Bình luận

Giả vờ khảo sát để định hướng dư luận là không ổn!

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, vừa qua, kết quả của một số cuộc khảo sát với “tỉ lệ đồng thuận cao” nhưng lại khiến dư luận phản ứng. Nếu khảo sát kiểu để giả vợ định hướng dư luận thì rất không ổn.

Đừng hỏi trò có yêu quý thầy không

Nhiều cuộc lấy ý kiến người dân ở Hà Nội cho kết quả “đồng thuận cao”, trong khi một số chuyên gia nhận xét chưa khách quan. Ví dụ như gần đây nhất, có đến 90% người tham gia khảo sát đồng tình xây ga ngầm cạnh Hồ Gươm. Hay trước đó, có đến 93% người dân đồng tình lát đá vỉa hè Hồ Gươm bằng đá tự nhiên và trên 80% người dân muốn giữ lại loa phường… Ông có thể lý giải về những con số ấy?

Tôi làm điều tra xã hội học rất nhiều, tôi biết phải thực hiện những bước nào đối với một cuộc điều tra. Do không biết người ta thực hiện điều tra thế nào, ai là người được hỏi nên không đánh giá được kết quả ấy. Chỉ có điều người ta ở đây là dư luận cảm thấy có gì đó không đúng lắm, không phục lắm, không đại diện lắm. Ví dụ như vừa rồi các ý kiến về xây ga ngầm cạnh Hồ Gươm thì đa số các chuyên gia còn rất nhiều băn khoăn, đến khi công bố có đến hơn 90% người được hỏi đồng ý thì nó hơi gợn gợn.

Từng tham gia nhiều cuộc điều tra xã hội học, theo ông làm thế nào để cho ra con số tương đối chính xác?

Khi lấy ý kiến người dân phải dựa trên những nguyên tắc nhất định của điều tra xã hội học chứ không lấy theo kiểu “chỉ điểm” hay lấy khu trú trong một nhóm đối tượng nào nhất định. Thành phần người được hỏi phải là ngẫu nhiên, phản ánh được thực tiễn cơ cấu dân số của xã hội. Ví dụ Hà Nội có bao nhiêu công chức, bao nhiêu quân đội, bao nhiêu người làm nghề tự do… thì phải lấy ý kiến của tất cả các thành phần đó. Chứ giờ hỏi về ga tàu điện ngầm lại chỉ toàn hỏi các bác xe ôm hay chú lái taxi thì ai chẳng đồng ý và ngược lại, chỉ hỏi những người không quan tâm đến vấn đề ấy thì không ai đồng ý.

Giống như giáo dục thì phải hỏi học sinh, không phải hỏi chú bộ đội?

Đúng thế, điều tra lấy ý kiến về việc có nên bỏ thi hay không chẳng hạn, thì phải hỏi các cháu học sinh, ở các cấp học, các trường học khác nhau chứ không phải hỏi chú bộ đội hay ông bác sỹ.

Tính đại diện này có quyết định kết quả khảo sát?

Nó chính là yếu tố quyết định kết quả cho mọi cuộc khảo sát chứ. Ngoài ra, người đi hỏi, đơn vị tổ chức hỏi phải độc lập, khách quan. Giả sử thầy giáo hỏi trực tiếp học sinh em có yêu quý thầy không, chẳng lẽ học sinh bảo không. Hay ông trưởng thôn vào từng nhà hỏi có tín nhiệm ông ấy không, chẳng lẽ lại nói không, hoặc người ta ngại không nói. Do đó, việc khảo sát này thường do các tổ chức xã hội độc lập, phi lợi nhuận thực hiện thì kết quả sẽ khách quan hơn.

Vậy là dù hỏi ngẫu nhiên thì người được hỏi cũng phải được chọn lựa, tính toán?

Đúng thế!

Ai đồng thuận?

Về kết quả các cuộc khảo sát với tỉ lệ đồng thuận cao mà dư luận thấy băn khoăn thời gian qua, theo ông lý do vì sao người dân lại phản ứng?

Đó là vì kết quả khảo sát ấy không giống với suy nghĩ, mong muốn của người ta cũng như những người xung quanh. Bởi thế người ta có quyền đặt câu hỏi ai là người đồng thuận? Các cơ quan chức năng có quyền yêu cầu đơn vị thực hiện khảo sát công bố danh sách cụ thể ai là người được hỏi và kết quả ấy như thế nào.

Người ta có thể định hướng câu trả lời trong các câu hỏi đưa ra khảo sát không thưa ông?

