KINH TẾ

Giảm thiểu tác động đại dịch Covid-19: Gói hỗ trợ đầu tiên đã tắc, ai "hứng" được đợt hai?

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng gói hỗ trợ lần 2 nhằm giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19 tái bùng phát. Nhiều ý kiến nghi ngại nếu tiếp tục tập trung vào các gói tài khóa, tiền tệ mà vẫn duy trì cách làm cũ, tư duy cũ, hiệu quả hỗ trợ thấp khó thay đổi...

Vẫn cách làm cũ, liệu có hiệu quả?

Theo đề xuất, kinh phí của gói hỗ trợ lần 2 này là 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trực tiếp người lao động gặp khó khăn. Đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); người lao động tại khu vực nông thôn. Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh 2 tỷ đồng, đối với người lao động 100 triệu đồng). Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng hoặc 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Từ góc độ an sinh xã hội, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, người lao động khó khăn rất mong mỏi được tiếp cận gói hỗ trợ. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của gói hỗ trợ lần hai. Bởi thực tế gói hỗ trợ thứ nhất với số tiền lên đến 62.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được khoảng 17.000 tỷ đồng. Dư luận cho rằng, nếu tiếp tục tập trung vào các gói tài khóa, tiền tệ mà tiếp tục tư duy và cách làm cũ, e rằng gói hỗ trợ thứ hai cũng không mang lại hiệu quả kích thích kinh tế, an sinh xã hội như Chính phủ đặt mục tiêu.

Ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam cho biết, trước ảnh hưởng của Covid-19, doanh nghiệp cần phải tồn tại thì mới hi vọng phục hồi được sản xuất. Doanh nghiệp nào cũng mong được hỗ trợ, nhưng hầu hết các chính sách hỗ trợ chỉ thấy nói trên tivi. Thủ tục vay khó khăn, khó tiếp cận, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Gói hỗ trợ tín dụng yêu cầu doanh nghiệp  phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ... Để chứng minh là vô cùng phức tạp và mất thời gian. Do vậy, các doanh nghiệp mong mỏi làm sao các điều kiện hỗ trợ gói thứ hai phải sát với thực tiễn, nếu không sẽ khó tiếp cận và không hiệu quả như gói thứ nhất 62.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia chính sách tài chính trong nước và quốc tế cho rằng, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ của nước ta vẫn còn khá lớn để kích thích tổng cầu. Việt Nam nên triển khai thêm các gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, việc triển khai các gói kích thích kinh tế tiếp theo, thậm chí một chuỗi các gói kích thích tài khóa tiền tệ là điều không thể loại trừ trước diễn biến quá phức tạp của Covid-19. Làn sóng đại dịch lần 2 có thể phá hỏng toàn bộ các kịch bản tăng trưởng. Nếu không triển khai tiếp các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, để giúp doanh nghiệp tồn tại, phục hồi và phát triển sau đại dịch, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái nặng nề.

Tuy nhiên, GS.TS Trần Ngọc Thơ cho rằng, nếu vẫn giữ tư duy và cách làm như cũ như gói 62.000 tỷ đồng thì có tung ra bao nhiêu gói kích thích cũng khó lòng biến chuyển được tình hình kinh tế. Thậm chí các gói kích thích kinh tế càng lớn, tiền bơm ra nhiều lại càng có nguy cơ dẫn đến bất ổn hệ thống tài chính và lạm phát tăng tốc. 

Thiết kế chính sách kinh tế phù hợp hơn

Theo ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế đang đòi hỏi cần thêm gói hỗ trợ thứ 2. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ mới thực sự mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ và kích thích sản xuất kinh doanh thì cần phải đánh giá lại gói hỗ trợ thứ nhất đang thực hiện. Những vướng mắc hiện tại khi triển khai như tiêu chí đối tượng thụ hưởng, thủ tục hồ sơ, quy trình xét duyệt… cho người lao động và các doanh nghiệp cần được sửa đổi.

Ông Vũ Quang Thọ phân tích, cái khó ở đây là chỗ xác định tiêu chí. Thế nào là thuộc diện khó khăn, rất khó khăn, thuộc diện cần cứu trợ ngay? Không nới lỏng quá, nhưng cũng không thắt chặt quá. Thắt chặt quá, nhiều đối tượng công nhân lao động sẽ không được tiếp cận nguồn cứu trợ này. Nhưng nếu nới lỏng quá, hỗ trợ thêm gấp nhiều lần cũng không có khả năng đáp ứng được hết. Những người nằm trong diện khó khăn, họ đang rất cần, rất mong muốn được tiếp cận nguồn cứu trợ nhưng nếu phải xác nhận chỗ này, xác nhận chỗ kia để chứng minh, vì tự trọng và sĩ diện, người ta lại e ngại...

GS Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình, ngân sách còn rất eo hẹp. Do vậy, quy mô và liều lượng của từng biện pháp hỗ trợ nền kinh tế cần phải là đáp án sâu sắc và cởi mở giữa các nhà kinh tế, hoạch định chính sách, các chuyên gia công cộng và các nhà kinh tế vĩ mô.

Để hỗ trợ và thậm chí giải cứu doanh nghiệp, GS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh cần đưa ra giải pháp đột phá về lãi suất, như các gói vay lãi suất 0% cho các ngành hàng không, du lịch... Giảm gánh nặng về các khoản phải đóng của người dân và doanh nghiệp như thuế, phí, lệ phí. Phải có chính sách huy động được nguồn lực trong xã hội, khuyến khích người dân sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ vào diễn biến dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa.

“Về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP