Môi trường

Gia Lâm – Hà Nội: Kênh ngập rác, dân khát nước sạch

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Chưa có hệ thống nước sạch, hàng ngày những hộ dân xã Kim Sơn (Gia Lâm - Hà Nội) phải sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và đối mặt với nguy cơ bệnh tật. Các kênh mương của địa phương này thì ngập rác.

Kênh toàn rác

Người dân các thôn Giao Tất A, Giao Tất B và tổ dân phố đường 181 thuộc xã Kim Sơn vô cùng bức xúc khi phải sống với nạn ô nhiễm từ tuyến kênh Bắc Hưng Hải. Tuyến kênh này do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống quản lý, chảy qua địa phận huyện Văn Lâm (Hưng Yên); các xã Dương Quang, Kim Sơn và Lệ Chi (Gia Lâm), sau đó chảy vào địa phận huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). 

Đoạn kênh chảy qua xã Kim Sơn chỉ dài khoảng 3 cây số nhưng lại bị ô nhiễm nặng nhất. Từ nhiều năm nay, nước tại kênh này luôn có màu đen đặc cộng với tình trạng rác thải, xác động vật khiến cho mùi hôi thối ngày càng nồng nặc. Mặc dù đơn vị quản lý kênh có thực hiện thu gom vớt rác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì tình trạng ô nhiễm lại tái diễn.

Tại khu vực gần cống Keo dài khoảng 400m, giáp đường 181 là nơi nhiều rác nhất. Rác tại đoạn kênh này có đủ loại, từ nilon, hộp xốp đến bao tải, cành cây củi mục… tập hợp thành một “bãi rác trên sông”. Người dân gần cống Keo nói rằng, tất cả các hộ phải đóng kín cửa cả ngày vì mùi hôi thối. 

Rác thải ngập kênh đoạn gần cống Keo.

Rác thải ngập kênh đoạn gần cống Keo.

Ông Nguyễn Viết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho hay, kênh Bắc Hưng Hải còn gọi là kênh Dài là kênh tưới tiêu. Mỗi khi bơm nước, rác thải lại dồn hết về cống Keo, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã.

Theo ông Thắng, nguyên nhân của tình trạng kể trên là kênh Bắc Hưng Hải phải chứa một lượng nước thải rất lớn của Khu công nghiệp Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ngoài ra, khi chảy qua làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, các hộ dân đã xả trực tiếp rác, nước thải từ các hoạt động sản xuất, chế biến phế liệu. 

Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Văn Lâm (Hưng Yên) tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Như Quỳnh. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ô nhiễm tại đây vẫn chưa được khắc phục.

Kênh mương và cống lộ thiên tại xã Kim Sơn luôn đen đặc và bốc mùi.

Kênh mương và cống lộ thiên tại xã Kim Sơn luôn đen đặc và bốc mùi.

Khát nước sạch

Tại thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông, các kênh mương lẫn cống rãnh lộ thiên luôn bốc mùi xú uế, thêm vào đó người dân lại không có nguồn nước sạch để sử dụng mà phải dùng đến nguồn nước ngầm từ giếng khoan.

Ông Dương Mạnh Huỳnh, Trưởng thôn Linh Quy Bắc, cho biết: Hơn 500 hộ trong thôn phải dùng giếng khoan với nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước này sau khi được bơm lên thì phải lọc qua bể cát và than hoạt tính.

Theo người dân, có lúc nước giếng vừa bơm lên màu vàng đục, có lúc màu tím đen. Dù nước này lọc qua bể cát và than hoạt tính nhưng vẫn không thể sử dụng trong việc ăn uống mà chỉ để giặt giũ, tưới cây. Nước ăn uống, tắm rửa người dân phải mua riêng.

Nguồn nước ngầm từ giếng khoan bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguồn nước ngầm từ giếng khoan bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại thôn Linh Quy Đông cũng phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Lý giải về nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm, ông Lê Văn Huỳnh – trưởng thôn Linh Quy Đông, khẳng định, do nhiều hộ trú tại đây làm nghề giết mổ trâu bò.

Nước thải trong quá trình giết mổ xả trực tiếp ra cống rãnh, ao hồ trong làng dẫn đến tình trạng tắc cống rãnh, rác thải tồn đọng và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Hiện, trong thôn Linh Quy Đông có khoảng 6 lò giết mổ gia súc lớn và hơn 6 lò giết mổ gia cầm, thường hoạt động từ 11h đêm tới 3 giờ sáng. Trung bình mỗi ngày một lò giết mổ khoảng 15 con trâu, bò. Bao nhiêu nước thải, cặn bã không qua xử lý đổ trực tiếp ra các ao hồ xung quanh, bảo sao nguồn nước không bị ô nhiễm.

Cũng vì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, người dân hai thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông đang đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo cùng các căn bệnh dễ thấy như tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại xã Kim Sơn là do hoạt động xả thải và giết mổ gia súc.

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại xã Kim Sơn là do hoạt động xả thải và giết mổ gia súc.

Khát nước sạch vì chờ quy hoạch

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo KH&ĐS, từ năm 2015 UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4682/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đấu nối, mở rộng mạng cấp nước sạch cho nhân dân các xã Lệ Chi, Kim Sơn, Dương Quang (Gia Lâm). Và Công ty cổ phần Đào tạo và Xây lắp điện Hà Nội là đơn vị thực hiện dự án.

Cụ thể, xây dựng mạng đường ống phân phối và dịch vụ dài khoảng 109.000m với tổng mức đầu tư 85,704 tỷ đồng; thời hạn hoạt động của dự án trong vòng 30 năm; tiến độ thực hiện dự án trong hai năm (2015-2016). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay dự án đấu nối ấy vẫn không được thực hiện.

Người dân phải chờ đợi dự án nước sạch do quy hoạch.

Người dân phải chờ đợi dự án nước sạch do quy hoạch.

Ông Nguyễn Viết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, cho biết: Hiện 9 thôn xóm và tổ dân phố của xã, tức 100% hộ dân chưa có nước sạch nên chủ yếu dùng nước giếng khoan sau đó lọc thô bằng cát sỏi dùng để sinh hoạt. Dù vậy, việc giải quyết bài toán nước sạch vẫn phải chờ quy hoạch.

“Xã Kim Sơn là một trong những địa phương của huyện Gia Lâm nằm trong quy hoạch cấp nước sạch của TP. Hà Nội giai đoạn 2020 - 2022. Hiện nay, trên địa bàn đã xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, cùng sự giúp đỡ của nhà máy nước số 2, dự tính năm 2020 xã sẽ có nước sạch”, ông Nguyễn Viết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP