Giáo dục

Giáo dục giới tính: Nặng về kiến thức hơn dạy kỹ năng sống

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc giáo dục giới tính cũng giống như tình trạng chung của giáo dục hiện nay, đã nặng về kiến thức hơn dạy kỹ năng.

Giáo dục giới tính chưa được chú trọng

Việc một loạt các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, nữ sinh mang thai… gần đây đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc giáo dục giới tính, các kỹ năng sống trong nhà trường phổ thông hiện nay dường như chưa được chú trọng. Quan điểm của ông thế nào?

Thực ra trong chương trình giáo dục phổ thông của ta thì giáo dục giới tính có được đưa vào tích hợp giảng dạy ở một số môn học ở các lớp, cấp học khác nhau.

Tuy nhiên, từ thực tế những vụ việc xâm hại tình dục mà các em không đủ kỹ năng phòng tránh thì thấy việc giáo dục giới tính cũng giống như tình trạng chung của giáo dục ở ta hiện nay, là nặng về kiến thức hơn là dạy kỹ năng, nặng dạy chữ hơn dạy người.

Điều đó khiến chương trình học vừa nặng nề mà các kỹ năng cần thiết để các em phát triển toàn diện chưa được chú ý đúng mức.

Vậy theo ông, chúng ta cần phải thay đổi như thế nào?

Từ thực tế đó, đặt ra trong chương trình Giáo dục phổ thông mới, các nhà giáo dục, các nhà trường cần quan tâm tới việc giáo dục kỹ năng nhiều hơn nữa. Đặc biệt là các kỹ năng thiết yếu trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ tính mạng trong điều kiện thực tế.

Không chỉ là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục mà còn là các kỹ năng khác. Ví dụ như cuộc sống ở chung cư hiện nay đã trở nên phổ biến thì cần dạy các em khi xảy ra hỏa hoạn phải xử lý như thế nào; Hoặc phòng tránh đuối nước ra sao…

Đó là những kỹ năng mà ngành giáo dục phải đưa vào giảng dạy cho học sinh đáp ứng được nhu cầu phát triển của cuộc sống.

Điều đó có được thể hiện trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không, thưa ông?

Chính vì lý do tôi đã nói mà Quốc hội mới ban hành nghị quyết 88 về đổi mới chương trình SGK phổ thông và hiện nay đã được quán triệt, chuyển hóa để thành tinh thần của Luật Giáo dục sửa đổi mà Quốc hội sẽ thông qua trong kỳ họp này.

Đó là việc đảm bảo cho học sinh phát triển toàn diện, phát triển được năng lực của người học chứ không phải chỉ chú trọng kiến thức. Và đặc biệt các kỹ năng sống cần thiết đảm bảo cho các em khi tham gia vào cuộc sống lao động sản xuất sau này…

Đó là những yêu cầu rất quan trọng của chương trình SGK mới mà sắp tới ngành giáo dục sẽ áp dụng.

Cần xem xét sửa luật

Những vụ việc xâm hại tình dục, đặc biệt là liên quan tới trẻ em đã khiến dư luận rất bức xúc về việc dường như luật của chúng ta còn thiếu và còn yếu về lĩnh vực này. Quan điểm của ông thế nào?

Vừa qua dư luận xã hội hết sức quan tâm trước một loạt vụ xâm hại tình dục và những hành vi dâm ô, quấy rối tình dục. Nếu ta phân tích, ví dụ một vụ quấy rối tình dục trong thang máy trong thời gian gần đây, đối tượng vi phạm bị phạt 200 ngàn đồng.

Phạt như vậy là đúng theo pháp luật hiện hành nhưng lại không đủ mạnh và có tính chất răn đe đối với hành vi này.

Đồng thời qua vụ việc thì thấy dường như quy định pháp luật của chúng ta về hành vi quấy rối chưa rõ ràng, cụ thể nên việc xử lý của các cơ quan chức năng lúng túng.

Vậy việc sửa luật là cần thiết, thưa ông?

Trong thực tế bao giờ hệ thống pháp luật cũng đi sau do cuộc sống phát triển nhanh, mạnh, phong phú. Pháp luật thì có tính ổn định nhất định. Và trước yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, thì phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo tôi từ những vụ việc thế này sẽ đặt ra cho cơ quan chức năng cũng như Quốc hội cần xem xét, rà soát bổ sung sửa đổi hệ thống pháp luật của chúng ta, với tất cả các  hành vi diễn ra trong cuộc sống mà pháp luật chưa quy định cụ thể cũng như các chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn các hành vi kiểu này.

Đòi hỏi trách nhiệm của từng cơ quan trong việc bảo vệ trẻ em

Cũng có một điều khiến dư luận bức xúc nữa trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em là dường như gia đình các nạn nhân thường “cô đơn” trong hành trình tìm công lý. Trong khi có rất nhiều các cơ quan liên quan tới việc bảo vệ trẻ em. Theo ông, có cần phải đặt ra việc quy trách nhiệm cho các cơ quan này?

Theo tôi, đây cũng là một đề xuất có cơ sở. Thực tế ta thấy có rất nhiều cơ quan đều có chức năng trong việc bảo vệ trẻ em, vừa qua Luật Trẻ em cũng đã được sửa đổi cũng đã có cơ quan phối hợp về công tác trẻ em.

Nhưng trong thực tế từ khi luật cũ còn hiệu lực cho đến thời điểm này thì dường như đứng trước một vụ việc xâm hại tình dục trẻ em vẫn lúng túng trong việc xử lý.

Bởi sự phối hợp của các cơ quan chức năng vai trò nhạc trưởng chưa rõ và dường như việc điều tra, truy tố, xét xử được một vụ xâm hại trẻ em có nhiều rào cản về mặt kỹ thuật, văn hóa, xã hội, tâm lý truyền thống, nên việc xử lý vẫn còn khó khăn.

Vậy vai trò giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội như thế nào trong những vụ việc thế này?

Vai trò của Quốc hội là giám sát việc thi hành luật, Luật Trẻ em, Luật Dân sự, Hình sự còn những nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em thì Quốc hội sẽ tổ chức giám sát thực thi pháp luật của các cơ quan tổ chức cá nhân ngoài xã hội.

Nhưng không loại trừ với chức năng của Quốc hội, những vụ việc xảy ra nhiều, được sự quan tâm của dư luận, cử tri thì Quốc hội cũng có thể có những hình thức giám sát, chuyên đề phù hợp.

Có ý kiến cho rằng với những vụ việc nóng, gây bức xúc trong xã hội, nếu thấy bất cập ta có thể ta sửa luật ngay lập tức, rồi tiến hành trình tự các bước sau, giống như một số nước, điều này liệu có khả thi?

Theo tôi, cách xây dựng pháp luật ở mỗi quốc gia có đặc điểm riêng. Ở ta thường ban hành dự luật tương đối hoàn chỉnh điều chỉnh cả một lĩnh vực. Nhưng đối với một số nước thì có khi chỉ ban hành để xử lý một vụ việc cụ thể thôi. Nên cách thức trước một vụ việc cụ thể cần sửa một điều khoản nào đó trong luật thì chưa phổ biến với điều kiện xây dựng áp dụng pháp luật của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có những việc trước đây chúng ta chưa hình dung ra nhưng trước biến động xã hội có những loại hành vi vi phạm pháp luật tác động tới các em thì các em phải có kỹ năng bảo vệ mình. Và chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải đáp ứng được điều đó.

Mai Loan

BẢN DESKTOP