Nếu làm như thế thì đi ngược lại với tính chất một cuộc khảo sát mất rồi. Hỏi cái gì, hỏi như thế nào trong phiếu hỏi cũng là một vấn đề khoa học cần phải thảo luận kỹ trước khi triển khai. Phải trả lời được hỏi cái gì, hỏi như thế nào, phải giải thích cho người được hỏi một cách cụ thể về nội dung hỏi. Không đặt câu hỏi đóng kiểu như có đồng ý hay không, trong khi có thể chính người được hỏi lại không hiểu gì về nội dung ấy.

Xây dựng những phần việc này có phức tạp không thưa ông?

Nó đòi hỏi người làm phải rất công phu, khách quan, không hướng người được hỏi đến một xu hướng trả lời nào, không nói rằng trả lời như thế nào là tốt nhất. Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi về những cuộc khảo sát thời gian qua, rằng ai là người đồng thuận, tại sao không thấy thông báo ở các tổ dân phố, các khu nhà ở, chung cư… Không thấy ai đến hỏi, sao lại có kết quả ấy?

Dùng kết quả sai, chính quyền phải chịu trách nhiệm

Kết quả khảo sát thường phản ánh bao nhiêu phần trăm so với thực tế thưa ông?

Phải nói rằng kết quả này chỉ để tham khảo, đôi khi người ta phải họp, bàn luận trước khi công bố kết quả ấy. Khảo sát là để tham khảo chứ không phải là yếu tố để đưa ra quyết định và chắc chắn là không tuyệt đối. Kết quả khảo sát thường khách quan hơn nếu được một tổ chức độc lập thực hiện.

Giả sử như kết quả khảo sát là sai mà người ta vẫn quyết định dựa trên kết quả ấy thì ai phải chịu trách nhiệm?

Giả sử như vấn đề đặt ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm, nếu kết quả là sai mà Hà Nội vẫn sử dụng thì chính quyền phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng có quyền đề nghị đơn vị khảo sát công khai những người được hỏi, phương pháp hỏi, câu hỏi. Nghĩa là chính quyền được phản biện, đặt câu hỏi vì sao lại có kết quả đó. Nếu sau khi làm đúng các khâu này rồi mà chính quyền vẫn sử dụng kết quả này thì trách nhiệm sẽ thuộc về chính quyền.

Nếu phát hiện ra kết quả là sai thì sẽ giải quyết thế nào?

Trước tiên thì đơn vị đó sẽ phải giải trình. Các cơ quan chức năng có thể hợp với dân để lấy ý kiến của những người đại diện, lắng nghe, giải thích cho nhân dân hiểu. Kết quả khảo sát không phải là kết quả của trưng cầu ý dân nên nó không có ý nghĩa quyết định trong việc ra chính sách.

Có khi nào biết được người thực hiện khảo sát đã đưa ra định hướng từ trước khi khảo sát?

Đó không còn là khảo sát nữa mà là giả vờ tạo dư luận theo ý mình. Nhưng bây giờ trình độ của người dân khá cao, mạng xã hội phát triển, nếu cố tình làm như thế thì sẽ “lộ” ngay. Người dân bây giờ tỉnh táo lắm, không thể làm thế được. Biểu hiện là nhiều kết quả khảo sát thời gian qua bị người dân phản ứng đấy thôi.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 4/4, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) công bố kết quả lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) với 90% số người được hỏi đồng ý, 7% phản đối và 3% không có ý kiến. Lãnh đạo MRB cho hay, việc lấy ý kiến được tiến hành từ ngày 9 đến 31/3; trong thời gian trưng bày Quy hoạch trên, có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ và tiếp thu đóng góp qua email, khảo sát trực tuyến.

Cùng thời gian MRB lấy ý kiến về ga C9, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm còn diễn ra việc lấy ý kiến cộng đồng bằng phiếu về phương án chỉnh trang quanh Hồ Gươm, trong đó có việc lát vỉa hè bằng đá hoa cương Bình Định (từ ngày 2 đến 14/3). Kết quả được quận Hoàn Kiếm công bố với trên 93% người tham gia đồng ý.

Năm 2017, Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về đề án quản lý phương tiện cá nhân theo phương pháp chọn mẫu. Kết quả, trên 80% người dân ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân khi có phương tiện công cộng thay thế. Thời điểm này, nhiều người dân sử dụng xe máy cho rằng họ không được hỏi, nếu được hỏi thì có thể kết quả sẽ khác. Trước đó là cuộc khảo sát lấy ý kiến về bỏ loa phường thì có đến gần 80% không đồng ý.

Tô Hội (thực hiện)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP