Đời sống

Giải pháp nào ngăn chặn nạn tin giả?

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Trong khi cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều nỗ lực thì trên không gian mạng lại xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, kích động quần chúng, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch.

Kích động gây chia rẽ

Mới đây, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM (Sở TT-TT) đã có giấy mời chủ tài khoản Facebook "Hằng Nguyễn" lên làm việc do đã đăng nội dung “Hà Nội phát lệnh lúc 0h để 6h thực hiện Chỉ thị 16…”, trong đó có những nội dung, lời lẽ gây ra bức xúc, bất bình đối với người đọc, đặc biệt là người dân tại TPHCM. Những lời lẽ, lập luận của Hằng Nguyễn thậm chí đến mức vô lý, cực đoan. Sau khi bị cộng đồng phản ứng dữ dội về những nội dung đăng tải, tài khoản Hằng Nguyễn đã xóa bài viết, sau đó có lời xin lỗi. Theo Thanh tra Sở TT-TT TPHCM, bài viết làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, gây hoang mang trong nhân dân do đó đơn vị đã mời bà Nguyễn Thị Hằng đến làm việc với Thanh tra sở vào lúc 9h ngày 13/8/2021, ngay sau khi kết thúc phong tỏa của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh quận Bình Thạnh.

Trước đó ngày 20/7, Thanh tra Sở TT-TT TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền mức 7,5 triệu đồng đối với MC Trác Thúy Miêu vì nội dung đăng tải gây kích động trên mạng xã hội. Cụ thể, ngày 10/7, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) phát hiện MC Vũ Hoài Phương (nghệ danh Trác Thúy Miêu) có đăng bài viết trên tài khoản Facebook Phuong Vu, có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TPHCM. 

Ngày 21/7, Công an quận Bình Thạnh, TPHCM cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phan Hữu Điệp Anh (SN 1961, ngụ đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Cụ thể, từ chiều 19/7, tài khoản mạng xã hội Facebook của đối tượng đăng tải và sau đó lan truyền trên không gian mạng hình ảnh một người đàn ông trung niên tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức và kèm bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch Covid-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”. Tại cơ Công an, Phan Hữu Điệp Anh đã thừa nhận sử dụng hình ảnh nêu trên, lồng ghép, chủ động đưa những nội dung xuyên tạc về vụ việc rồi phát tán trên mạng xã hội facebook.

Bài viết trên tài khoản Facebook Hằng Nguyễn có nội dung ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Bài viết trên tài khoản Facebook Hằng Nguyễn có nội dung ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Thực hiện nghiêm quy định phát ngôn và cung cấp thông tin

Trong Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 23/07/2021 của Bộ TT-TT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng, nội dung tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; Tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắcxin phòng Covi-19; Xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp văcxin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ Văcxin phòng, chống Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TPHCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý là nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Theo Bộ TT-TT, việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, Bộ TT-TT đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đàm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; Tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn xuyên tạc. Trong trường hợp bộ, ngành, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có); thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng vê công tác phòng chống dịch tại bộ, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, các bộ ngành, địa phương tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT-TT để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, các bộ, ngành địa phương cần phối hợp với Bộ TT-TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.

Về phía người dùng internet, nên lựa chọn và tìm đọc các nguồn tin chính thống để đảm bảo thông tin được chính xác. Cùng với đó, người dùng internet nên thường xuyên cập nhật thông tin trên website của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) có tên miền https://tingia.gov.vn/ để nhanh chóng phát hiện và phân biệt được giữa nguồn tin giả và tin chính thống.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP