Dọc đường

Giải mã dinh thự Hoàng A Tưởng

Hàng trăm năm nay, người Bắc Hà (Lào Cai) xem dinh thự Hoàng A Tưởng vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi đau. Tự hào khi cả một vùng cao nguyên rộng lớn toàn đá xám ngoét lại mọc lên một dinh thự tuyệt đẹp. Đau, vì dinh thự đó đã “hút” bao nhiêu máu và nước mắt của một thời đã qua.

Dinh thự Hoàng A Tưởng.

Từ TP. Lào Cai ngược lên hướng Bắc 85 km, qua những cung đường uốn cong khúc khuỷu như con bạch xà là đến thị trấn Bắc Hà huyền thoại. Màu hoa đào quyện bên những xống váy mèo thơ mộng càng làm cho cao nguyên rực rỡ hơn. Bên nồi tháng cố chợ phiên, người ta rỉ tai nhau những câu chuyện về Hoàng A Tưởng…

Hoàng A Tưởng là ai?

Trước cách mạng tháng Tám, cũng như tình hình chung Việt Nam, một vùng rộng lớn như Lào Cai vẫn đắm chìm trong sự hà khắc của chế độ phong kiến. Chưa hết, đặc thù vùng cao đã chia tách và phân hóa các bộ phận giai cấp một cách rõ ràng để bọn thống trị bóc lột.

Tầng lớp Thổ ty dùng mọi thủ đoạn, vũ lực để áp bức dân lành. Điển hình của cao nguyên Bắc Hà là cha con Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng đã cướp đoạt phần lớn ruộng đất tốt để giao cho các hộ tá điền trông nom, gặt hái và bóc lột nông dân.

Chưa hết, Hoàng A Tưởng còn quy định toàn bộ sáp ong ở các vách núi là của chúng, dân phải thu hoạch và đem nộp. Dân Bắc Hà một cỏ nhiều tròng, ngoài tiền thuế má, nô dịch còn phải nộp thuốc phiện theo định kỳ để nhà họ Hoàng hưởng lợi.

Những bậc cao niên ở Bắc Hà còn nhớ như in về sự giàu có khủng khiếp của Hoàng A Tưởng. Bọn Thổ ty có cả tấn vàng bạc kho báu, chúng độc quyền bán muối và nhu yếu phẩm khi có sự bảo hộ của Pháp. Sự giàu có vào thời buổi hỗn độn đã cho chúng quyền sinh quyền sát nên nhân dân trong vùng không ai không khiếp sợ.

Bậc thang vòng lên dinh thự.

Mời thầy phong thủy chỉ… huyệt

Trước khi dinh thự Hoàng A Tưởng được khởi công, để xây dựng công trình họ Hoàng đã mời một thầy địa lý nổi tiếng người Trung Quốc sang chọn thế đất.

Địa mạch đất vô cùng quan trọng khi xây dựng một công trình kiên cố lâu bền nên thầy địa lý đã phải dùng đến cả 2 chiêu là thuật phong thủy và phép xem thuật phong thủy để chọn được đất âm dương hài hòa.

Sau 2 năm tìm kiếm, thầy địa lý cũng tìm được khu đất tụ cả long – mạch – thủy – sa. Đó là khu đất cao ráo vuông vức hướng Đông Nam, phía sau và hai bên phải trái có núi. Phía trước có suối và núi “mẹ bồng con”.

Kiến trúc Á – Âu hài hòa

Công trình bắt đầu được khởi công vào năm 1914. Vật liệu để làm nên công trình được Hoàng A Tưởng chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ngwowid ta kể rằng, xi măng sắt thép được chở bằng máy bay từ dưới xuôi lên. Còn gạch ngói được họ Hoàng cho sản xuất tại chỗ bằng đất sét trong lòng các dãy núi dưới sự giám sát của các chuyên gia gốm nung người Trung Quốc.

Dinh thự được thiết kế do hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc. Do vậy, dinh thự Hoàng A Tưởng mang tính kết hợp kiến trúc Á – Âu hài hòa. Nhân công là những thợ xây giỏi nhất lấy trong các nhà tù và họ chia ra để làm các công đoạn khác nhau.

