Số lượng vàng đấu thầu lần này bằng với phiên đấu thầu ngày 23/4. Các thông tin không có thay đổi so với phiên hôm qua. Khối lượng tham gia tối thiểu và tối đa mỗi thành viên là 1.400-2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc là 10% đều tương tự.
Giá vàng chiều nay (24-4), vàng trong nước lại quay đầu tăng sốc sau khi giảm nhiệt vào hôm qua; tăng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/lượng ở cả chiều bán ra và chiều mua vào. Giá vàng SJC lại cán mốc 84 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận vào chiều nay (24-4), giá vàng trên thị trường trong nước được niêm yết cụ thể như sau:
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước thông tin thị trường vàng hôm nay tăng sốc, trưa nay (24/4), Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào ngày 25/4. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy thông báo giá cọc.
Nhà điều hành chưa thông báo mức giá tham chiếu. Mức giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra phiên đấu giá trước để các đơn vị chuyển tiền đặt cọc là 80,7 triệu đồng. Tuy nhiên, giá sàn dự thầu được công bố là 81,3 triệu, tăng 500.000 đồng so với tham chiếu vào ngày đấu thầu.
|
Giá vàng miếng SJC tăng cả triệu đồng/lượng (ảnh: Như Ý). |
Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Tuy nhiên, trong 11 doanh nghiệp tham gia, chỉ 2 đơn vị trả giá với khối lượng trúng 3.400 lượng.
Trước thông tin đấu thầu vào ngày mai, giá vàng miếng SJC quay đầu tăng mạnh lên hơn 1 triệu đồng/lượng. Vào lúc 14h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng SJC 82- 84 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC 82,35 - 84,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng quanh mốc 74, 75 triệu đồng/lượng tùy từng thương hiệu.
So với mức kỷ lục thiết lập hôm 12/4, mỗi lượng vàng miếng SJC hiện thấp hơn khoảng 1 triệu đồng, tương đương hơn 1%. Nhẫn trơn thấp hơn khoảng 2 triệu đồng so với đỉnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh - cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - cho rằng, giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra cao nên doanh nghiệp không mặn mà. Trong 30 phút, họ phải quyết định có trả giá hay không. Nhiều cuộc gọi về công ty được thực hiện, họ đánh giá tình thế rủi ro nếu bỏ phiếu trả giá thầu.
Ước tính, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để nhập ít nhất 1.400 lượng với giá sàn này. Việc mua vào với mức sát thị trường trong khi thế giới đi xuống, tức biên lợi nhuận thấp, khiến nhiều đơn vị lo ngại rơi vào thế bất lợi. Một ngân hàng tham gia dự thầu nhưng không bỏ phiếu mua cho hay "họ không cân đối được đầu ra".
Theo ông Khánh, giá tham chiếu nên lấy giá đêm hôm trước hoặc đầu ngày của SJC, có thể bằng hoặc thấp hơn giá mua vào của công ty.
Cùng với đó, nên điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu xuống một nửa như quy định tại phiên đấu giá hôm 23/4. Như vậy sẽ thu hút các đơn vị tham gia nhiều hơn.
"Một số đơn vị là hội viên kinh doanh vàng cũng chia sẻ băn khoăn rằng quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu tương đối cao, mà quý II thường là mùa thấp điểm của tiêu thụ vàng. Do đó, trong khi giá vàng thế giới có xu hướng điều chỉnh mạnh, nếu không kịp bán ra, họ sẽ lỗ. Nếu quy định khối lượng đấu thầu tối thiểu chỉ khoảng 500-700 lượng, có lẽ sự tham gia của các đơn vị sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết thêm, các phiên đấu thầu đầu tiên bao giờ cũng mang tính chất thăm dò, thận trọng, lượng trúng thầu không cao… nên phiên đấu thầu năm nay cũng vậy và điều này không phải là bất ngờ.
Mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới, ông Khánh cho rằng, trước khi sửa Nghị định 24 ngoài việc đấu thầu vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, vàng nhẫn bởi nhu cầu trong nước lớn mà nhiều năm nay không có nguồn cung.