại học Sư phạm Hà Nội, nói rằng, nên có các trường Đại học sư phạm trọng điểm quốc gia đào tạo giáo viên chất lượng cao và sau đại học. Cùng đó, cần có các trường Đại học sư phạm vùng trung tâm cho một số tỉnh nhỏ lân cận và các trường Đại học sư phạm địa phương để đào tạo giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.

Hiện nay, đủ điều kiện để đào tạo giáo viên mầm non có trình độ đại học, cũng nên có chương trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học để dạy các môn tích hợp.

"Xóa bỏ vĩnh viễn tình trạng dạy hộ, dạy thay, dạy chéo môn, cũng như lấy giáo viên trung học phổ thông để dạy ở trường trung học cơ sở vì không cùng đối tượng", ông Vượng nêu ý kiến.

Cũng theo PGS.TS Phạm Viết Vượng, trình độ và chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường Đại học sư phạm là điểm xuất phát cho chất lượng giáo dục của cả hệ thống, có tính bền vững, lâu dài. Vì vậy, Nhà nước phải đầu tư xứng đáng cho những cơ sở đào tạo giáo viên.

Phải đảm bảo lương giáo viên đủ sống

GS.TSKH Nguyễn Cương, nguyên Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, cho hay, giải pháp tiên quyết để phát triển đội ngũ giáo viên nước ta là thu hút người giỏi, giỏi nhất, vào sư phạm để đào tạo thành giáo viên giỏi… Điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bảo đảm đầu ra có việc làm. Đặc biệt, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện sớm chủ trương xếp lương giáo viên vào bậc cao của hệ lương sự nghiệp; nghiên cứu việc phục hồi phụ cấp thâm niên.

“Chế độ đãi ngộ phải bảo đảm giáo viên đủ sống ở mức trung bình khá trong tương quan xã hội sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề giáo dục. Trong lúc hạn hẹp về tiền, hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số một”, ông Cương nhấn mạnh.

Liên quan chế độ đãi ngộ của giáo viên, trong phần chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục, cho hay, chế độ, lương bổng của giáo viên không được quan tâm đúng mức.

"Đồng lương của giáo viên không đủ nuôi sống bản thân chứ chưa nói đến con cái, gia đình", ông Trượng nói và cho biết, đó cũng chính là lý do khiến tình trạng bỏ nghề, chạy nghề diễn ra phổ biến. Ông đề nghị, cần có cơ chế, chính sách tiền lương, những phụ cấp ưu đãi tối thiểu, đảm bảo cho giáo viên có được điều kiện tối thiểu để sống và dạy học. Động viên, khuyến khích nhà giáo và cán bộ quản lý không chỉ bằng tinh thần, mà cả vật chất...

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, cho biết, sẽ tổng hợp báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, báo cáo Trung ương trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 29.

Mai Loan

BẢN DESKTOP