Dữ liệu y khoa

Giãn tĩnh mạch tinh gây vô sinh

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - 20% nam giới trên 20 tuổi bị giãn tĩnh mạch tinh (GTMT) nhưng thường ít được quan tâm, trong khi đây là nguyên nhân của 40% các trường hợp hiếm muộn vô sinh nam.

Không triệu chứng vẫn hủy diệt tinh binh

Anh Nguyễn Văn H. 35 tuổi (Nghệ An), cưới vợ được 3 năm vẫn chưa có con. Anh không tin vào kết quả khám khi bác sĩ kết luận anh bị GTMT nên số lượng và chất lượng tinh trùng rất yếu, không thể có con. Bác sĩ còn giải thích bệnh của anh đã có từ lâu, có khi từ nhỏ hoặc trong tuổi dậy thì dù anh hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh tật gì.

BS Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trường hợp như anh H. không phải là hiếm. Thực tế có tới 40% các trường hợp hiếm muộn vô sinh nam được chẩn đoán GTMT. Số ít trường hợp GTMT có biểu hiện đau tức, nặng nặng ở bìu, đau không rõ ràng thành cơn, cơn đau thường xuất hiện khi đứng lâu, ngồi nhiều nhưng khi nằm nghỉ ngơi thì lại tự đỡ. Hiếm gặp hơn nữa là teo tinh hoàn, tinh hoàn bên trái nhỏ và mật độ chắc hơn bên phải... còn hầu hết không có biểu hiện gì ngoài sờ thấy, nhìn thấy búi tĩnh mạch tinh giãn hoặc một vài tĩnh mạch tinh giãn đơn thuần. 

GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản giải thích, GTMT làm gia tăng nhiệt độ trong bìu và tinh hoàn nên làm tinh trùng yếu và chết. Một số giả thuyết khác đưa ra do tình trạng ứ đọng tuần hoàn, hiện tượng đảo chiều shunt tức dòng máu chảy ngược từ tĩnh mạch vào mao động mạch hoặc chảy ngược từ tĩnh mạch thận vào tĩnh mạch tinh; bản thân việc ứ đọng tuần hoàn đã không có lợi cho quá trình sinh tinh. Hơn nữa, một số tác giả còn cho rằng các chất như andrenomedulin (một peptide có tính giãn mạch được tiết ra ở tuyến thượng thận), catecholamin, prostaglandin... tăng cao ở tĩnh mạch thận trái dồn về tĩnh mạch tinh trái làm cản trở quá trình sinh tinh...

Phẫu thuật sớm bảo tồn sinh sản

Theo BS Nguyễn Bá Hưng, GTMT là tình trạng tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch tinh giãn bất thường tạo thành dây, búi ngoằn nghèo trong bìu. Giống như tinh hoàn, tĩnh mạch tinh ban đầu cũng nằm trong ổ bụng, với việc di chuyền của tinh hoàn xuống bìu, thừng tinh và tĩnh mạch tinh ngày càng  dài ra. Có tới 90% trường hợp GTMT gặp bên trái, ít gặp bên phải hay cả hai bên.

Việc điều trị chỉ đặt ra cho bệnh nhân trẻ có biểu hiện lâm sàng như vô sinh, đau và teo tinh hoàn tiến triển, còn lại phải nên cân nhắc điều trị cho bệnh nhân đã có con cái đầy đủ và không có biểu hiện lâm sàng khác. Tiến hành điều trị qua từng bước, ban đầu nên tiến hành điều trị nội khoa bằng các thuốc tăng trương lực mạnh như Daflon, Ecsina các chất chống tác nhân oxy hoá (antioxydants) như vitamin E, selen, vitamin C... kèm theo chế độ ăn nhiều chất xơ, chống táo bón, chế độ sinh hoạt hợp lý tránh thức khuya, đứng lâu ngồi nhiều...

Điều trị nội khoa và thay đổi chế sinh hoạt trong 3-6 tháng không có kết quả thì có thể cân nhắc việc điều trị ngoại khoa.  

Hiệu quả của các phương pháp phẫu thuật trên những bệnh nhân đau, teo tinh hoàn do GTMT rất có ý nghĩa, hầu như sau mổ bệnh nhân đỡ đau hẳn. Trong việc điều trị vô sinh, hiệu quả cải thiện tinh trùng về chất lượng và số lượng là khá cao nhưng hiệu quả có thai tự nhiên sau mổ thì chưa được khả quan cho lắm, dao động từ 30-42%.

GS.TS Đỗ Trọng Hiếu cho biết, có khoảng 1% trẻ bị GTMT ở lứa tuổi trước dậy thì và khi bước vào tuổi dậy thì thì tỷ lệ này tăng lên là 2-16%, sau 15 tuổi tỷ lệ này là trên 20%. Vì vậy, nếu phát hiện trẻ bị GTMT nên cho trẻ làm xét nghiệm tinh dịch đồ theo dõi trong một thời gian 1-2 năm nếu thấy chất lượng và số lượng tinh trùng giảm đi theo thời gian thì nên chỉ định phẫu thuật cho những bệnh nhân này để bảo tồn khả năng sinh sản. 

Thúy Nga

BẢN DESKTOP