Chữa bệnh không dùng thuốc

Giác hơi sai thêm tai họa

Với nhiều người, cứ mệt mệt là đi giác hơi. Không ít người giác hơi dạo, rước họa vào người. Nhẹ thì bỏng, thêm đau nhức, nặng thì tụ huyết, chấn thương…

Giác hơi “dạo” trên đường khá phổ biến ở các thành phố lớn.

Mệt mệt thì giác hơi

Dạo một vòng bãi cỏ sân vận động Mỹ Đình, công viên Thủ Lệ, bến xe, bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò… dễ dàng có thể bắt gặp nhiều người đi giác hơi. Có người đi giác hơi vì mệt, có người vì tò mò. Chuyên gia giác hơi cũng chỉ là một nhà tẩm quất dạo với manh chiếu cói, lọ cồn, hộp dầu xoa bóp và vài cái cốc/lọ thủy tinh.

Chẳng có bằng cấp đào tạo chuyên ngành nhưng không ít người lại giao cơ thể, phó mặc sức khỏe của mình cho những chuyên gia tẩm quất dạo này. Giới tẩm quất dạo vẫn kể cho nhau nghe những tai nạn nghề nghiệp khi lóng ngóng đổ cồn ra người khách, hay làm bỏng da, tụ huyết…

Theo TTUT Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Y học Cổ truyền, giác hơi là một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh được sử dụng trong Đông y có tác dụng hút mủ ở mụn nhọt, trị cảm lạnh, bệnh cơ khớp (nhức mỏi, cứng cơ, viêm cơ) và các bệnh về máu như tụ huyết, chấn thương gây ứ máu, máu không lưu thông…

Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận (chủ yếu là các vùng cơ dày), huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh.

Trong trường hợp bị ứ huyết do chấn thương ngã, va đập, hoặc phong tích tụ lâu ngày làm huyết ngưng trệ, phương pháp giác hơi thường kết hợp với chích máu để máu độc hoặc mủ thoát ra ngoài. Giác hơi còn có tác dụng làm giãn cơ, giúp tuần hoàn máu, tăng sức đề kháng cho cơ thể; thông kinh hoạt lạc.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết, giác hơi trong nhiều trường hợp chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị chứ không thể thay thế việc chữa bệnh (giác hơi chủ yếu điều trị triệu chứng thể hiện ở phần da cơ). Theo quan niệm của đông y, giác hơi dùng lửa là nhiệt nên được sử dụng chủ yếu để chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Nếu dùng giác hơi để chữa các chứng bệnh do nhiệt gây ra thì bệnh chỉ nặng thêm.

Phản tác dụng

Hai cách giác hơi phổ biến hiện nay là úp ống giác rồi bỏ ra ngay hay để ống giác nguyên tại chỗ 15 – 20 phút. Tùy theo chứng bệnh và tình trạng bệnh mà áp dụng các kiểu giác hơi khác nhau.

Do giác hơi là phương pháp sử dụng nhiệt, chính vì vậy, khi giác hơi, người thực hiện cần có kinh nghiệm, kỹ thuật đốt lửa đến độ vừa phải, tránh bỏng cho bệnh nhân. Những phần thường được làm giác là những vùng có cơ dày như lưng, ngực, đùi, bắp chân… Người làm giác cần tránh những chỗ da bị dị ứng, nổi mẩn, trầy xước, vết thương hở, đầu khớp xương…

TTUT Doãn Hồng Phương, nguyên Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng cảnh báo, trường hợp sốt do mất máu, nếu giác hơi có chích máu thì tình trạng mất máu càng tăng. Ngay cả khi giác hơi không chích máu nhưng nếu người thực hiện mạnh tay vẫn có thể gây bật máu ở những nơi tụ máu hoặc gây tụ máu tạm thời, hụt máu ở một số vùng nhất định của cơ thể do máu bị huy động tới vùng giác. Vì vậy những người thiếu máu đặc biệt không nên giác hơi dù trong bất cứ trường hợp nào.

Giác hơi được áp dụng trong đông y như một biện pháp hiệu quả làm giảm hiện tượng co cứng cơ, mỏi cơ và tán ứ. Nhưng khi thực hiện quá lâu hoặc thường xuyên thì lại gây ra phản tác dụng, trái ngược hoàn toàn với lợi ích ban đầu của nó. Khi cơ đã được làm mềm (nhờ giác hơi) mà vẫn tiếp tục giác thì có thể gây ra tổn thương cơ. Ngay cả khi thực hiện giác hơi với mục đích tán ứ nhưng thực hiện quá lâu lại có thể gây ứ máu nhiều hơn.

Có thể mất mạng

TTUT Doãn Hồng Phương cho biết, Đông y qui định rõ một số cấm kỵ trong giác hơi. Kỵ giác hơi ở những vùng mắt, mũi, môi, vú, vùng da nhão có nhiều nếp nhăn, vùng thắt lưng cùng, bụng dưới và những vùng da mất tính đàn hồi. Không giác hơi ở ngoài trời, những nơi quá nóng hoặc quá lạnh, nơi có gió lùa để tránh nhiễm phong hàn, phong nhiệt, nhất là ngoài biển hoặc trong phòng máy lạnh nhiệt độ thấp.

Tai nạn bỏng khi giác hơi không đúng phương pháp.

Những người mắc các chứng bệnh như cao huyết áp (sẽ làm cho huyết áp tăng cao gây hoa mắt, chóng mặt, bốc hỏa; bệnh ưa chảy máu, dễ bị xuất huyết dưới da, suy giảm tiểu cầu (sốt xuất huyết), bệnh máu trắng, phù toàn thân; các bệnh về tâm thần, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể quá mức; bệnh ngoài da toàn thân; giãn tĩnh mạch (tại vùng giác hơi), co giật, bị chuột rút, động kinh; phụ nữ đang hành kinh, người đang trong tình trạng say rượu, quá no hoặc quá đói… không được giác hơi. Những người thần kinh yếu, dễ căng thẳng, người già và suy nhược… cần cẩn trọng khi giác hơi. Người thực hiện nên sử dụng ống giác nhỏ và phải nhẹ nhàng.

Trong quá trình giác, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi nhiều… thì cần báo cho kỹ thuật viên ngay để xử trí kịp thời. Sau khi giác, cần nghỉ ngơi trong một thời gian nhất định, tránh hoạt động mạnh. Không nên tắm rửa ngay bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Không uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác.

Trong thực tế, không ít trường hợp người bệnh cao huyết áp giác hơi tại bãi biển xong uống bia rượu, tắm biển đã bị trụy tim mạch, hoặc sốc nhiệt nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, giác hơi một biện pháp trị liệu, chữa bệnh chứ không phải trò vui, giải trí tùy tiện sử dụng. Chỉ giác hơi khi có bệnh và phải được thực hiện tại các cơ sở, bệnh viện có chuyên môn cao để đảm bảo an toàn.

Hồng Linh

BẢN DESKTOP