Nhìn tổng thể, dinh thự họ Hoàng rất hài hòa. Vòm trên cùng của ngôi nhà chính có đắp nổi hai cành nguyệt quế, giữa có lỗ rồng hình mặt nguyệt.

Xung quanh khu nhà Hoàng A Tưởng có đường rào dày gồm 3 cổng: 1 chính và hai phụ. Bốn phía tường rào đều có lỗ châu mai, thường xuyên có hai trung đội lính canh phòng cẩn mật.

Chưa hết, phía sau nhà còn có một hầm thoát hiểm kiên cố và hàm chứa nhiều bí mật. Có lẽ vì thế, mà sau 7 năm xây dựng, đến ngày khánh thành toàn bộ cúp thợ xây hầm, người cầm bản vẽ và thi công đã… mất tích. Người ta cho rằng, Hoàng A Tưởng đã giết chết họ để giữ bí mật cho hầm nhà.

Ngoài việc xây dựng dinh thự để thể hiện quyền uy thống trị. Nhà họ Hoàng còn mang đậm xu hướng cách tân công trình theo kiểu bền chắc của Pháp, cổ kính của Tàu. Toàn bộ mái ngói và công xôn gỗ là của Pháp nhưng được kết hợp với kiến trúc tâm linh của Trung Quốc qua các hình rồng phượng và tứ linh.

Với khu đất rộng tới 10.000 m2 trên một quả đồi bằng, diện tích xây dựng công trình hai tầng lên tới 4000 m2. Đủ tất cả các phòng cho các bà vợ, những đứa con và khu ở riêng cho các quan, cố vấn người Pháp…

Có thể khẳng định, dinh thự Hoàng A Tưởng là một kỳ quan của cao nguyên Bắc Hà. Có giá trị kiến trúc và lịch sử to lớn, phản ánh một thời kỳ hoàng kim của Thổ ty Hoàng A Tưởng, nhưng cũng đượm buồn bởi máu, nước mắt và bao công sức của nhân dân Bắc Hà.

Hành lang dinh thự mới được tu bổ.

Tu sửa – khác biệt và biện giải

Công trình đẹp là thế, cổ kính và tráng lệ như vậy nhưng giờ đây, khi ai đó nhìn vào, không ít người phải giật mình hoảng hốt về một dinh thự cổ bỗng “biến” thành “nhà mới” với nền màu sơn vàng chóe ngự giữa những đồi xanh núi đá.

Nhiều lứa sinh viên kiến trúc, nhiều nhà xây dựng, cả những người yêu cảnh đẹp hoài cổ đều tiếc cho dinh thự Hoàng A Tưởng khi chính quyền tỉnh Lào Cai quyết định tu sửa lại công trình theo cách “chẳng giống ai”.

Chính người viết bài này cũng phải ngỡ ngàng về một dinh thự cổ hàng trăm năm vàng chóe, mới tinh như mới hoàn thành vài tháng. Nhiều nhiếp ảnh gia thoạt buồn với lớp sơn tô vẽ bề ngoài đã biến dinh thự tuyệt đẹp rêu phong thành một công trình không mấy ấn tượng.

Đem thắc mắc đến ông Trần Tiến Thanh – phó trưởng phòng Thông tin tư vấn thuộc Trung tâm Thông tin du lịch tỉnh Lào Cai, ông Thanh cho báo Khoa học & Đời sống, biết: “Lúc đầu mới tu sửa, tôi cũng nghe nhiều ý kiến phản đối vì làm mất giá trị dinh thự cổ. Nhưng rồi nghĩ lại thấy tu sửa như thế là hợp lý. Ngôi nhà nhiều chỗ bong lở xuống cấp, nên chúng tôi cho thợ làm lại và sơn bằng màu vàng nguyên bản theo như ngôi nhà cũ. Chỉ tiếc rằng, màu vàng sáng quá nên có cảm giác… mới”.

Lời biện giải của ông Thanh có vẻ có lý nhưng một điều ai cũng biết, giờ đây dinh thự Hoàng A Tưởng không thể được như xưa.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP