KINH TẾ

Giá hàng hóa phi mã, lạm phát có ngoài tầm kiểm soát?

  • Tác giả : Vân Tuyết
(khoahocdoisong.vn) - Tình trạng khan hiếm nguồn cung đã khiến một số mặt hàng tăng giá phi mã khiến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất tăng mạnh. Nỗi lo lạm phát kích hoạt giá vàng lên gần 60 triệu đồng/lượng. Bộ Tài chính cho biết đã chuẩn bị các kịch bản để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu tăng mạnh

Theo khảo sát của phóng viên, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, thậm chí ô tô, xe máy, nhà đất, chứng khoán cũng tăng giá. Bảng giá mới công bố của hãng Honda cho thấy, giá xe ga và xe số Honda đồng loạt tăng mạnh. Giá bán của Honda SH 2020 bất ngờ tăng từ 500 - 1 triệu đồng mỗi phiên bản. Honda Vision tăng so với những tháng trước từ 1 - 2 triệu đồng.

Giá vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng đều đã tăng từ 30 – 40% kéo theo giá nhà đất và nhiều ngành sản xuất tăng chi phí đầu vào. Giá xăng hiện trên 19.000đ/lít, tăng gần 14% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Học phí của nhiều trường đại học cũng đã được thông báo sẽ tăng từ năm học 2021 – 2022. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi: ngô, đậu, cám gạo... tăng mạnh từ 20 - 70%. Ngành nông nghiệp cũng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ khó giảm trong 2 tháng tới. Thiếu chip và nguyên vật liệu đang ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, như: ô tô, máy tính, điện thoại thông minh, thiết bị y tế... trên toàn cầu, đẩy giá các mặt hàng này có nguy cơ tăng cao.

Trong khi đó, về thực tế CPI tháng 4 giảm, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1 có 4 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước, 6 nhóm hàng có chỉ số tăng và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định. Xét trong tổng chi tiêu dùng của người dân, 4 nhóm hàng giảm giá chiếm 60,1%, 6 nhóm hàng tăng giá chiếm 34,2% và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép có giá không đổi chiếm 5,7% làm cho CPI của tháng Tư giảm 0,04% so với tháng 3/2021.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, nguy cơ lạm phát là rất lớn cho nhiều nền kinh tế và cả Việt Nam. Nguy cơ này xuất phát từ giá nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép đã tăng nhanh từ thế giới đến trong nước ở mức trung bình trên 20 - 30%. Nhu cầu sản xuất từ sự phục hồi kinh tế ở các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đang tăng sẽ tiếp tục khiến giá hàng hóa khó giảm trở lại và vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay.

Bên cạnh đó, cung tiền đưa vào nền kinh tế quá nhiều khiến giá hàng loạt tài sản tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và nhu cầu của các khu vực dịch vụ tăng trở lại thì chỉ số CPI cũng sẽ tăng theo.

Nguy cơ lạm phát cao là có nhưng diễn ra ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Nhưng khả năng lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ cao hơn năm vừa qua do nhu cầu dịch vụ, du lịch và nhiều sản phẩm tăng giá mạnh từ đầu tháng 4 trở đi cũng như chi phí giáo dục năm nay cũng sẽ tăng.

 PGS.TS Phạm Thế Anh.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiêu cứu giá cả cũng cảnh báo rằng, dù cách tính của Tổng cục Thống kê cho ra con số CPI tháng 4.2021 giảm 0,04% nhưng điều đáng lo là mặt giá cả hàng hoá thế giới lẫn trong nước thực tế đang ở một mức cao.

Chủ động các kịch bản điều hành giá

Theo Tổng cục Thống kê, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2021 tăng 0,29%, thấp nhất trong 20 năm, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 không đơn giản bởi Mỹ và nhiều nước tung ra các gói kích thích kinh tế, giá dầu thô, giá vàng thế giới lại tăng mạnh. Để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 4% trong năm nay, không nên điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đồng thời không dồn tăng giá các mặt hàng này vào cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao...

Trước những lo ngại về lạm phát, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành theo chức năng tiếp tục bám sát tình hình giá cả thị trường để có điều hành cụ thể. Ví dụ như mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu vừa tính đến yếu tố thị trường, vừa kết hợp với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành. Hay như mặt hàng điện, cần đánh giá kỹ yếu tố chi phí tác động đến giá thành để xem xét mức độ ảnh hưởng đến giá điện, qua đó có kịch bản điều hành phù hợp. Ngoài ra, các bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ cần nỗ lực hơn để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2021 giá cả một số mặt hàng rất khó đoán bởi một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả, như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có giảm không thể lường hết. Bên cạnh đó tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nguồn cung cũng tác động tới thị trường. Đồng thời, việc điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình, như dịch vụ công (y tế, giáo dục), tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng và lên kịch bản điều hành giá trong năm 2021, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đề ra. Cục Quản lý giá sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu  đề ra. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa quan trọng thiết yếu.

Để kiểm soát lạm phát, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực khuyến nghị các bộ, ngành cần phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó có việc kiểm soát về giá cả. Bên cạnh đó, cần cân nhắc lùi lộ trình tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý nếu áp lực lạm phát lớn hơn.

Vân Tuyết

BẢN DESKTOP