Dọc đường

Giải mã “động hang ma” ở Thái Nguyên

ng hang ma thuộc xã Phượng Tiến (Định Hóa – Thái Nguyên) còn lưu truyền một câu chuyện về bóng ma trên đỉnh núi Phượng đầy bí ẩn. Từ những câu chuyện ấy, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và giải mã những bí ẩn phía trong động hang ma.

Quan tài khoét bằng thân gỗ đặt trong ngách núi.

Từ những câu chuyện ma quái

Những lời đồn ma quái tưởng như chỉ có hại khi gây hoang mang trong dư luận nhưng có những trường hợp thì lại là cái lợi, chí ít là trong ngành khảo cổ học. PGS.TS Trình Năng Chung – Trưởng phòng Khoa học – Viện Khảo cổ học Việt Nam thẳng thắn: “Phải cảm ơn những lời đồn, vì đó là mắt xích dẫn các nhà khảo cổ đến những nơi còn nhiều bí ẩn mà chưa được khai quật”.

“Đây là lần đầu tiên tìm thấy loại di tích quan tài bằng thân cây, táng trong hang ở khu vực núi rừng Việt Bắc. Loại hình di tích này chúng ta đã từng biết đến ở vùng Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa) và Mộc Châu (Sơn La). Phát hiện này có giá trị khoa học cao, gợi mở nhiều nhận thức mới về lịch sử, văn hóa vùng Việt Bắc”, PGS.TS Trình Năng Chung nhận định.

Theo ông Chung, ngoài yếu tố làm “mắt xích” dẫn đường cho các nhà khảo cổ, lời đồn ma quái còn làm người khác lo sợ mà không dám bén mảng, xâm hại tới hiện vật. Và động hang ma ở Thái Nguyên là một dẫn chứng cụ thể, vì những lời đồn ma quái bên trong hang mà bao nhiêu đời nay di tích vẫn được giữ gìn một cách nguyên vẹn.

Qua những lời đồn bí ẩn cùng những kinh nghiệm điền dã đã cho đoàn khảo sát những nghi ngờ và cả niềm phấn khích rằng, sẽ có nhiều điều bí ẩn và cả những thú vị cần phải làm sáng tỏ thông qua sự tìm tòi.

Và để làm được điều ấy, đoàn cần một “hoa tiêu” dẫn đường. Rất ít người dám đặt chân đến đó, một nỗi sợ mơ hồ truyền kiếp về tâm linh lan truyền níu chặt nhiều đôi chân vốn bạo gan nhất vùng. Nhưng có một người, vì kế mưu sinh và cũng cứng vía với “ma rừng”, nên đã mấy lần ra vào hang săn thú. Đó là ông Nguyễn Văn Lượng, một người địa phương đã trên 50 tuổi. Sau một hồi thương thuyết, ông Lượng đồng ý làm “hoa tiêu” cho đoàn khảo cổ.

Chữ Hán “Thiên thập” khắc trên vách núi.

Vào động hang ma

Động hang ma là một hang đá lớn phân bố ở độ cao gần 600m so với thung lũng dưới chân núi. Từ dưới nhìn lên không thấy cửa hang bởi tán lá rừng che phủ. Đường lên hang vô cùng hiểm trở, nhiều chỗ dốc gần dựng đứng, không có lối mòn, có chỗ phải đi vòng vèo tránh những vách đá dựng đứng. Có chỗ phải đu dây sang vách bên kia. Vì thế, phải mất gần 5 tiếng đồng hồ, đoàn mới tới được hang.

Cửa hang ma hình vòm nhỏ quay về hướng đông chếch nam. Từ cửa hang đi sâu vào trong khoảng 10m, nền hang bỗng tụt xuống như chiếc giếng lớn với độ sâu gần 20m. Được sự hướng dẫn đầy kinh nghiệm và có phần mạo hiểm của ông Lượng, từng thành viên đoàn khảo sát đã xuống đáy hang bằng cách quấn và đu bám dây thừng dài có buộc nút khấc.

Từ đây lòng hang mở ra theo 2 ngách lớn, tối như bưng vì thiếu ánh sáng. Chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng được tìm thấy trong một ngách như vậy. Đó là chiếc quan tài được đẽo từ 1 thân cây gỗ lớn. Căn cứ vào những dấu vết gia công để lại, PGS.TS Trình Năng Chung nhận định, người xưa đã tách đôi thân cây gỗ theo chiều dọc, tạo thành 2 tấm có mặt cắt hình bán nguyệt khá đều nhau.

Tiếp đến, họ đẽo phần bên trong của 2 tấm gỗ lõm xuống hình lòng máng. Ở hai đầu quan tài được đẽo khá cẩn thận nhằm tạo đầu ngõng hình chữ nhật có đục một lỗ lớn có tác dụng để khóa 2 phần của quan tài lại khít với nhau, đồng thời cũng là điểm buộc dây, khiêng quan tài. Toàn bộ quan tài chỉ thấy dấu đẽo và đục, không có dấu vết của kỹ thuật cưa, bào…

Sau khi đo đạc tỉ mỉ, ông Chung cho biết, kích thước quan tài có độ dài toàn bộ là 2,80m, độ dài khoét lòng 2,20m, rộng lòng khoét 0,40m, độ sâu lòng khoét 0,20m và đường kính 0,54m.

Theo quan sát của chúng tôi, quan tài trong động hang ma được đặt trong một ngách hẹp có hướng đông – tây, ở vị trí cao cách nền hang khoảng 0,80m, con người có thể chui qua dễ dàng. Hiện tại phần nắp trên của quan tài đã bị bật mở. Đáy của quan tài, nơi đặt thi thể người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ tùy táng rơi xuống nền hang.

Hai bát cổ đã vỡ có trong hang.

Những di vật lạ

Dưới nền hang là những mảnh sọ nhỏ và những mảnh xương ống bị gẫy. Hiện còn 2 chiếc bát tìm thấy ở gần vị trí mấy mảnh sọ. Trong đó có một chiếc bát chân cao, phần đáy bôi màu nâu đỏ, thân bát trang trí hoa lam với họa tiết cánh sen, bát được khoét lòng ở đáy, giữa lòng bát có chữ Phúc viết bằng chữ Hán.

Theo các nhà khảo cổ thì đây là chiếc bát có niên đại khoảng thế kỷ XV thuộc dòng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương. Chiếc bát còn lại, chân thấp, men màu trắng không có hoa văn. Cả hai bát đều có vết vỡ ở phần miệng. Có dấu hiệu di tích mộ đã bị xâm hại trước đó với mục đích lấy những vật tùy táng

Ở ngách bên cạnh, cách mộ thân cây khoảng hơn 20m là một vách đá dựng chắn lối đi, có hai chữ “Thiên thập” viết bằng chữ Hán ở tầm vừa tay với người lớn. Cạnh đó là hình một tam giác có một đỉnh quay xuống dưới. Phía dưới nền hang đã bị đào nham nhở, dấu hiệu đã có người đào bới.

Các nhà khoa học đang băn khoăn, liệu hàng chữ Hán này và ngôi mộ có liên quan gì với nhau không? Những chữ Hán và ký hiệu trên vách đá có ý nghĩa gì? Còn rất nhiều điều khác nữa tạo cho động hang ma một bí ẩn khôn cùng.

Theo ông Chung, dù còn nhiều bí ẩn chưa thể lý giải nhưng dẫu sao, những bí mật bước đầu về động hang ma đã được hé mở, cái lõi  thực của những câu chuyện truyền thuyết là chiếc mộ thân cây khoét rỗng đã được khám phá một cách khá chu toàn.

“Khi chưa phát hiện ra động hang ma, đã từng có người làm nghề dò kim loại vào hang tìm kho báu nhưng chỉ thấy bát vỡ nên bỏ đi. Hiện, chúng tôi đã khoanh vùng bảo vệ động một cách cẩn thận để chờ những kết luận chính thức”, ông Ngô Nguyên Lạc – Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Định Hóa.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP