Khoa học & Công nghệ

Gia đình không rác thải nhựa?

  • Tác giả : Hà Lan
(khoahocdoisong.vn) - Rác thải nhựa trong gia đình không chỉ là túi nilon, các đồ nhựa dùng một lần mà nó còn nhiều hơn sự tưởng tượng của bạn… Liệu mô hình gia đình không rác thải nhựa có thể thực hiện được.

Không chỉ là túi nilon

Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Nhóm Thúc đẩy Khoa học Công dân, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng cho biết, với sự tiện lợi, rẻ, nhựa có mặt ở khắp mọi ngóc ngách trong mỗi gia đình. Và khi hết giá trị sử dụng, một lượng rác thải nhựa được hình thành.

Rác thải nhựa không đơn giản là túi nilon, các đồ nhựa dùng một lần như cốc thìa nhựa, ống hút… mà nhiều hơn sự tưởng tượng của chúng ta với chai đựng nước mắm, chai đựng dầu ăn, chai đựng các hóa chất tẩy rửa như sữa tắm, dầu gội đầu, nước rửa nhà vệ sinh…

Thậm chí các loại bao bì cán nhựa như vỏ hộp sữa, vỏ hộp bánh, bao gói mì tôm, bao gói bánh kẹo… đều là rác thải chứa thành phần nhựa. Tất cả các loại rác thải nhựa này, trừ một lượng nhỏ sau khi dùng xong được tái sử dụng lại trong chính gia đình, còn hầu hết sẽ bị thải bỏ.

Hiện nay, ở Việt Nam mặc dù chưa có nghiên cứu thống kê cụ thể về lượng rác thải nhựa của các hộ gia đình thải ra môi trường, tuy nhiên, nhìn vào số lượng đồ nhựa sau khi sử dụng xong trong mỗi gia đình có thể thấy, con số túi nilon, vỏ hộp sữa, các loại chai nhựa… bị thải bỏ là không nhỏ. Mỗi gia đình cũng có thể tự biết được hàng ngày, hàng tháng nhà mình đã thải bỏ bao nhiêu rác thải nhựa. 

Bạn có sẵn sàng hạn chế nhựa?

Theo bà Nguyễn Hà Đan Quế, cũng đến từ Nhóm Thúc đẩy Khoa học Công dân, có thể khó để loại bỏ nhựa khỏi gia đình ngay lập tức, nhưng có thể giảm sử dụng nhựa dần dần với sự chung tay của các thành viên trong gia đình.

Việc giảm thiểu rác thải nhựa trong gia đình thế nào hoàn toàn không có lời khuyên chung cho tất cả các gia đình, mà mỗi gia đình sẽ thực hiện việc giảm thiểu theo cách riêng phù hợp với từng gia đình. Tuy nhiên, có thể áp dụng mô hình các chữ R để giảm rác thải nhựa trong hộ gia đình: rethink (suy nghĩ lại), reduce (từ chối), refuse (cắt giảm), reuse (tái sử dụng), repair (sửa chữa), recycle (tái chế). Rethink là bước ưu tiên nhất vì chúng ta cần nghĩ lại về cách tiêu dùng của chính mình (có cần những đồ dùng đó không, chúng ta mua từ đâu đến, được sản xuất như thế nào và sau khi bị vứt thì chúng đi tới đâu, gây ra ảnh hưởng gì tới những người khác và tới hệ sinh thái). Khi đã rethink về rác, chúng ta sẽ dễ dàng và quyết tâm thực hiện những R tiếp theo.

Cụ thể, để giảm thiểu rác thải nhựa, mỗi hộ gia đình hãy sử dụng những vật liệu khác thay cho đồ nhựa ví dụ dùng chai/lọ thủy tinh để đựng nước, không sử dụng đồ nhựa một lần như thìa bát đĩa… Bạn cũng hãy cắt giảm đồ nhựa nếu thật sự không cần thiết như không dùng đồ nhựa dùng một lần. Bạn cũng nên tái sử dụng đồ nhựa cho những mục đích khác nhau trong gia đình thay vì thải bỏ chúng. Tuy nhiên, việc tái sử dụng đồ nhựa cần phải lưu ý, cần dùng loại sản phẩm nhựa có chất lượng tốt, có đảm bảo về an toàn trong khi sử dụng.

Một cách khác nữa là bạn hãy hạn chế đến mức tối đa thải bỏ đồ nhựa. Thay vì vứt đi, hãy làm sạch và thu gom để đưa đến những nơi thu gom. Hiện nay, ở Hà Nội đã có một số điểm thu gom vỏ hộp sữa và rác thải, ví dụ như chương trình thu gom rác thải tái chế được đang thực hiện tại quận Hoàn Kiếm.

Lựa chọn các cửa hàng bán đồ ít rác thải, lựa chọn các quán ăn giao đồ đến nhà  sau đó thu lại vỏ hộp… cũng là cách để giảm thiểu rác thải nhựa. Hiện, không khó để tìm thấy các cửa hàng “xanh” này. 

Ngoài ra, hãy tham gia các cộng đồng xanh. Hiện có nhiều cộng đồng xanh như Tôn trọng trái đất, Less Waste Vietnam, Cộng đồng ẩm thực xanh... Tại đây, bạn có thể chia sẻ những khó khăn hay những kinh nghiệm về sống xanh, về hạn chế rác thải nhựa.

Về phía cơ quan quản lý, theo bà Nguyễn Thị Phương Nhung, ở nhiều nước để hạn chế rác thải nhựa, họ bắt đầu từ chính các doanh nghiệp. Đó là quy định về chính sách thu hồi sản phẩm thải bỏ đối với doanh nghiệp, chẳng hạn như doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá mỹ phẩm gia dụng sẽ phải có chính sách thu gom một tỉ lệ nhất định lượng vỏ chai nhựa sau khi khách hàng sử dụng. Đây là một cách hay để có thể giảm thiểu đồ nhựa. 

Theo bà Nguyễn Hà Đan Quế, nếu 5 năm trước, việc ý thức sống xanh là điều còn xa lạ, thì nay, việc hạn chế rác thải nói chung và hạn chế rác thải nhựa đã được người dân thực sự ý thức. Nhiều người dùng chai thủy tinh để đựng nước, mang túi vải đi chợ để hạn chế dùng túi nilon… Đấy là những dấu hiệu tích cực.

Hà Lan
Từ Khoá

BẢN DESKTOP