Vấn đề - Sự kiện

Giá điện tăng: “Đánh vào kinh tế để nâng cao tiết kiệm điện“

  • Tác giả : TV T/h
"Rất nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan, Malaysia... đều áp dụng nhiều biện pháp đánh vào kinh tế thông qua giá, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả".

Ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% lên mức 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới dao động 1.728-3.015 đồng/kWh. EVN tính toán, các hộ dùng điện sinh hoạt dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 2.500 đồng; hộ dùng 100-300 kWh/tháng, số tiền điện phải trả thêm 5.100-18.700 đồng và trên 400 kWh là 27.200 đồng.

Gia dien tang: “Danh vao kinh te de nang cao tiet kiem dien“
(Nguồn EVN)

Vấn đề tăng giá điện đã nóng nay lại càng thêm nóng khi mùa hè đang đến. Đây là cao điểm sử dụng điện trong năm và câu chuyện tiết kiệm điện lại được tranh luận sôi nổi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, điện là một nguồn năng lượng quan trọng, là mặt hàng đặc biệt, cung - cầu giữa sản xuất và tiêu dùng luôn cân bằng tại mọi thời điểm; gần như không thể lưu trữ với chi phí thấp. Điện tác động đến mọi đối tượng và toàn bộ nền kinh tế. Tiết kiệm điện là mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia, bởi nhu cầu điện ngày càng tăng, nhưng tài nguyên cho sản xuất điện lại không phải là vô tận.

Gia dien tang: “Danh vao kinh te de nang cao tiet kiem dien“-Hinh-2
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Đánh giá về thực trạng nhu cầu dùng điện và sử dụng điện ở nước ta, ông Hùng nói: "Nhu cầu điện trên đầu người của Việt Nam tuy còn thấp so với nhiều nước, nhưng hằng năm đều tăng. Bảo đảm nguồn cung về điện cho quốc kế, dân sinh luôn là một thách thức. Trong khi đó, tình trạng sử dụng điện còn nhiều lãng phí. Vì vậy, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được coi là quốc sách".

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7, ngày 17/6/2010 đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngày 7/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện và ngày 8/3/2018 đã ra Quyết định số 279/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, ngành điện đang ưu tiên các chương trình về hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho 2 nhóm khách hàng là sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Đây là 2 nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn, đến 80-85% tổng nhu cầu điện tại khu vực miền Nam.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ thêm, rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... đều áp dụng nhiều biện pháp đánh vào kinh tế thông qua giá, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ chuỗi chương trình truyền thông và tập huấn cho người tiêu dùng tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam trong năm 2023 nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đúng vào thời điểm nắng nóng. Chương trình tập huấn của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) được triển khai với 3 chuyên đề chính, trong đó, chuyên đề 1 tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị điện lực trong thực thi chính sách pháp luật Việt Nam và trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Chuyên đề 2 nêu rõ sự cần thiết thực hành tiết kiệm điện (TKĐ) và hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tầm quan trọng và sự cần thiết thực hành TKĐ; Vai trò và lợi ích của TKĐ; Phân nhóm người tiêu dùng sử dụng điện, các hành vi sử dụng điện chính của mỗi nhóm khách hàng; Các thói quen lãng phí khi sử dụng điện; Hướng dẫn thay đổi thói quen, các hành động thực hành TKĐ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tiết kiệm điện phải thành thói quen

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phát biểu trong chương trình Giờ trái đất 2023: "thông điệp gửi đến cộng đồng không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường chỉ trong một giờ đồng hồ, mà mọi cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp phải thực hành nó thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm, để tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen."

TV T/h

BẢN DESKTOP