Thời sự

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nói về chi phí lãi vay trong giá nước sông Đuống

  • Tác giả : Quang Vững - Quốc Dũng
(khoahocdoisong.vn) - “Theo quy định chi phí lãi vay này sẽ phải được tính vào trong giá nước. Tuy nhiên, chi phí lãi vay cũng được chia thành 02 giai đoạn. Giai đoạn thực hiện dự án thì chi phí lãi vay được tính vào trong giá thành đầu tư dự án, được vốn hóa vào tổng chi phí thực hiện dự án. Còn giai đoạn sau khi Nhà máy đi vào hoạt động thì lãi vay nhà đầu tư phải trả hàng năm sẽ được tính vào trong giá thành nước” - ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nói.
Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội.

Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội.

Giá bán buôn khác giá bán lẻ

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về giá nước Nhà máy nước mặt Sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - cho biết, trên cơ sở quy định tại Thông tư 75/2012 của Liên Bộ Tài chính – NNPTNT và UBND TP Hà Nội xác định mức giá nước tạm tính của Nhà máy nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3. Đây là mức tạm tính hiểu theo nghĩa, sau khi có giá bán buôn nước sạch chính thức cho dự án Nhà máy nước sạch Sông Đuống, thì giá này cũng không thể cao hơn mức 10.246 đồng/m3. 

Về giá nước nói chung ông Hà cho biết, hiện nay có 02 loại giá, đó là giá bán buôn và giá bán lẻ. Thành phố Hà Nội quyết định một mức giá chung đó là mức giá tiêu thụ đến người sử dụng (giá bán lẻ). Còn giá bán buôn giữa đơn vị cấp nguồn với đơn vị bán lẻ thì do 2 đơn vị này tự xác định. Trường hợp 2 đơn vị này không thỏa thuận được giá thì lúc này các đơn vị sẽ đề nghị sở Tài chính hiệp thương về giá.

Công ty CP nước mặt Sông Đuống là đơn vị bán buôn nước cho Công ty Nước sạch Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng với mức tạm tính tối đa là 10.246 đồng/m3 là cao. Các doanh nghiệp nhà nước không có khả năng chi trả và có đề nghị Sở Tài chính hiệp thương.

Ông Hà cho biết, theo nguyên tắc giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ, vì vậy Sở Tài chính đã thực hiện hiệp thương. Theo Báo cáo của Công ty Nước sạch Hà Nội thì giá bán lẻ bình quân của Công ty nước sạch Hà Nội là 9.761 đồng/m3. Sau khi tính toán trừ đi phần hao hụt thì mức bán lẻ bình quân là 7.947 đồng/m3. Theo giá của Công ty Nước sạch số 2 thì giá bán lẻ bình quân là 9.085 đồng/m3, trừ đi phần hao hụt còn lại 7.722 đồng/m3. Trên cơ sở đó, Liên ngành đã báo cáo UBND TP và xác định giá bình quân tạm tính là 7.700 đồng/m3.

Tổng mức đầu tư dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Theo quy định, nhà đầu tư được vay tối đa là 80%, sử dụng vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20%. Với Nhà máy nước mặt Sông Đuống hiện nay vay 80%, tương ứng với số cụ thể khoảng 3.998 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Báo KH&ĐS, ngoài việc bán buôn cho các doanh nghiệp nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2), Nhà máy nước mặt Sông Đuống còn bán buôn nước sạch cho các công ty con thuộc Tập đoàn Aqua One. Đó là, Công ty CP kinh doanh nước sạch số 1 Aqua One, Công ty CP kinh doanh nước sạch số 2 Aqua One và Công ty CP kinh doanh nước sạch số 3 Aqua One để bán lẻ tới tận người dân tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức.

Thông tin này bà Đỗ Thị Kim Liên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aqua One và Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đã xác nhận với KH&ĐS.

Bà Liên cho biết, Aqua One chỉ triển khai mạng lưới phân phối đến tận người dân đối với những vùng trắng của Hà Nội, có nghĩa là đến các quận, huyện, xã chưa bao giờ có nước sạch tới. Chỉ những vùng đó thì được vào từ A đến Z.

Như vậy, giữa Nhà máy nước mặt Sông Đuống và các Công ty con thuộc Tập đoàn Aqua One cũng đóng vai trò là một đơn vị bán lẻ nước độc lập đến người dân. Có nghĩa là Nhà máy nước mặt Sông Đuống cũng sẽ có những thỏa thuận riêng về giá bán buôn nước sạch.

Tổng mức đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng.

Lãi vay đầu tư khác lãi vay khi đã kinh doanh

Theo ông Hà, nguyên tắc cách tính giá nước là chung, nhưng giữa các nhà máy lại khác nhau. Lý do là từ những khác biệt về công nghệ, khấu hao, thời điểm... Theo quy định, chi phí lãi vay này sẽ phải được tính vào trong giá nước, nhưng được chia thành 02 giai đoạn.

Giai đoạn 1, chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng thì được tính vào tổng đầu tư, được hạch toán trong khấu hao dự án. Giai đoạn 2, sau khi Nhà máy đi vào hoạt động, có doanh thu, thì lãi vay được tính vào trong giá thành sản phẩm nước bán cho người mua.

Hiện nay theo báo cáo của Công ty CP nước mặt Sông Đuống, thì riêng chi phí lãi vay rơi vào khoảng 20%, tức là rơi vào khoảng 2.003 đồng/m3 trong số giá tạm tính 10.246 đồng/m3.

Yếu tố ảnh hưởng đến giá nước là chi phí khấu hao. Khi phân bổ chi phí khấu hao thì cách phân bổ giống nhau, là đều tuân theo Thông tư 45 Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đà khoảng hơn 1.500 tỷ đồng còn Nhà máy nước mặt Sông Đuống là gần 5.000 tỷ đồng. Do tổng mức đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống lớn hơn thì chi khấu hao cao hơn. Cụ thể, chi phí khấu hao của Nước mặt Sông Đuống theo báo cáo của doanh nghiệp là khoảng 2.100 đồng/m3, chiếm 24%.

Bên cạnh đó, chi phí xử lý bùn thải cũng tác động đến giá nước. Đối với Nhà máy nước mặt Sông Đuống thì phải bơm nước trực tiếp từ sông Đuống vào một hồ lắng ở phía trong, với phù sa lớn và phải xử lý bùn thải sau lọc. Theo báo cáo của Công ty Sông Đuống, giá thành xử lý dự kiến vào khoảng 1.000 đồng, tức khoảng 1%.

Ngoài ra, do chất lượng nguồn nước thô sông Đuống khác với nguồn nước khác, dẫn đến hao phí về xử lý vật tư hóa chất khác nhau. Nhà máy nước sông Đuống phải xử lý nhiều hơn, cao hơn rất nhiều so với các nhà máy khác.

Về thông tin bù giá cho Công ty CP nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà thông tin, “đến thời điểm hiện tại Hà Nội chưa có trợ giá bất cứ đồng nào cho các đơn vị cung cấp nước sạch nào, trong đó có Công ty CP nước mặt Sông Đuống. Đối với sông Đuống mức giá 10.246 đồng/m3 là mức giá tối đa, do vậy Sông Đuống chưa đề nghị thành phố cấp bù, khi chưa có quyết toán dự án chính thức”.

Quang Vững - Quốc Dũng

BẢN DESKTOP