Dữ liệu y khoa

Giảm ăn mỡ có giảm béo?

  • Tác giả : TS.BS Đỗ Thị Phương Hà
(khoahocdoisong.vn) - Tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng và ngày càng trở nên phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, cả nam và nữ, cả thành thị và nông thôn. Điều đáng nói hơn là sự gia tăng thừa cân béo phì chính là cửa ngõ làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư... hiện đang chiếm 77% gánh nặng tử vong ở nước ta.

Hỏi: Có phải béo là do ăn nhiều chất béo nên muốn không béo phì thì cứ giảm ăn dầu mỡ là được?

Ngô Thanh Lan (Tuyên Quang)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Định nghĩa thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Các yếu tố nguy cơ chính làm gia tăng tình trạng thừa cân - béo phì là do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý và thiếu hoạt động thể lực làm cho năng lượng ăn vào vượt quá năng lượng tiêu hao.

Để không bị béo, phải đảm bảo có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng vừa đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết. Chế độ ăn hợp lý cần cung cấp đủ về số lượng và đảm bảo tỷ lệ hợp lý của năng lượng từ 3 chất sinh năng lượng là protein (13 - 20%), lipid (20 - 25%) và glucid (55 - 65%). Lúc này không những cơ thể sẽ không dư thừa năng lượng mà còn giúp cho duy trì tỷ lệ hợp lý của khối nạc và khối mỡ trong cơ thể, một yếu tố quan để duy trì sức khỏe. Ví dụ, một người cần có tổng năng lượng ăn vào là 2.000kcal/ngày với tỷ lệ năng lượng từ P:L:G là 15:20:55 thì sẽ cần được cung cấp 300kcal từ 75g chất đạm, 400kcal từ 45g chất béo và 1.100kcal từ 275g chất bột đường. 

Với một chế độ ăn bất hợp lý dẫn tới dư thừa tổng năng lượng ăn vào, cũng như có thể dư thừa 1, 2 hoặc cả 3 chất sinh năng lượng. Năng lượng ăn vào dư thừa so với năng lượng tiêu hao sẽ được chuyển sang các dạng dự trữ năng lượng trong cơ thể. Chất béo, dưới dạng triglyceride, sẽ được dự trữ ở trong tế bào mỡ và một lượng nhỏ dự trữ trong tế bào cơ. Chất bột đường (carbohydrate) được chuyển thành dạng dự trữ là glycogen và được dự trữ trong cả tế bào cơ và tế bào gan nhưng với số lượng ít, số còn lại có thể được chuyển thành dạng mỡ dự trữ. Protein nếu ăn vào quá nhiều cũng được có thể được dự trữ dưới dạng mỡ. Như vậy, không chỉ ăn nhiều chất béo thì mới bị tích nhiều mỡ mà ăn thừa chất bột đường, thậm chí chất đạm thì cũng được cơ thể chuyển sang thành mỡ tích tụ trong cơ thể.

TS.BS Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

TS.BS Đỗ Thị Phương Hà

BẢN DESKTOP