Làm đẹp

Giải ép vi mạch điều trị co giật nửa mặt

  • Tác giả : ThS.BS Đặng Hoài Lân
Co giật nửa là do xung đột mạch máu - thần kinh VII ở vị trí đi ra của dây thần kinh này tại thân não. Phẫu thuật giải ép vi mạch thông qua đường sau xoang sigma là phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lý này.

Co giật nửa mặt (Hemifacial spasm) là bệnh lý thần kinh mãn tính, biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi những cơn co giật một bên mặt, ngắt quãng và không theo chủ ý. Bệnh không gây đau hay đe dọa tính mạng nhưng nó lại ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và tâm lý xã hội của người bệnh nếu không được điều trị.

Tỉ lệ mắc của co giật nửa mặt ước tính 11/100.000 dân, thường gặp ở độ tuổi trung niên (40 – 59 tuổi), nữ giới nhiều hơn nam giới (2:1).

Nguyên nhân của co giật nửa là do xung đột mạch máu - thần kinh VII ở vị trí đi ra của dây thần kinh này tại thân não. Đây là nơi chuyển tiếp giữa các tế bào chứa myelin trung ương (tế bào ít nhánh) thành tế bào chứa myelin ngoại biên (tế bào Schwann).

Vì vậy khi mạch máu đè ép mãn tính sẽ bào mòn bao myelin của dây thần kinh làm truyền xung động trực tiếp qua nhịp đập của nó lên dây thần kinh dẫn đến co giật nửa mặt.

Triệu chứng co giật nửa mặt - Ảnh BSCC

Triệu chứng co giật nửa mặt - Ảnh BSCC

Triệu chứng lâm sàng điển hình là rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Bệnh thường khởi phát từ co giật tiến triển tăng dần, không chủ ý cơ vòm mi, sau đó lan dần sang các phần cơ khác của một nửa mặt.

Đôi khi bệnh nhân nghe thấy tiếng “lách cách” trong tai, điều này là do sự co thắt của cơ bàn đạp. Co giật biểu hiện thành cơn và có liên quan đến căng thẳng tâm lý (Hình 1).

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lý co thắt mi 2 bên thường biểu hiện đối xứng của cả 2 mắt. Đo điện cơ (EMG) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán kết hợp làm rõ nguyên nhân bệnh cũng như loại trừ các nguyên nhân khác (ví dụ như khối u vùng góc cầu hay thân não).

Trên phim T2-CISS có thể phát hiện nguyên nhân mạch máu đè ép thần kinh mặt ở vùng góc cầu tiểu não (Hình 2). Các động mạch chèn ép hay gặp là động mạch tiểu não sau dưới (PICA) hoặc động mạch tiểu não trước dưới (AICA).

Khi đã được chẩn đoán xác định co giật nửa mặt, bệnh nhân có thể lựa chọn giữa hai cách điều trị là tiêm Botulium và phẫu thuật giải ép vi mạch máu thần kinh. Botulium có lợi trong việc làm giảm cường độ co giật nửa mặt nhưng hiệu quả chỉ ngắn hạn và cần phải tiêm định kỳ nhiều lần, tác dụng lần sau thường có thời gian ngắn hơn những lần tiêm đầu.

Trong khi đó phương pháp điều trị triệt để là giải ép vi mạch vì tác động trực tiếp vào cơ chế bệnh sinh. Năm 1976, Jannetta là người đầu tiên mô tả chi tiết về giả thuyết tương tác mạch máu thần kinh và cũng là người hoàn thiện kỹ thuật mổ vi phẫu giải ép vi mạch điều trị co giật nửa mặt.

Cho đến nay phương thức điều trị này đã và đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn trong và ngoài nước.

Hình 3: Đường mổ nhỏ sau tai điều trị co giật nửa mặt - Ảnh BSCC

Hình 3: Đường mổ nhỏ sau tai điều trị co giật nửa mặt - Ảnh BSCC

Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân và giám sát thần kinh liên tục trong mổ. Tiếp cận vùng góc cầu tiểu não và vị trí xung đột mạch máu thần kinh mặt thông qua đường cắt sọ nhỏ ở vùng sau tai (Hình 3). Việc giải ép vi mạch được thực hiện bằng cách chèn miếng Teflon giữa mạch máu và thần kinh, thường gặp ở chỗ thoát ra của thần kinh mặt từ thân não (Hình 4).

Giải ép vi mạch có tỷ lệ thành công cao đến 85 – 90% nếu được thực hiện bởi phẫu thuật viên thần kinh có kinh nghiệm, với tỉ lệ tai biến, biến chứng thấp dưới 1%. Hậu phẫu tương đối nhẹ nhàng với thời gian nằm viện ngắn.

Tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Viện Thần kinh, Bệnh Viện TWQĐ 108, phẫu thuật này đã được triển khai thường quy từ nhiều năm nay và đã cho được kết quả đáng kể. Nhiều bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị thành công và an toàn theo phương pháp phẫu thuật này, đem lại chất lượng sống ngày càng cao cho người bệnh.

ThS.BS Đặng Hoài Lân (Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108)

ThS.BS Đặng Hoài Lân

BẢN DESKTOP