Đời sống

Giải mã diễn biến bất thường của thời tiết

Chia sẻ về hiện tượng biến đổi khí hậu, ông Quách Tất Quang, quyền Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ozone và Phát triển kinh tế carbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra ở khắp các nơi trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do biến đổi khí hậu”.

Băng giá xuất hiện ở Sa Pa.

Mỹ đang trải qua những ngày lạnh hiếm có.
Hiện nay mật độ và nồng độ khí CO2 trên khí quyển càng dầy lên và càng cao lên. Trên thế giới, ở những nước công nghiệp phát triển, khí CO2 và các khí nhà kính được tạo ra chủ yếu từ ngành công nghiệp, đặc biệt là năng lượng (chủ yếu sử dụng nhiên liệu hoá thạch thải ra nhiều loại khí nhà kính trong đó chủ yếu là khí CO2, ngoài ra còn khí CH4).

Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực công nghiệp cũng có nhiều nguồn phát thải từ các lĩnh vực khác trong đó cần phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp. Rác thải từ nông nghiệp như phân chăn nuôi là một ví dụ. Những hoạt động chăn nuôi cũng gây phát thải khí nhà kính.

Việc thay đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp cũng đóng góp không nhỏ. Khi rừng bị chặt phá, khi cây cỏ bị chặt đốn đi thì các phần còn lại của nó bị phân hủy cũng gây phát thải khí nhà kính (CH4).

Cây mất đi coi như mất lá phổi vì cây hấp thụ CO2, khi cây mất đi thì khí CO2 sẽ tăng lên. Việc chúng ta tiêu thụ nhiều điện năng khiến nhà máy sản xuất điện năng phải hoạt động nhiều và điều đó đồng nghĩa việc tiêu thụ nhiều nhiên liệu hoá thạch.

Để giảm nhẹ lượng phát thải khí nhà kính lên bầu khí quyển. Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy các hoạt động nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc áp dụng công nghệ mới ít phát thải hơn. Chẳng hạn về năng lượng giờ người ta đang đề cao việc tận dụng năng lương tái tạo.

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu như xâm ngập mặn, thời tiết cực đoan. Trước những diễn biến thay đổi của thời tiết như vậy, ta cần phải thích ứng kịp thời”.

Liệu lũ có ngày càng trở nên nghiêm trọng?

Ông Đỗ Xuân Hồng, nghiên cứu sinh, đại học Adelaide (Úc) cho rằng trong những thập kỷ vừa qua, lũ lụt là hiện tượng khí hậu cực đoan diễn ra thường xuyên nhất và đã có hơn hai tỷ lượt người trên phạm vi toàn cầu bị ảnh hưởng do hậu quả của lũ gây ra.

Xét về khía cạnh kinh tế, ước tính về thiệt hại do lũ gây ra cũng gia tăng gấp nhiều lần, từ khoảng 6 tỷ USD hàng năm vào thập niên 80 của thế kỷ 20 lên đến hơn 24 tỷ USD hàng năm trong giai đoạn 2001 – 2011.

Những con số thống kê về thiệt hại do lũ trên phạm vi toàn cầu đã khiến cho câu hỏi “liệu lũ có ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu hay không?” trở thành một trong những mối quan tâm của nhiều nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới. Có hai nguyên nhân dẫn đến mối quan tâm này.

Thứ nhất, ngày càng có nhiều minh chứng về sự gia tăng của cường độ mưa dưới tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, nhiều công bố của các nhóm nghiên cứu khác nhau trên thế giới đã chỉ ra rằng cường độ mưa đang có xu hướng gia tăng từ 5,9% – 10% trên mỗi đơn vị tăng của nhiệt độ và số lượng các trận mưa cực đại có xu hướng gia tăng thêm khoảng 10% trong giai đoạn từ năm 1981-2010 và những con số này có vẻ khá tương đồng với con số gia tăng của thiệt hại do lũ gây ra.

Thứ hai, mưa là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lũ lụt (bên cạnh băng tan, bão, tác động của triều cường và nước biển dâng…); và một lập luận hợp lý là khi cường độ mưa gia tăng thì nguy cơ về lũ cũng sẽ tăng theo.

Mùa đông lạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, khoảng tháng 2/2017, các mô hình dự báo trên thế giới đều dự báo cuối năm 2017 và đầu 2018 nghiêng về El Nino.

Nhưng đến tháng 5/2017 thì trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia đưa ra dự báo nghiêng về La Nina. Dưới tác động của La Nina, mưa lũ nhiều hơn, lượng mưa lớn, mùa đông năm 2017 là mùa đông lạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Năm vừa qua cũng đã cho thấy mùa mưa bão khá cực đoan và dị thường, điều này có liên quan đến biến đổi khí hậu. Cũng bởi trái quy luật thông thường: Khi mưa lũ sau rằm tháng Bảy âm đã được xem là muộn, năm 2017 còn sau cả rằm Trung thu, nghĩa là rất rất muộn.

Dự báo trong tháng 1/2018 không khí lạnh ở phía Bắc sẽ gia tăng hoạt động cả về cường độ lẫn tần suất, nhiều khả năng xuất hiện các đợt rét đậm kéo dài, tập trung vào thời kỳ giữa và cuối tháng.

Nguy cơ cao xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới và còn có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền nước ta ở khu vực từ Nam Trung Bộ trở vào Nam Bộ. Mưa trái mùa nhiều khả năng xuất hiện trong tháng 1/2018 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ….

Mối họa nhãn tiền

Ông Trần Thanh Thản, nghiên cứu sinh Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cơ quan Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận định: “Từ thập kỷ 1960 đến giữa thập kỷ 1990, gió Tây vĩ độ trung bình có xu thế tăng lên trong cả hai mùa trên cả hai bán cầu Bắc và Nam.

Đồng thời, ranh giới phía Bắc (bán cầu Bắc) và ranh giới phía Nam (bán cầu Nam) của dòng xiết gió Tây có sự di chuyển về phía cực. Quỹ đạo của xoáy thuận ôn đới trên Đại Tây Dương của bán cầu Bắc cũng dịch chuyển về phía Bắc cực.

Các tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và sản xuất đã có những nghiên cứu đánh giá nhất định.

Ví dụ, Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nghiên cứu và xác định được có những dấu hiệu tác động tiêu cực nhất định của biến đổi khí hậu đến môi trường nước lưu vực sông Cầu bên cạnh các tác động do hoạt động của con người.

Tác động đến sản xuất: Gần đây nhất như nhiều báo đã đưa tin, là sự bất thường của cơn bão số 12 (năm 2017), tuy bão không đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía Nam, nhưng đã đem mưa vào Lâm Đồng đúng vụ thu hoạch cà phê, cà phê bung nụ, nếu bà con tiếp tục thu hoạch trái chín sẽ làm rụng cả hoa và coi như vụ sau mất mùa.

Bà con phải dừng thu hoạch chờ hoa cà phê thụ phấn, sẽ tốn nhân công, chi phí cho việc nhặt trái rụng và không cắt tỉa cành kịp thời, xử lý bệnh cho vườn cà phê sẽ gia tăng nguy cơ suy giảm năng suất vụ kế tiếp”.

An Nhiên (tổng hợp)

BẢN DESKTOP