Doanh nghiệp

Giá quặng tăng và lãi vay lớn, Hòa Phát giảm chỉ tiêu lợi nhuận 2019

  • Tác giả : Đức Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Tại cuộc họp Đại hội cổ đông cuối tuần qua, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) bất ngờ đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 giảm tới 22%. Lýdo vì giá quặng sắt tăng và chi phí lãi vay quá lớn, đồng thời Hòa Phát cũng gặp khó tại 2 mảng tôn mạ và chăn nuôi.

Tập đoàn Hòa Phát vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm 2018. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm 22%, xuống 6.700 tỷ đồng. Hòa Phát thống nhất phương án chia cổ tức năm 2018 là 30% bằng cổ phiếu nhưng sang năm 2019 cổ tức sẽ giảm xuống chỉ còn 20%.

Lý giải về việc lợi nhuận Hòa Phát năm nay lại giảm mạnh cho dù doanh thu vẫn tăng, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát - cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận Hòa Phát năm nay chỉ dừng ở mức 6.700 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là giá quặng sắt tăng cao sau thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil. Vụ vỡ đập này đã khiến Tập đoàn khai thác mỏ Vale bị tước giấy phép khiến nguồn cung quặng sắt bị ảnh hưởng và giá tăng vọt. Giá quặng sắt sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, các loại chi phí của Hòa Phát được dự báo cũng sẽ tăng. Cụ thể, chi phí tài chính từ mức hơn 700 tỷ đồng năm 2018 sẽ tăng gấp 3 lần, lên hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2019. Lý do vì trước đây, khi dự án Dung Quất trong thời gian xây dựng, chi phí lãi vay được hạch toán vào vốn hóa. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 này, khi dự án Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ phải tính lãi vay vào chi phí tài chính.

Đồng thời, chi phí sản xuất năm 2019 của Hoà Phát dự đoán sẽ tăng do giá điện tăng 8%, kéo theo các loại chi phí khác tăng theo. Hòa Phát dự báo còn phải đối mặt với khó khăn, thậm chí thua lỗ tại 2 mảng tôn mạ và chăn nuôi. Tôn mạ hiện đang dư thừa, tổng công suất thịt trường gấp đôi so với nhu cầu. Các nước cũng dựng hàng rào với sản phẩm này khiến lợi nhuận tôn mạ năm 2018 chỉ đạt 17 tỷ đồng trên tổng số doanh thu 2.700 tỷ đồng. "Thảm cảnh" nhất là mảng chăn nuôi. Cho dù các trang trại chăn nuôi lợn của Hòa Phát không bị nhiễm dịch, nhưng dịch bệnh này khiến người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt lợn, khiến giá lợn hơi giảm sâu mà vẫn khó bán. Theo ông Long, nếu tình trạng này kéo dài, mảng chăn nuôi lợn khả năng sẽ thua lỗ.

Ông Trần Đình Long tại ĐHCĐ Hòa Phát năm 2019. Ảnh: Hòa Phát.

Đức Vinh

BẢN DESKTOP